Ngày 7/1 Việt Nam ghi nhận 16.278 ca nhiễm mới
Các địa phương có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Dương (tăng 443 ca), Vĩnh Long (tăng 180 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 111 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.021 ca/ngày. Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.859.841 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.851 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.853.904 ca, trong đó có 1.476.231 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 7/1, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 14.633 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.479.048 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 6/1 đến 17 giờ 30 ngày 7/1, cả nước ghi nhận 233 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh có 20 ca trong đó có 02 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (1), Tây Ninh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 212 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.877 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Hà Nội công bố 2.725 ca F0 trong ngày 7/1
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 6/1/2022 đến 18 giờ ngày 7/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.725 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 655 ca bệnh cộng đồng, 2.070 ca bệnh đã được cách ly. Các ca nhiễm mới phân bố tại 323 xã phường thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (213); Hà Đông (196); Cầu Giấy (156); Bắc Từ Liêm (145); Gia Lâm (138)… Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 65.356 ca.
Trước bối cảnh số ca F0 tăng cao, đồng thời cũng nằm trong mục tiêu tiêm phủ vaccine cho toàn bộ người dân trên địa bàn, nhiều quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã triển khai tiêm tại nhà cho người già yếu, người bại liệt, khuyết tật, người mất tri giác, mất năng lực hành vi...
Cùng với việc tiêm vaccine tại nhà, thành phố đã chuẩn bị gần 19.000 túi thuốc C gồm có thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19 thể nhẹ. Đến nay, Sở Y tế đã cấp phát 12.000 túi thuốc này cho các đơn vị. Thành phố hiện có hơn 37.500 F0 đang điều trị, trong đó có khoảng 27.000 F0 theo dõi, điều trị tại nhà.
Thành phố Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian cách ly tại nhà còn 10 ngày
Ngày 7/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa cập nhật “Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" (phiên bản 1.7). Theo đó, Sở Y tế điều chỉnh đối tượng và rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà, bổ sung thuốc kháng virus đường uống Favipiravir vào toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.
Theo hướng dẫn này, người mắc COVID-19 (F0) mới được cách ly tại nhà là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 29/12/2021 và đủ điều kiện cách ly tại nhà. Điều kiện cách ly tại nhà phải đủ hai tiêu chí lâm sàng, gồm người mắc COVID-19 được cách ly tại nhà khi không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu suy hô hấp SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút); độ tuổi từ 3 tháng - 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vaccine.
Nếu không thỏa mãn điều kiện trên, có thể xem xét cách ly tại nhà nếu người bệnh có bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, bảo đảm tiêm đủ liều vaccine hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên và F0 có nguyện vọng cách ly tại nhà. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc được phải có người hỗ trợ chăm sóc.
Bên cạnh đó, nếu F0 đủ 2 tiêu chí trên nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, khuyến khích F0 cách ly nơi khác (không có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc cách ly tập trung) để giảm nguy cơ lây lan, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ. Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ cách ly, theo dõi tại nhà hay tại cơ sở điều trị có thể được xem xét dựa trên cơ sở: tình trạng, mức độ bệnh; điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; sự hỗ trợ của cán bộ y tế; nguyện vọng của F0 hay gia đình.
Do đó, Sở Y tế đề nghị Trạm Y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0, Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động xét nghiệm cho người bệnh bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.
Cụ thể, nhân viên y tế trực tiếp thực hiện hoặc yêu cầu người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, Trạm Y tế hướng dẫn những điều F0 cần tuân thủ, tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Bên cạnh các vật dụng cần thiết khi cách ly tại nhà (nhiệt kế, máy đo SpO2...), người bệnh cần chuẩn bị thuốc điều trị tại nhà gồm thuốc điều trị COVID-19 được cấp phát và thuốc đang điều trị bệnh nền đủ sử dụng trong 1 tháng.
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).
Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng virus trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay đi tới cơ sở điều trị.
Trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở điều trị, hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus đã được cấp phát, ghi rõ thông tin sử dụng thuốc vào phiếu chuyển viện hoặc thông báo cho cơ sở tiếp nhận biết để tiếp tục theo dõi. Việc cấp phát thuốc điều trị COVID-19 có thể cấp tại nhà hoặc người nhà F0 liên hệ Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động để nhận thuốc.
Các thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cũng gồm 3 gói A, B và C. Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế. Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sỹ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói thuốc B) trước khi chuyển viện.
Ngoài ra, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đã đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách xác nhận F0 khỏi bệnh và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Đồng thời, cơ sở đó cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 9000 ngày 2/12/2021. Bên cạnh đó, làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19.
Quảng Ninh nỗ lực không để biến chủng Omicron xâm nhập
Dừng các hoạt động tập trung đông người không thực sự cần thiết trong dịp Tết; giám sát, quản lý chặt chẽ tất cả trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Quảng Ninh bằng đường hàng không, đường biển để kịp thời, phát hiện ngăn chặn ca F0 nhiễm Omicron xâm nhập. Đây là những giải pháp của tỉnh Quảng Ninh nhằm giảm tốc độ lây lan, phát sinh các ca F0 hằng ngày trên địa bàn tỉnh dưới mức trung bình của cả nước, để đảm bảo người dân được vui Tết, đón Xuân an toàn trong trạng thái "bình thường mới", duy trì ổn định hoạt động kinh tế - xã hội trong năm 2022, không gây đổ vỡ hệ thống y tế và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định, tỉnh đang đối diện với 4 áp lực rất lớn đó là: số ca F0 hàng ngày vẫn đang tăng quá nhanh; biến chủng Omicron đã xuất hiện ở một số địa phương lân cận trong khi hoạt động giao thương, đi lại của nhân dân trong dịp Tết sẽ rất sôi động, nhất là ở địa bàn trọng điểm về kinh tế-xã hội như Quảng Ninh; việc mở lại các chuyến bay thương mại từ ngày 1/1/2022 khiến khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết tăng cao, dẫn tới nguy cơ xuất hiện biến thể Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Ngoài ra, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường vẫn đang đòi hỏi phải được nâng cao năng lực hơn nữa về mọi mặt.
Những ngày gần đây, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trung bình hằng ngày tăng nhanh hơn bình quân chung cả nước. Riêng ngày 6/1 đã ghi nhận kỷ lục là 337 ca, trong đó có 283 ngoài cộng đồng, chiếm 84%. Số ca F0 tăng do ổ dịch chủ yếu xuất hiện ở địa bàn tập trung đông dân cư, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nếu không kiềm chế được tốc độ số ca mắc mới thì từ nay tới Tết Nguyên đán, số ca mắc mới ở Quảng Ninh có thể lên tới 1.000 ca/ngày.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá: Việc kiềm chế và giảm tốc độ lây nhiễm các ca mắc mới trên địa bàn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do tâm lý lơ là của không ít người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, vì cho rằng đã được tiêm vaccine nên chủ quan, không thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K. Nhiều trường hợp là F1 cách ly tại cộng đồng lại không nghiêm túc trong chấp hành, tuân thủ các quy định cách ly, dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác khi trở thành F0. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm hướng dẫn, chỉ đạo về xét nghiệm tầm soát sàng lọc để đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động tại đơn vị mình. Việc quản lý người từ địa phương khác chưa được tiêm vaccine đến Quảng Ninh, người nhà và người thân từ nơi khác về tỉnh còn lỏng lẻo...
Nhằm ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập, lây lan, bùng phát trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu: Những người Quảng Ninh từ nước ngoài trở về tỉnh và người thân của những người từ nước ngoài trở về trong dịp Tết phải nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch, không nên tiếp xúc với bên ngoài, không nên ra khỏi nơi cư trú. Các địa phương phải thần tốc hơn, triệt để hơn trong truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả nhanh nhất để kịp thời xử lý.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan đơn vị gắn với việc nêu gương, làm gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đoàn viên, hội viên trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Khẩn trương nâng cao năng lực y tế cơ sở, trạm y tế xã, phường và y tế học đường đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương; có sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả với Trung tâm y tế cấp huyện để được hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn, điều trị và khi cần, đây sẽ là lực lượng chi viện liên thông tổng thể cho điều trị F0.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng chỉ đạo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp có 10% dân số trên địa bàn mắc COVID-19; huy động tổng lực các lực lượng y tế trong và ngoài công lập và những người đã công tác trong ngành Y về nghỉ hưu nay có điều kiện tham gia, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Quân sự, Biên phòng, tình nguyện viên, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Việc phân tầng khoa học, điều trị hợp lý, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; đảm bảo 6 đủ gồm đủ oxy, đủ dinh dưỡng, đủ thuốc, đủ giường bệnh, đủ nhân viên y tế, đủ nhân viên tình nguyện và đảm bảo đủ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo.