Tổng hợp COVID-19 ngày 18/3: Chiến lược vaccine tạo miễn dịch cộng đồng

Trong ngày 18/3, thông tin nổi bật về dịch COVID-19 bao gồm: Chương trình chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022- 2023; Việt Nam ghi nhận 163.174 ca nhiễm mới COVID-19 và 57 ca tử vong; Bộ Y tế khẳng định Evusheld là thuốc, không phải 'siêu vaccine'; doanh nghiệp du lịch rục rịch khởi động đón khách quốc tế…

Chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022- 2023: Vaccine vẫn là then chốt

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được áp dụng trong 2 năm (2022 - 2023).

Theo đó, trong số nhiều biện pháp được Chính phủ nêu ra để “giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á” thì vaccine ngừa SARS-CoV-2 vẫn là vũ khí chủ chốt.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình phòng, chống COVID-19 trong 2 năm 2022 - 2023 là đến hết quý I năm 2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đến lịch tiêm chủng (trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm); bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9 năm 2022; có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á…

Thành công của “chiến lược vaccine” trong năm 2021 đã tạo tiền đề để năm nay nước ta hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cho hầu hết mọi lứa tuổi.

Trong năm qua Đảng, Nhà nước ta đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: thành lập Quỹ Vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.

Cụ thể, vào tháng 5/2021 biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Việt Nam khiến chiến lược phòng, chống COVID-19 của Chính phủ phải thay đổi: phương châm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) được bổ sung thành tố mới là vaccine, trở thành “5K + vaccine”.

Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tối 5/6 là dấu mốc trong cuộc chiến với đại dịch. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19.”

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Việt Nam trong năm qua được đánh giá là “bước đại nhảy vọt”.

Ngày 18/3, Việt Nam ghi nhận 163.174 ca nhiễm mới COVID-19

Tính từ 16 giờ ngày 17/3 đến 16 giờ ngày 18/3, cả nước ghi nhận 163.174 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 57 ca tử vong.

Trong số các ca nhiễm mới, có 9 ca nhập cảnh và 163.165 ca ghi nhận trong nước (giảm 10.157 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 109.601 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Gia Lai (giảm 3.620 ca), Thái Nguyên (giảm 1.936 ca), Hà Nội (giảm 1.733 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (tăng 1.468 ca), Trà Vinh (tăng 730 ca), Sơn La (tăng 499 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 170.600 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 7.367.112 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 74.542 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.359.460 ca, trong đó có 3.859.142 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Hà Nội (940.034), TP Hồ Chí Minh (579.844), Bình Dương (356.643), Nghệ An (325.416), Bắc Ninh (253.879).

Từ 17 giờ 30 ngày 17/3 đến 17 giờ 30 ngày 18/3, cả nước ghi nhận 57 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 73 ca.

Bộ Y tế khẳng định Evusheld là thuốc, không phải 'siêu vaccine'

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Evusheld không chỉ định dùng thay thế cho vaccine COVID-19 đối với những trường hợp có thể tiêm được vaccine.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa thông tin về việc sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca.

Theo đó, để đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc Evusheld, đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Cho đến nay, Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain...

Cụ thể, Evusheld là thuốc, không phải vaccine. Evusheld không chỉ định dùng thay thế cho vaccine COVID-19 đối với những trường hợp có thể tiêm được vaccine.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, Evusheld chưa được cấp phép sử dụng ở đối tượng đang điều trị COVID-19, hoặc dự phòng sau phơi nhiễm COVID-19 ở những người đã tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2.

Doanh nghiệp du lịch rục rịch khởi động đón khách quốc tế

Sau khi Việt Nam công bố hoàn toàn mở cửa du lịch từ 15/3 và có hướng dẫn cụ thể về phương án đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế thông báo lại với đối tác, tạo dựng lại sản phẩm để có thể đón khách thời gian tới.

Ông Lê Nguyên Long, Giám đốc Asia Plus Tours, chuyên đón khách đoàn Âu – Mỹ chia sẻ: Thông tin mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3 với các điều kiện y tế “khá thoáng” với người nhập cảnh và chính sách miễn visa cho khách đến từ 13 nước… mang lại thông tin tích cực với việc đón khách quốc tế thời gian tới. Với doanh nghiệp đơn vị lữ hành quốc tế, chúng tôi kết nối, thông tin lại với khách hàng. Nhiều đối tác đón nhận tin này hào hứng bởi như vậy họ có thêm sản phẩm giới thiệu để khách lựa chọn.

Còn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đã rơi vào tình trạng rất khó khăn. Do vậy để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại Tổng cục Du lịch kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Sau khi có những chính sách rõ ràng về mở cửa lại du lịch từ 15/3 từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ ngành hữu quan, hiện các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang trong quá trình khởi động lại. Từ 31/3 đến 1/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp tổ chức Hội chợ VITM Hà Nội 2022 để kết nối lại các doanh nghiệp, dịch vụ trong nước sau 2 năm gián đoạn. Đồng thời, tại hội chợ sẽ tổ chức Diễn đàn bàn về hành động cụ thể của ngành, các doanh nghiệp khi xác định lại nhu cầu của khách, xây dựng lại sản phẩm du lịch, kế hoạch maketing, quảng bá…

XM/Báo Tin tức
Người lao động được nghỉ 3 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 4 ngày dịp 30/4 - 1/5
Người lao động được nghỉ 3 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 4 ngày dịp 30/4 - 1/5

Căn cứ theo Luật Lao động mới, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ ngày 3 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 4 ngày dịp 30/4 và 1/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN