Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 7/2 đến ngày 15/3, ngành giáo dục tỉnh ghi nhận 6.802 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5.517 học sinh và 1.285 giáo viên.
Tại cuộc họp, các địa phương đã nêu lên những khó khăn trong công tác dạy và học trực tiếp, cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Theo đó, một số cơ sở giáo dục chưa thống nhất và còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1. Nhiều trường hợp gia đình chỉ báo với nhà trường mà không báo với y tế tại địa phương con em họ mắc COVID-19 nên khó xác định thời gian hết cách ly. Một số đơn vị, giáo viên vừa dạy trực tuyến và trực tiếp nên bị động trong việc bố trí thời khóa biểu, đặc biệt đối với lớp có F0, F1. Hầu hết các cơ sở giáo dục đều gặp khó khăn về kinh phí trong việc chuẩn bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh do số lượng học sinh có biểu hiện của COVID-19 nhiều…
Để việc dạy và học an toàn trong tình hình dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp quan tâm triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong trường học với mục tiêu lấy sức khỏe, an toàn của học sinh, giáo viên lên trên hết nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tập trung xây dựng các phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức dạy và học, căn cứ vào mức độ dịch bệnh trên từng địa bàn để điều chỉnh dạy học trực tiếp kịp thời và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; tăng cường các yếu tố tích cực của việc dạy học trực tuyến để hỗ trợ cho việc học trực tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế thống nhất phương án tổ chức dạy và học thích ứng, an toàn, linh hoạt với tình hình dịch COVID-19 theo từng cấp độ để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về kiến thức phòng, chống dịch bệnh, tự theo dõi sức khỏe, thông tin khai báo, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác quản lý và theo dõi sức khỏe của học sinh. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có cơ sở y tế để phối hợp chặt chẽ, chịu trách nhiệm chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và tăng cường kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo từng lĩnh vực, nhất là các cơ sở giáo dục, nơi tập trung đông người; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và củng cố, kiện toàn các cơ sở điều trị phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Công Tuấn cho biết, số ca mắc COVID-19 thuộc nhóm đối tượng là giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng dần, trung bình trong 7 ngày gần nhất có từ 700 - 800 ca/ngày. Nhiều địa phương có tỷ lệ mắc cao như: thành phố Vĩnh Long, các huyện: Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít…
Tỉnh Vĩnh Long hiện đang ở mức nguy cơ cấp độ 2, trong đó có 4 huyện đạt cấp độ 3; 19 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 và 21 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 4. Dự báo tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao trong thời gian tới, trong đó nhóm đối tượng học sinh và giáo viên vẫn chiếm ưu thế, nhất là nhóm học sinh ở cấp Tiểu học và Mầm non. Do đó, tỉnh cần có giải pháp cụ thể cho từng cấp học và chủ động, linh hoạt trong phương án dạy, học tại cơ sở trường học kể từ khi xuất hiện ca mắc đến khi có nhiều F0, F1; áp dụng mức cấp độ dịch theo phương án dạy học tùy theo từng xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Ngọc Hà, thực hiện công tác tổ chức dạy và học trực tiếp, đến nay tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chương trình học kỳ I năm học 2021-202 với chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Công tác đảm bảo an toàn đối với dịch COVID-19 trong thời gian học trực tiếp đã được toàn ngành triển khai và vận dụng các giải pháp phù hợp.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục phối hợp ngành Y tế tỉnh xây dựng bộ tiêu chí an toàn trường học; hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch đối với việc cho trẻ em Mầm non, việc tổ chức bán trú, học 2 buổi/ngày để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, hai ngành phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn xử trí, xét nghiệm sàng lọc và công tác chăm sóc, điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại địa phương cho các trung tâm y tế và cơ sở giáo dục.