Tổng hợp COVID-19 ngày 22/3: Việt Nam thêm 130.735 ca F0, đối tượng nào có nguy cơ tái nhiễm cao

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 22/3 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là có thêm 130.735 ca F0 mới, trong đó tỉnh Cao Bằng tăng cao nhất và những ai có nguy cơ cao bị tái nhiễm SARS-CoV-2?

Cả nước có 130.735 ca F0 mới, Cao Bằng tăng cao nhất

Tính từ 16 giờ ngày 21/3 đến 16 giờ ngày 22/3, cả nước ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tỉnh Cao Bằng có số ca mắc trong ngày tăng cao nhất. Trong số các ca nhiễm mới, có 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước (giảm 978 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 83.731 ca trong cộng đồng).

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Gia Lai (giảm 2.793 ca), Hà Nội (giảm 1.902 ca), Bắc Kạn (giảm 1.422 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Cao Bằng (tăng 646 ca), Lâm Đồng (tăng 620 ca), Hải Dương (tăng 599 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 153.717 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.338.914 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 84.367 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.331.240 ca, trong đó có 4.465.988 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Hà Nội (1.204.100), TP Hồ Chí Minh (585.328), Bình Dương (363.521), Nghệ An (356.071), Hải Dương (303.433). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 186.137 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 4.468.805 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.225 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 21/3 đến 17 giờ 30 ngày 22/3 ghi nhận 65 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.014 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Những ai có nguy cơ cao bị tái nhiễm SARS-CoV-2?

Ths. BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cảnh báo: “Thực tế thăm khám các trường hợp cho thấy, trong khoảng 1 tháng đến 15 ngày sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân đã có thể tái nhiễm. Tỷ lệ tái nhiễm của người dân ở thời điểm này với chủng Omicron khá cao. Tái nhiễm xảy ra trong thời gian càng ngắn, dù kháng thể của người bệnh rất cao nhưng vẫn rất mệt mỏi và các triệu chứng có thể nặng hơn so với lần trước”.

Chú thích ảnh
Người đã nhiễm chủng Omicron vẫn có thể tái nhiễm lần nữa với chính Omicron, nhưng với biến thể phụ khác. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, tất cả các đối tượng, ở mọi lứa tuổi, nếu có tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm với SARS-CoV-2; trong đó, đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn là người già, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vaccine. Việc tái nhiễm cũng có thể gặp ở người trẻ, vì vậy bất kỳ ai cũng không thể chủ quan, kể cả với người đã từng mắc và đã khỏi bệnh”.

Theo BS. Nguyễn Thu Hường, có thể xảy ra các tình huống dẫn đến tái nhiễm như: Trước đó người bệnh đã nhiễm chủng Delta sau đó chủ quan có thể tiếp tục tái nhiễm với chủng mới Omicron; đặc biệt, người đã nhiễm chủng Omicron nhưng vẫn có thể tái nhiễm lần nữa với chính Omicron nhưng với biến thể phụ khác. Hiện chủng Omicron được phát hiện có các biến thể phụ là: BA.1, BA.2, BA.3. Thực tế hiện nay cho thấy, những người từng nhiễm biến chủng ban đầu của Omicron là BA.1, có thể nhiễm tiếp chủng BA.2.

Đặc biệt, hiện tại Hà Nội, biến thể Omicron được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện nhiễm biến thể Omicron. Đáng chú ý, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Theo đó, dù các triệu chứng khi nhiễm chủng Omicron thường không nặng như chủng Delta nhưng thời gian tái nhiễm càng ngắn sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, kéo theo đó thời gian hậu COVID-19 dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 19/3: Giảm 12.559 ca mắc mới; nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi
Tổng hợp COVID-19 ngày 19/3: Giảm 12.559 ca mắc mới; nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi

Ngày 19/3, cả nước ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và có thêm 77 ca tử vong do COVID-19. So với ngày trước đó, số ca nhiễm mới đã giảm 12.559 ca. Tuy nhiên, số trẻ em mắc mới COVID-19 vẫn tăng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế sớm mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN