Theo Quyết định số 1575/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành, tổng biên chế công chức năm 2022 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 256.685 biên chế.
So với tổng biên chế công chức năm 2021, biên chế năm 2022 nhiều hơn 7.035 người. Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, con số 7.035 biên chế nhiều hơn so với năm 2021 không phải là tăng biên chế. Đây là số biên chế công chức được chuyển từ công chức phường tại các phường không tổ chức HĐND thành công chức quận ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ba thành phố này đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ đã có các Nghị định 32, 33, 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, biên chế công chức làm việc tại UBND phường của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Số biên chế công chức này không còn tính là biên chế công chức cấp xã và được đưa vào tổng biên chế công chức chung. Vì vậy, con số 7.035 không phải là biên chế mới được bổ sung nên không thể gọi là “tăng biên chế”.
Điểm khác biệt của tổng biên chế công chức năm 2022 là có thêm số công chức được chuyển từ cấp phường lên cấp quận của 3 thành phố này. Nếu không tính số biên chế công chức được chuyển này, tổng biên chế năm 2022 vẫn như năm 2021, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Tại Quyết định 1575, Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2022 là 256.685 biên chế. Trong số này, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.722 biên chế, trong đó: các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 106.890 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 140.832 biên chế.
Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 biên chế. Tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước: 686 biên chế. Biên chế công chức để chuyển công chức phường tại các phường không tổ chức Hội đồng nhân dân thành công chức quận ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có 7.035 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 174 biên chế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tổng số biên chế cho công chức theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ; giao biên chế đối với từng hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế theo quy định trên.
Các bộ, ngành và địa phương phải hoàn thiện đề án vị trí việc làm và bố trí, sắp xếp biên chế công chức theo vị trí việc làm trong tổng biên chế được giao và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng báo cáo HĐND cùng cấp để điều chỉnh giảm biên chế công chức phường tương ứng với số biên chế công chức chuyển thành công chức quận.