Kiểm soát tốc độ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng
Chính phủ đề ra mục tiêu là bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, sự phối hợp, quản lý chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; huy động hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; kết hợp hài hòa phương châm “bốn tại chỗ” và hỗ trợ từ các cấp, các ngành; phát huy cơ chế bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch; lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là động lực, là mục tiêu, mọi hoạt động đều hướng về người dân để tạo sự đồng thuận; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ban đầu ngay từ cơ sở, gần nhất, sớm nhất, nhanh nhất; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi đối với người dân. Vận động, hướng dẫn người dân thực hiện 5K hoặc các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và tiêm chủng vắc xin toàn dân, miễn phí.
Bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng, chống dịch; tận dụng những thay đổi, biến nguy thành cơ. Tăng cường năng lực phòng, chống dịch cho các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở; hình thành các cơ chế điều hành vùng, liên vùng trong phòng, chống dịch. Bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Ngày 17/3 ghi nhận 178.112 ca mắc mới
Theo Bộ Y tế, đến nay dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số mắc tiếp tục tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít tăng nặng hơn.
Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, tính từ 16 giờ ngày 16/3 đến 16 giờ ngày 17/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 178.112 ca mắc mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 178.109 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.443 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 124.725 ca trong cộng đồng).
Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 24.975 ca tại Vĩnh Phúc (trong đó đã bao gồm 5.000 ca thông báo ngày 16/3/2022) và Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 155.878 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 7.174.423 ca mắc, trong đó có 3.685.988 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 4.435 ca bệnh nhân nặng đang điều trị; 41.683 ca tử vong.
Tính đến ngày 16/3 đã có tổng số 201.079.635 liều vaccine được tiêm, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.024.335 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.055.300 liều.
Tính riêng tại Hà Nội, từ 18 giờ ngày 16/3 đến 18 giờ ngày 17/3, Thủ đô ghi nhận thêm 25.311 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.133 ca tại cộng đồng; 17.178 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 499 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Đánh giá của Sở Y tế Hà Nội cho thấy: Trong tuần qua (từ ngày 10/3 đến 16/3/2022), trung bình ghi nhận 28.968 ca F0/ngày, trong đó ngày cao nhất ghi nhận 31.899 ca. Tuy số ca mắc COVID-19 vẫn còn cao nhưng đang có xu hướng giảm. Thành phố vẫn đảm bảo năng lực y tế tiếp nhận bệnh nhân; kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng… một tuần trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân chuyển tầng cũng có xu hướng giảm.
Để thích ứng với tình hình mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề xuất tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ, giám sát người có nguy cơ và nguy cơ cao; tăng tốc hơn nữa tiêm phủ mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân; tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là khẩu trang và khử khuẩn, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà… Các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội tăng cường kiểm soát bệnh nhân tại địa bàn, trong đó theo dõi bệnh nhân trên nền tảng số để kịp thời chuyển tầng với bệnh nhân nặng; tăng cường cấp phát thuốc cho các đối tượng đủ điều kiện; quan tâm phòng, chống dịch bệnh theo mùa để tránh dịch chồng dịch…
Tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1676/VPCP-KGVX ngày 17/3/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc tăng cường thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Để sớm đạt được mục tiêu về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia tiêm chủng vaccine, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện có hiệu quả, an toàn, khoa học Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch đã đề ra; có giải pháp, hướng dẫn phù hợp để bảo đảm lợi ích chính đáng đối với người tình nguyện tham gia tiêm vaccine thử nghiệm.
Người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vaccine mũi 3; triển khai các biện pháp ưu tiên quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; nhất là thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác" là rất quan trọng trong việc kiểm soát ca lây nhiễm, hạn chế bệnh tăng nặng, tử vong.
Dự báo số ca mắc thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do mầm bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng; biến chủng BA.2 của biến chủng Omicron vẫn là biến thể chủ đạo; việc triển khai các hoạt động dỡ bỏ hạn chế đối với vận chuyển hành khách, mở cửa du lịch, mở cửa lại trường học và các sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội, cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân làm tăng nguy cơ gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I/2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các trẻ dưới 5 tuổi…
Thông tin tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trịnh Duy Trọng, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lập danh sách trẻ em nằm trong độ tuổi tiêm; tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống tiêm chủng COVID-19; cấp tài khoản điểm tiêm cho mỗi cơ sở giáo dục.
Hiện các cơ sở giáo dục đang nhập thông tin của trẻ em lên hệ thống tiêm chủng COVID-19. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, kết quả khảo sát cho thấy có 60,49% phụ huynh ở cấp mầm non; 81,19% ở cấp tiểu học đồng thuận cho trẻ em đi tiêm. Các cơ sở giáo dục đang tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 để nhận được sự đồng thuận cao hơn của cha mẹ trẻ mầm non. Nếu trẻ không tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng sẽ không bị hạn chế việc học tập trực tiếp và được quan tâm, chăm lo hơn để bảo vệ trẻ một cách tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng phối hợp trong công tác chuẩn bị, nắm sát số lượng trẻ để tổ chức các điểm tiêm phù hợp với điều kiệu thực tế. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với người lớn, từ công tác khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm, sơ cấp cứu... cũng như hướng dẫn cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ sau tiêm.
Trước đó, từ ngày 25/2, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp, triển khai đến các quận, huyện, các cơ sở giáo dục về việc lập danh sách trẻ, học sinh từ 5-11 tuổi đăng ký tiêm vaccine COVID-19. Theo đó, các nhà trường lập danh sách học sinh có ngày sinh từ 1/4/2017 trở về trước; nhập vào nền tảng quản lý tiêm vaccine COVID-19; đồng thời cử nhân sự tham dự lớp tập huấn về sử dụng, quản lý dữ liệu tiêm chủng và tổ chức tiêm an toàn...