Tại buổi họp về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 8/1, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Việc xây dựng Kế hoạch thu dung, điều trị cho các tình huống có thể xảy ra là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, ngành Y tế và các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện lại Kế hoạch, trong đó phải bổ sung thêm phương án có trên 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trở lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết: Thời gian từ nay đến đỉnh dịch là rất gần và cận kề thời điểm nhân dân đón Tết Nguyên đán 2022, nên ngành Y tế xác định cụ thể lại về nguồn nhân lực, làm rõ vấn đề về tổ chức thực hiện đối với từng tuyến điều trị (điều trị tại nhà, ngoài cơ sở y tế và tại các cơ sở y tế).
Các địa phương phải chủ động tổ chức mua sắm các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất, thuốc… theo đúng phương án đã xây dựng, trước mắt là phương án có 1.000 ca mắc mới/ngày; xác định lại về khả năng số bệnh nhân có thể cách ly tại nhà; sẵn sàng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của các cơ sở cách ly, điều trị y tế và nhân lực cho từng kịch bản. Trong trường hợp gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị vật tư y tế, các địa phương phải chủ động báo cáo UBND tỉnh để có phương án tháo gỡ kịp thời.
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ khi dịch xuất hiện đến nay, Quảng Ninh phát hiện 5.376 ca mắc COVID-19 mới (trong đó, nhập cảnh: 119 ca, nội địa: 5.257 ca). Đáng chú ý là những ngày qua, các ca mắc mới trên địa bàn tỉnh đều tăng lên theo từng ngày và dự kiến đến ngày 25/1 sẽ là đỉnh của đợt dịch lần này với con số khoảng 1.000 ca/ngày.
Để chủ động ứng phó với các cấp độ, quy mô dịch trong tình hình hiện nay, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã lập Kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị trong tình huống có đến 10% dân số (khoảng 138.000 người) mắc COVID-19 trong 14 ngày với 3 kịch bản như sau: Tình huống có 2.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trong vòng 14 ngày (tương ứng 2% dân số tỉnh); tình huống có trên 2.000-4.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trong vòng 14 ngày (tương ứng 2-4% dân số tỉnh); tình huống có trên 4.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trở lên.
Việc tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân trong các tình huống đều được thực hiện theo 3 nguyên tắc: Phát hiện ở đâu thì cách ly, quản lý và điều trị ở địa phương đó; tổ chức điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo mức độ và nguy cơ; linh hoạt theo cấp độ dịch. Kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị được xây dựng phương án chi tiết phù hợp nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo nhân lực y tế, nhu cầu hậu cần tương ứng với các tình huống.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định, qua kinh nghiệm phòng, chống dịch của nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, lực lượng y tế lưu động phát huy hiệu quả rất lớn. Do đó các địa phương phải thực hiện đúng theo yêu cầu của Trung ương trong việc thành lập và quản lý Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng.
Đối với việc đảm bảo cung ứng ôxy y tế và hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế và Sở Công Thương có trách nhiệm làm đầu mối và phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng được những phương án, cách làm hiệu quả nhất.
Riêng với các biện pháp để giảm ca mắc mới trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cách tốt nhất là hạn chế hoạt động đông người. Do đó, ngành Y tế phải tham mưu tỉnh trong việc nâng cấp cấp độ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, với những địa phương có nguy cơ số bệnh nhân tiếp tục tăng cao, các địa phương này cần nhanh chóng nâng cấp độ dịch theo thẩm quyền và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 3 cho người dân, hoàn thành tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm mũi 1, mũi 2.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo những chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 xuống các cơ sở, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.