Tôn vinh y đức những “thiên thần áo trắng”

Tháng 2 hàng năm là tháng có nhiều sự kiện kỷ niệm đáng ghi nhớ của ngành y tế. Tôn vinh công lao của các “thiên thần áo trắng”, xã hội cũng mong mỏi những kế hoạch của ngành y tế trong năm 2014 sẽ sớm thành hiện thực, để giảm bớt những khó khăn vất vả của các thầy thuốc, đồng thời đem đến sự an tâm cho cả cộng đồng.


Nhiều sự kiện đáng ghi nhớ


Rằm tháng Giêng (âm lịch), cán bộ ngành y và nhân dân cả nước long trọng kỷ niệm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác đồng thời là ngày truyền thống Y học cổ truyền Việt Nam. Cũng trong tháng này, ngày 27/2 (dương lịch) là ngày Thầy thuốc Việt Nam, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu.

 

Hội chẩn để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên.
Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Soi lại tấm gương sáng và công lao to lớn của vị Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, với "9 điều y huấn cách ngôn" đã được Bộ Y tế lấy làm "Đạo đức hành nghề y dược học cổ truyền", càng thấm thía quan điểm của ông tổ ngành y nước ta về y đức, y thuật: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người, phải lo với cái lo của người, vui với cái vui của người. Chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi kể công".


Trong những lời căn dặn của Bác Hồ với cán bộ ngành y tế ngày 27/2/1955, một điều được bác lưu ý chính là “Thương yêu người bệnh”. Bác dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”.


Có thể nói kỷ niệm những ngày đáng nhớ của ngành, là dịp để mỗi cán bộ nhân viên ngành y tế thấm nhuần những lời dạy của tiền nhân, thực hiện tốt 12 tiêu chuẩn đạo đức ngành y và lời thề Hypocrat: nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Đây cũng là dịp để toàn xã hội thể hiện sự trân trọng, biết ơn và tôn vinh những người thầy thuốc đã cống hiến tâm sức, trí tuệ, vì sức khỏe cộng đồng.


Niềm tin của người dân


Ở nước ta, các thầy thuốc thế hệ trước như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, và thế hệ tiếp nối như Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thùy Trâm vv .... đã để lại tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học nước nhà. Vượt qua bao gian khổ, thiếu thốn, họ đã không ngừng trau dồi nghiệp vụ, hết lòng phục vụ người bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, toàn quân.


Hiện nay, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của người thầy thuốc. Hiện tượng “phong bì” phổ biến tại các bệnh viện. Dư luận bức xúc nhiều về thái độ ứng xử cũng như tình trạng thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhân viên y tế. Tuy nội bộ ngành y có hiện tượng “phân bổ không đều” ở các chuyên ngành khác nhau, ở những địa bàn khác nhau: các chuyên khoa lao, tâm thần, hay cả chuyên khoa nhi là lĩnh vực mà trước đây sinh viên rất thích học, thì nay thiếu sinh viên trầm trọng, vì thu nhập ở những chuyên ngành này thấp hơn so với các chuyên ngành khác. Tình trạng thiếu nhân lực ở tuyến dưới, ở những địa bàn vùng khó đã đẩy y tế tuyến trên vào tình trạng quá tải trầm trọng.


Đối với đa số người làm ngành y, thì việc nâng cao y đức trước tiên là việc nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, biện pháp điều trị và cách điều trị. Sức ép của công việc, sức ép của đời sống khiến nhiều bác sĩ không có đủ thời gian để trau dồi nghiệp vụ, học hỏi và áp dụng những phương pháp tiên tiến trong khám chữa bệnh.


Chính bởi vậy, bên cạnh nhiều giải pháp trực tiếp nhằm kiểm soát các hành vi liên quan tới đạo đức nghề nghiệp trong các cơ sở y tế, như thiết lập các đường dây nóng, thùng thư góp ý, hay các khóa tập huấn về quy tắc ứng xử đạo đức cho cán bộ, công nhân viên, điều rất cần thiết là một cơ chế tổ chức làm việc khoa học, minh bạch về quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như những hỗ trợ về chế độ lương thưởng, cơ sở vật chất bệnh viện... chắc chắn sẽ ngăn chặn được sự suy thoái y đức của một bộ phận y - bác sĩ. Điều này, không chỉ một mình ngành Y có thể làm được.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một bài phỏng vấn trên website Chính phủ khẳng định: Trong năm 2014, ngành Y tế tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03/CT-BYT ngày 01/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Bộ môn y đức trong các cơ sở đào tạo y dược; triển khai các lớp tập huấn cho viên chức y tế về Kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử; phát huy hiệu quả của đường dây nóng để xử lý những bất cập về thái độ, đạo đức nghề nghiệp của viên chức ở các bệnh viện. Ban hành và triển khai Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến về y học để phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh…


Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế sẽ có những đột phá về đào tạo chuyên môn, về chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới. Ngành y cũng sẽ thực hiện tốt Quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, cải cách hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là quy trình xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế...; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh, trưởng khoa, trưởng phòng…”


PV (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN