Tổng hợp COVID-19 ngày 5/1: 63 tỉnh, thành đã có ca mắc; số ca F0 của Hà Nội vẫn đứng đầu cả nước

Ngày 5/1, tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đều ghi nhận ca mắc mới, trong đó Hà Nội có số ca mắc cao nhất. Cũng trong ngày 5/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành. Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, sự hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chiều 5/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trục lợi xảy ra trong ngành Y tế vừa qua rất nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm minh, nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến, hy sinh của cả ngành trong cuộc chiến đối với dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch lần thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay, trên 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, bác sĩ, sinh viên các trường Y tham gia. Hiện nay, có hàng ngàn cán bộ của các bệnh viện thuộc Bộ vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các tỉnh khu vực phía Nam. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế cơ bản đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở đang từng bước củng cố, phát triển; tiếp tục mở rộng khám bệnh, chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; từng bước đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn nhiều điểm hạn chế. Các chế độ, chính sách chưa phù hợp. Đời sống cán bộ của y tế có nhiều khó khăn. Chưa kịp thời và chưa đủ thời gian để điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh.

"Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành. Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến đối với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian tới đây", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Ngày 5/12, Việt Nam ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 63 tỉnh, thành phố

Tính từ 16 giờ ngày 4/1 đến 16 giờ ngày 5/1, Việt Nam ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 230 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho người dân. Ảnh: TTXVN

Trong số các ca nhiễm mới, có 20 ca nhập cảnh và 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: Hà Nội (2.505), Tây Ninh (862), Hải Phòng (792), Khánh Hòa (782), Bình Định (735), Cà Mau (687), Bình Phước (682), Vĩnh Long (657), Trà Vinh (576), Bến Tre (499), TP Hồ Chí Minh (448), Bắc Ninh (365), Thanh Hóa (351), Hưng Yên (345), Quảng Ninh (337), Bình Thuận (329), Bạc Liêu (306), Cần Thơ (282), Đắk Lắk (273), Thừa Thiên Huế (260), Đà Nẵng (245), Thái Nguyên (239), Hải Dương (229), Lâm Đồng (228), Hà Giang (227), Quảng Ngãi (215), Kiên Giang (202), Sóc Trăng (196), An Giang (193), Vĩnh Phúc (191), Bắc Giang (187), Quảng Nam (180), Đắk Nông (152), Thái Bình (148), Nam Định (138), Đồng Tháp (137), Phú Yên (136), Lạng Sơn (131), Gia Lai (126), Hòa Bình (121), Nghệ An (109), Tiền Giang (105), Đồng Nai (103), Phú Thọ (99), Sơn La (97), Ninh Bình (85), Bà Rịa - Vũng Tàu (81), Hà Nam (75), Quảng Trị (68), Bình Dương (66), Ninh Thuận (51), Bắc Kạn (45), Lào Cai (43), Điện Biên (42), Quảng Bình (41), Hậu Giang (35), Long An (34), Tuyên Quang (30), Yên Bái (27), Cao Bằng (22), Hà Tĩnh (21), Kon Tum (12), Lai Châu (12).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 216 ca), Đắk Lắk (giảm 94 ca), Tây Ninh (giảm 54 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Trà Vinh (tăng 380 ca), Cà Mau (tăng 237 ca), Vĩnh Long (tăng 226 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.133 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại: Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.817.721 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.424 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.811.863 ca, trong đó có 1.433.229 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (505.971), Bình Dương (291.127), Đồng Nai (98.286), Tây Ninh (79.699), Hà Nội (56.735).

Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 22.662 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.436.046 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.257 ca, trong đó có 19 ca đang chạy ECMO.

Từ 17 giờ 30 ngày 4/1 đến 17giờ 30 ngày 5/1, cả nước ghi nhận 230 ca tử vong.

Hà Nội công bố 2.506 ca F0 trong ngày 5/12

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 4/1/2022 đến 18 giờ ngày 5/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.506 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 594 ca tại cộng đồng; 1.878 ca trong khu cách ly; 34 ca tại khu phong tỏa.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (131); Thanh Trì (127); Thanh Xuân (123); Nam Từ Liêm (115); Hoàn Kiếm (112); Đống Đa (110); Hai Bà Trưng (108); Gia Lâm (105).

Các ca nhiễm mới phân bố tại 372 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 594 ca cộng đồng ghi nhận tại 203 xã phường thuộc 26/30 quận huyện.

Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Đông Anh (67); Thanh Trì (61); Gia Lâm (53); Thanh Xuân (40); Nam Từ Liêm (35); Chương Mỹ (35); Bắc Từ Liêm (31).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 59.915 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 19.261 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 40.654 ca.

Bắc Giang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng liên tục những ngày gần đây

Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ngày 4/1, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 202 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, tính từ ngày 26/10/2021 đến nay, Bắc Giang ghi nhận 2.429 trường hợp mắc COVID-19.

Số trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tục tăng trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có 92 ca mắc, trong đó trẻ em chiếm gần 42%.

Trong số 202 ca mắc mới có 72 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc tại cộng đồng, doanh nghiệp và trường học. Cụ thể, các khu công nghiệp ghi nhận 63 trường hợp; 9 trường hợp tại cộng đồng; 80 trường hợp tại khu cách ly và 50 trường hợp đi về từ vùng dịch.

Hiện chùm ca bệnh tại Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên, thành phố Bắc Giang ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất. Tính từ ngày 31/12/2021 đến nay chùm ca bệnh này đã ghi nhận 206 trường hợp mắc COVID-19 chủ yếu là học sinh. Chùm ca bệnh này diễn biến phức tạp, có xu hướng lan ra các trường học, dự báo tiếp tục tăng cao trong vài ngày tới.

Bên cạnh đó, xuất hiện ổ dịch tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp như 40 trường hợp tại Công ty FUYU, 1 trường hợp tại Công ty Siflex (khu công nghiệp Quang Châu); 16 trường hợp tại Công ty Newing, 4 trường hợp tại Công ty Luxshare và 1 trường hợp tại Công ty Celink (khu công nghiệp Vân Trung).

Để xử lý nhanh các ổ dịch hiện có, ngành y tế và các lực lượng chức năng đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó kiểm soát chặt người cách ly, không để dịch lây lan. Đồng thời, các địa phương và ngành y tế khẩn trương hoàn thiện đưa vào sử dụng khu thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ và thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà.

TP Hồ Chí Minh: Thanh tra việc mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19

UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra việc mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/1, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Thanh tra Thành phố thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công an Thành phố kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác; xử lý nghiêm răn đe các trường hợp vi phạm, phòng ngừa yếu tố tiềm ẩn phát sinh về tội phạm kinh tế và chức vụ.

UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân… theo đúng quy định của pháp luật; tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm; thực hiện sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, bộ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát. Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu tục, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19.

UBND Thành phố yêu cầu Sở Công Thương, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan thuộc sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn, nhất là đối với thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm ...

UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc các hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng chống dịch COVID - 19 bao gồm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, bộ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế. UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra việc kinh doanh thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên địa bàn quản lý; giám sát việc vaccine phòng COVID-19 được tiêm chủng miễn phí cho mọi người dân, không được thu bất cứ khoản phí nào trong tiêm chủng, đồng thời kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương tránh lạm dụng, lãng phí, gây thất thoát bộ sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, xử lý, khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19.

Quảng Trị dừng quy định riêng về giám sát và cách ly y tế gây khó người dân

Chiều 5/1, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị ra văn bản hỏa tốc về việc hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến, trở về từ các địa phương khác.

Theo đó, tỉnh dừng thực hiện biện pháp giám sát y tế tại nhà 14 ngày đối với tất cả trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine và ở vùng xanh (nguy cơ thấp) từ 9 tỉnh, thành phố trở về Quảng Trị gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, An Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Thuận.

Theo hướng dẫn mới của Sở Y tế Quảng Trị thực hiện từ ngày 5/1, người tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng, từ vùng xanh, vùng vàng (nguy cơ trung bình) trở về tỉnh sẽ không hạn chế đi lại, chỉ cần thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc tại cơ sở y tế gần nhất, không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Người trở về từ vùng cam (nguy cơ cao) cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu và ngày thứ 7.

Người trở về từ vùng đỏ (nguy cơ rất cao) cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly tập trung; trong thời gian cách ly tại nhà xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7.

Riêng đối với người khỏi COVID-19 không quá 6 tháng, trở về từ vùng đỏ sẽ cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, từ vùng xanh trở về sẽ không bị hạn chế đi lại, thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc tại cơ sở y tế gần nhất, không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Người từ vùng vàng trở về cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR vào ngày đầu và ngày thứ 7.

Người từ vùng cam trở về cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly tập trung, trong thời gian cách ly tại nhà xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7.

Người ở vùng đỏ về cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly tập trung; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 7 trong thời gian cách ly tại nhà.

Đối với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Đối với người nhập cảnh qua các cửa khẩu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và thứ 7 kể từ ngày nhập cảnh. Người nhập cảnh bằng đường tiểu ngạch bắt buộc cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 4/1: Việt Nam thêm 14.861 ca mắc mới; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Tổng hợp COVID-19 ngày 4/1: Việt Nam thêm 14.861 ca mắc mới; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Thông tin tổng hợp về dịch COVID-19 ngày 4/1 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là Việt Nam có thêm 14.861 ca mắc mới COVID-19, tổng cộng đã có 33.245 ca tử vong và các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN