Tổng hợp COVID-19 ngày 8/1: Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm; TP Hồ Chí Minh trở thành ‘vùng xanh’

Ngày 8/1, Việt Nam ghi nhận 16.553 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 240 ca tử vong. Đáng chú ý, Hà Nội vẫn là thành phố đứng đầu ca nhiễm của cả nước, trong khi đó TP Hồ Chí Minh đã trở thành “vùng xanh” sau nhiều ngày số ca nhiễm mới giảm mạnh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp cũng như phải dành ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tạm dừng bắn pháo hoa dịp Tết nguyên đán.

Hà Nội thêm 2.791 ca nhiễm mới

Tính từ 16 giờ ngày 7/1 đến 16 giờ ngày 8/1, Việt Nam ghi nhận 16.553 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Trong đó, Hà Nội đứng đầu với 2.791 ca nhiễm, tiếp đến là Khánh Hòa với 798 ca, Hải Phòng là 748 ca, Bình Định 742 ca… riêng TP Hồ Chí Minh giảm còn 436 ca.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó Hà Giang (giảm 263 ca), Hải Dương (giảm 262 ca), Vĩnh Long (giảm 229 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 481 ca), Gia Lai (tăng 179 ca), Đà Nẵng (tăng 165 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.263 ca/ngày.

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (507.338), Bình Dương (291.329), Đồng Nai (98.650), Tây Ninh (81.722), Hà Nội (64.965).

Trong ngày 8/1, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 8.990 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.488.038 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.352 ca, trong đó có 20 ca đang chạy ECMO.

Từ 17 giờ 30 ngày 7/1 đến 17 giờ 30 ngày 8/1, cả nước ghi nhận 240 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh có 18 ca, trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (3), Long An (3), An Giang (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 215 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.117 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Đã tiêm trên 2,2 triệu liều bổ sung và trên 5,5 triệu liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 7/1, cả nước đã tiêm được 144.132.993 liều vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong đó có 70.254.466 mũi 1; 64.814.022 mũi 2; 1.258.496 mũi 3 (đối với vacine Abdala); 2.217.588 liều bổ sung và 5.588.421 liều nhắc lại.

Số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine hiện là 99,8%; tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Hiện có 47/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên 95%; có 12/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 90-95%...

Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 7/1, tại các quận, huyện trên địa bàn đã tiêm được tổng số 13.053.959 mũi vaccine phòng COVID-19; trong đó có số mũi bổ sung đã tiêm là 207.015 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm là 903.163 mũi.

Bên cạnh hoàn thành các mũi tiêm cơ bản, các địa phương đang triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho người dân.

Theo Bộ Y tế, Bộ đang chỉ đạo các địa phương thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm vaccine, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1 năm 2022 và hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.

Theo đó, nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2022 chủ yếu là tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em. Với nguồn vaccine mà cơ chế COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I/2022, đã đủ số lượng để tiêm cho người trưởng thành. Việt Nam đang tiếp cận nguồn vaccine tiêm cho trẻ em.

Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các địa phương về việc sử dụng vaccine AstraZeneca tiêm bổ sung cho người đã tiêm Vero Cell. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vaccine AstraZeneca, vaccnine Vero Cell (Sinopharm) hoặc vaccine mRNA để tiêm liều bổ sung đối với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vaccine Vero Cell (Sinopharm).

Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

TP Hồ Chí Minh trở thành 'vùng xanh'

Ngày 8/1, theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về cấp độ dịch, trong tuần từ ngày 31/12/2021 đến ngày 6/1/2022, TP Hồ Chí Minh có cấp độ dịch ở mức độ 1, tức "vùng xanh". Như vậy, sau nhiều tuần TP Hồ Chí Minh có cấp độ dịch ở mức độ 2, nay đã chuyển xuống cấp độ 1.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 2,3 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc mới trong tuần từ 31/12/2021 - 6/1/2022 là 3.244 ca. Với dân số hơn 9,1 triệu người, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng tại thành phố tuần qua là 40 ca, do đó theo tiêu chí 1, TP Hồ Chí Minh đạt mức độ 2.

Ở tiêu chí 2 là độ bao phủ vaccine, tính đến hết ngày 6/1/2022, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố đạt mức 100%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố là 99,91% (đạt trên 80% số liệu thực tế người dân đang cư trú, do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp).

Còn ở tiêu chí 3 là đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các tuyến, Thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICC) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.

Dựa trên 3 tiêu chí trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá cấp độ dịch của toàn thành phố hiện đang ở cấp độ 1 tức "vùng xanh".

Trong khi đó, tại TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, toàn TP. Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng). Trong 30 quận, huyện, thị xã, có 2 huyện ở cấp độ 1 như 7 ngày trước (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh là Phúc Thọ và Phú Xuyên); có 20 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 (tăng 2 quận, huyện) và 8 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoàng Mai và Long Biên.

Tại TP Hải Phòng, đến 11 giờ ngày 8/1, toàn thành phố Hải Phòng đã rơi vào vùng đỏ, tương đương cấp độ dịch nhóm nguy cơ rất cao khi số ca mắc COVID-19 ngày một tăng. Ngoài ra, nhằm kiểm soát và ngăn ngừa biến chủng mới Omicron xâm nhập vào cộng đồng, thành phố Hải Phòng yêu cầu thiết lập nhanh khu vực test nhanh COVID-19 tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.

Quảng Ninh sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch COVID-19 đạt đỉnh vào ngày 25/1

Tỉnh Quảng Ninh nhận định, dự kiến đến ngày 25/1 sẽ là đỉnh của đợt dịch COVID-19 lần này trên địa bàn với con số ca nhiễm mỗi ngày khoảng 1.000 ca.

Chú thích ảnh
Ưu tiên tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ tuyến đầu tỉnh Quảng Ninh (ảnh tư liệu TTXVN).

Tại buổi họp về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 8/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết: Thời gian từ nay đến đỉnh dịch là rất gần và cận kề thời điểm nhân dân đón Tết Nguyên đán 2022, nên ngành y tế xác định cụ thể lại về nguồn nhân lực, làm rõ vấn đề về tổ chức thực hiện đối với từng tuyến điều trị (điều trị tại nhà, ngoài cơ sở y tế và tại các cơ sở y tế).

Các địa phương phải chủ động tổ chức mua sắm các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất, thuốc… theo đúng phương án đã xây dựng, trước mắt là phương án có 1.000 ca mắc mới/ngày; xác định lại về khả năng số bệnh nhân có thể cách ly tại nhà; sẵn sàng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của các cơ sở cách ly, điều trị y tế và nhân lực cho từng kịch bản. Trong trường hợp gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị vật tư y tế, các địa phương phải chủ động báo cáo UBND tỉnh để có phương án tháo gỡ kịp thời.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ khi dịch xuất hiện đến nay, Quảng Ninh phát hiện 5.376 ca mắc COVID-19 mới (trong đó, nhập cảnh: 119 ca, nội địa: 5.257 ca). Đáng chú ý là những ngày qua, các ca mắc mới trên địa bàn tỉnh đều tăng lên theo từng ngày và dự kiến đến ngày 25/1 sẽ là đỉnh của đợt dịch lần này với con số khoảng 1.000 ca/ngày.

Để chủ động ứng phó với các cấp độ, quy mô dịch trong tình hình hiện nay, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã lập Kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị trong tình huống có đến 10% dân số (khoảng 138.000 người) mắc COVID-19 trong 14 ngày với 3 kịch bản như sau: Tình huống có 2.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trong vòng 14 ngày (tương ứng 2% dân số tỉnh); tình huống có trên 2.000-4.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trong vòng 14 ngày (tương ứng 2-4% dân số tỉnh); tình huống có trên 4.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trở lên.

Việc tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân trong các tình huống đều được thực hiện theo 3 nguyên tắc: Phát hiện ở đâu thì cách ly, quản lý và điều trị ở địa phương đó; tổ chức điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo mức độ và nguy cơ; linh hoạt theo cấp độ dịch. Kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị được xây dựng phương án chi tiết phù hợp nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo nhân lực y tế, nhu cầu hậu cần tương ứng với các tình huống.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định, qua kinh nghiệm phòng, chống dịch của nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, lực lượng y tế lưu động phát huy hiệu quả rất lớn. Do đó các địa phương phải thực hiện đúng theo yêu cầu của Trung ương trong việc thành lập và quản lý Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng.

Đối với việc đảm bảo cung ứng ôxy y tế và hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế và Sở Công Thương có trách nhiệm làm đầu mối và phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng được những phương án, cách làm hiệu quả nhất.

Đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội, bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Chú thích ảnh
Màn bắn pháo hoa tầm cao ở công viên Thống nhất nhìn từ độ cao 150m. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, các Sở nêu trên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 6/1: Hà Nội hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19; ghi nhận 170 ca tử vong
Tổng hợp COVID-19 ngày 6/1: Hà Nội hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19; ghi nhận 170 ca tử vong

Trong ngày 6/1, dư luận quan tâm đến một số thông tin nổi bật như: Việt Nam có 16.472 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 170 ca tử vong; KOICA tài trợ 6,3 triệu bơm kim tiêm y tế dùng một lần cho Việt Nam; người dân cần tuân thủ phòng dịch để đón Tết an toàn; Hà Nội hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19; chi trả lương hưu, trợ cấp hai tháng đầu năm 2022 vào cùng một kỳ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN