Tổng cục Môi trường thông tin về bụi lò thép tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên

Ngày 25/3, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin về công tác quản lý chất thải rắn tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), đặc biệt về bụi lò sau quá trình luyện thép.

Chú thích ảnh
Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Thanh tra đột xuất

Sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh, Tổng cục Môi trường đã nỗ lực xác minh, phản ánh thông tin về công tác quản lý chất thải rắn tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với bụi lò phát sinh từ quá trình luyện gang, thép của công ty tại Quyết định số 300/QĐ-STNMT.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, hoạt động của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên có phát sinh bụi lò từ quá trình luyện gang thép của hai nhà máy là Chi nhánh Nhà máy luyện thép Lưu Xá và Chi nhánh Nhà máy luyện gang.

Khối lượng bụi lò phát sinh từ công đoạn xử lý khí thải lò điện hồ quang (thu hồi bằng thiết bị lọc bụi túi vải) của Nhà máy luyện thép Lưu Xá trung bình khoảng 3.600 tấn/năm. Nhà máy đã thu gom, lưu giữ bụi lò tại bãi chứa bụi diện tích 1.900 m2 của Xí nghiệp năng lượng và kho chứa bụi diện tích 540 m2 của Nhà máy luyện gang. Năm 2020, Nhà máy phát sinh 2.581 tấn bụi lò, đã chuyển giao đi xử lý 1.507 tấn, lượng tồn đọng được lưu giữ tại các kho, bãi nêu trên.

Khối lượng bụi phát sinh từ hoạt động của Nhà máy luyện gang (từ quá trình làm sạch khí lò cao để tái sử dụng làm nhiên liệu đốt) trung bình khoảng 4.800 tấn/năm. Nhà máy này được phép tự xử lý bụi lò cao theo Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cấp. Năm 2020, nhà máy đã tự xử lý 6.132 tấn bụi lò. Tuy nhiên, từ tháng 1/2021 đến nay, nhà máy đã tạm dừng việc tự xử lý và đang có kế hoạch chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý; điều chỉnh đăng ký chủ nguồn thải. Lượng bụi này hiện được tập kết tại nhà kho diện tích 500 m2 và sân bãi ngoài trời có phủ bạt.

Tổng cục Môi trường đã trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên quan điểm xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, mọi hành vi vi phạm nếu bị phát hiện đều được xử lý, đồng thời cũng sẽ yêu cầu doanh nghiệp khắc phục triệt để các vi phạm.

Nhiều lần vi phạm

Việc quản lý chất thải rắn của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên đã bị nhiều cơ quan xử lý và đôn đốc khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục chưa triệt để, kéo dài thì trách nhiệm chính là của doanh nghiệp vi phạm.

Năm 2018, ô nhiễm môi trường của hoạt động nghiền tuyển xỉ tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên đã bị phản ánh trên đường dây nóng của Tổng cục Môi trường. Theo phân cấp quản lý, Tổng cục Môi trường đã chuyển tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên xử lý. Sở đã kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử phạt công ty 150 triệu đồng, trong đó có hành vi về bãi lưu giữ bụi lò không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đồng thời yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục.

Ngoài ra, cũng trong năm 2018, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trực tiếp làm việc và đôn đốc việc khắc phục tồn tại, vi phạm của công ty trong công tác quản lý bụi lò. Tuy nhiên, phản ánh của các cơ quan báo chí thời gian qua cho thấy tinh thần khắc phục vi phạm của Công ty còn chậm và chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Tại thời điểm các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai năm 2018, việc quản lý bụi lò của công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên phát hiện vi phạm và đang trong quá trình xử lý. Theo nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan nào phát hiện hành vi vi phạm trước mà thuộc thẩm quyền xử lý của mình sẽ có trách nhiệm xử lý hành vi đó. Do vậy, đoàn thanh tra cũng như đoàn kiểm tra cấp Giấy phép nhập khẩu phế liệu của bộ đã yêu cầu Công ty khẩn trương khắc phục vi phạm theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên có nhiều chi nhánh hoạt động trên khu vực phường Cam Giá và hầu hết các thủ tục môi trường đều được phân cấp cho địa phương thẩm định, phê duyệt theo quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Nhà máy cán thép, là đơn vị khi hoạt động không phát sinh bụi lò.

Bên cạnh đó, Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã phân cấp giao Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và tiếp nhận các báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ của doanh nghiệp.

Nguyên tắc quản lý chất thải nói chung và chất thải nguy hại nói riêng theo tinh thần Luật Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chủ nguồn thải, trong đó ưu tiên việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải. Trường hợp không thể tái chế, tái sử dụng, chủ nguồn thải phải lưu giữ chất thải nguy hại theo đúng quy định và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý và định kỳ báo cáo công tác phát sinh và quản lý chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Do vậy, trường hợp của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên, khi phát sinh chất thải nguy hại không thể tự tái chế, tái sử dụng, phải có trách nhiệm bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Theo Tổng cục Môi trường, quá trình xử lý khí thải của ngành công nghiệp gang thép có phát sinh hai loại chất thải rắn có khả năng là chất thải nguy hại, gồm chất thải rắn có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý khí thải của nhà máy sử dụng nguyên liệu từ sắt thép phế liệu. Chất thải này luôn là chất thải nguy hại và phải quản lý theo các quy định về chất thải nguy hại. Chất thải rắn phát sinh từ quá trình xử lý khí thải của nhà máy sử dụng nguyên liệu từ quặng thép. Chất thải này có khả năng là chất thải nguy hại và phải được phân định theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại, để chủ nguồn thải có biện pháp quản lý cho phù hợp.

Quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, thẩm quyền cấp Sổ đăng chủ nguồn thải chất thải nguy hại và cơ quan tiếp nhận báo cáo định kỳ tình hình phát sinh, quản lý chất thải nguy hại của chủ nguồn thải là Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Dưới góc độ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan trực thuộc bộ (như Tổng cục Môi trường, Thanh tra bộ) đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan của tỉnh Thái Nguyên để tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với công ty.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Cải cách quản lý chất thải rắn, thiết lập ngành công nghiệp tái chế
Cải cách quản lý chất thải rắn, thiết lập ngành công nghiệp tái chế

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN