Việt Nam thêm 16.325 ca mắc mới; trong đó có 11.309 ca trong cộng đồng
Tính từ 16 giờ ngày 20/12 đến 16 giờ ngày 21/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.325 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21/12 là 50.191 ca.
Thông tin các ca nhiễm mới trong đó có 9 ca nhập cảnh và 16.316 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.350 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.309 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bến Tre (giảm 379), Phú Yên (giảm 182), Sóc Trăng (giảm 99). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Cà Mau (tăng 623), Quảng Ngãi (tăng 214), Thừa Thiên Huế (tăng 156). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.609 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.571.780 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.937 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.566.261 ca, trong đó có 1.157.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn, Lai Châu. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (496.183 ca), Bình Dương (289.464 ca), Đồng Nai (95.496 ca), Tây Ninh (65.900 ca), Long An (39.760 ca).
Trong ngày 21/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 50.191 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.160.090 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.740 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 20/12 đến 17 giờ 30 ngày 21/12 ghi nhận 250 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 244 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.041 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 104.238 mẫu xét nghiệm cho 197.251 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.076.486 mẫu cho 73.037.601 lượt người.
Riêng TP Hà Nội ghi nhận 1.704 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 29 quận, huyện. Trong đó số ca cộng đồng là 485 ca, trong khu cách ly là 1.130 ca và khu phong tỏa 89 ca. Hà Nội tiếp tục nhiều ca mắc mới nhất cả nước. Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 30.398 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 11.156 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 19.242 ca. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc COVID-19.
Dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương
Bộ Y tế vừa đưa ra hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần là hai trường hợp cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19. Trong hướng dẫn mới nhất ban hành ngày 21/12, Bộ Y tế chỉ quy định 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Trước đây có thêm trường hợp "có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng".
Tại hướng dẫn mới này, Bộ Y tế vẫn phân loại người tiêm thành 4 nhóm. Nhóm 1 là người đủ điều kiện tiêm chủng: Là người độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine. Nhóm 2 là người cần thận trọng tiêm chủng, phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống. Nhóm 3 là người trì hoãn tiêm chủng, gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Nhóm 4 là nhóm chống chỉ định, gồm: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Trước tình hình dịch diễn biến khó lường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản khẩn về giám sát và phòng chống biến thể Omicron gửi 22 địa phương và các đơn vị y tế trực thuộc. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) được giao rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ 28/11 có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Các đơn vị phối hợp với Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm xác định biến thể Omicron.
Trong khi đó, số ca F0 ở Hà Nội liên tục tăng và ở mức 4 con số. Tình trạng quá tải đã xảy ra tại “tầng 2” các khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Y tế cơ sở - lực lượng chủ công vừa quản lý, điều trị cho F0 tại nhà vừa làm công tác xét nghiệm, truy vết lại “quá mỏng” và đã làm việc liên tục trong thời gian dài. Đây là thực tế công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay ở Hà Nội. Không ít trường hợp F0, F1 ở Hà Nội đã phải “loay hoay” nhờ tư vấn online do chưa nhận được sự hỗ trợ của y tế địa phương. Nhiều gia đình bắt đầu nghĩ đến mua bình ô-xy hay tích trữ test nhanh vì các ca F0 đã xuất hiện ngay bên cạnh gia đình. Tuy nhiên, điều đáng nói là trước thực tế dịch bệnh phức tạp như vậy vẫn còn nhiều người dân chủ quan.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai Trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế Hà Nội đã ban hành hướng dẫn về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19; đồng thời, yêu cầu CDC, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền.
Ở diễn biến khác, tỉnh Quảng Trị đang tập trung dập hai ổ dịch COVID-19 phức tạp ở huyện Gio Linh. Tỉnh đã công bố thêm 38 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, phần lớn ca bệnh được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng tại xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Từ ngày 16/12 đến nay, trên địa bàn xã ghi nhận trên 40 trường hợp mắc COVID-19. Tỉnh đã yêu cầu huyện Gio Linh và ngành Y tế tập trung thực hiện các giải pháp để sớm kiểm soát ổ dịch ở xã Linh Trường như: Hạn chế tối đa người ra vào xã; giám sát y tế đối với những người đến, trở về địa bàn. Ngành y tế tăng cường nhân lực, thiết bị để đảm bảo trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận 1.500 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 300 người đang điều trị tại cơ sở y tế.
Còn tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 do nhu cầu khẩn cấp. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện hơn 1.300 ca/ngày. Trong khi đó, số lượng người tiêm 2 mũi vaccine của hãng Sinopharm (Vero Cell) trên địa bàn tỉnh là trên 500.000 người và các liều vaccine khác đã đến lịch bổ sung, nhắc lại. Trước nhu cầu khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung 571.600 liều vaccine phòng COVID-19 để tỉnh triển khai tiêm trong tháng 12/2021 và sau đó xin cấp vaccine các đợt theo thời gian đã đăng ký. Tính đến sáng 21/12, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 907.270 người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, đạt 97,27%; trong đó, số người đã tiêm đủ 2 mũi là hơn 844.000 người, đạt 90,48% và số người tiêm 1 mũi là 63.255 người, chiếm 6,79% dân số từ 12 tuổi trở lên. Số người tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại là gần 10.550 người.
Riêng tại Đồng Nai, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân tử vong do COVID-19 có xu hướng dần tăng cao. Tỉnh có 1.219 ca tử vong do COVID-19, chiếm 0,48%, trong khi đó tỷ lệ tử vong thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội là 0,9%.Nguy cơ ca mắc COVID-19 tử vong ở Đồng Nai tăng cao rõ rệt theo nhóm tuổi, những bệnh nhân nhóm tuổi trên 65 tuổi chiếm gần một nửa (48,50%), trên 50 tuổi chiếm 86,82% số ca tử vong trong tuần này. Điều này cho thấy tuy tỉ lệ bao phủ vaccine rộng gần đạt 100% ở tỉnh Đồng Nai thì những người trên 50 tuổi mắc COVID-19 vẫn đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Tuổi trung bình của các bệnh nhân tử vong có xu hướng dần tăng cao. Tỉ lệ tử vong theo giới tính nam/nữ cũng không biến động nhiều qua các giai đoạn, số bệnh nhân nữ giới tử vong cao hơn nam giới từ 1,3 đến 1,5 lần. Hầu hết ca tử vong đều diễn tiến nặng được chuyển đến đơn vị hồi sức tích cực (chiếm 82,63%). Đồng Nai vẫn còn ghi nhận nhiều ca tử vong chưa được tiêm vaccine, chiếm 40,12% tại các huyện/thành phố trong tỉnh...