Hai năm qua, với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an nhân dân đã xông pha nơi tuyến đầu, chống dịch như chống giặc, thực sự trở thành tấm lá chắn bình yên, là điểm tựa của người dân trong gian khó.
Hình ảnh những chiến sỹ Công an nhân dân không quản ngại gian khổ, hiểm nguy tham gia ở mọi mặt trận phòng, chống dịch đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng nhân dân và trong đó, không thể không kể đến vai trò, những đóng góp của lực lượng Cảnh sát giao thông, những “sắc nắng” nơi tuyến đầu, ngày đêm căng mình trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình.
Đã có hàng trăm chiến sỹ Cảnh sát giao thông tình nguyện, xung phong vào các tỉnh phía Nam, nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp để cùng đồng chí, đồng đội, phối hợp với nhân dân tham gia phòng, chống dịch. Cảnh sát giao thông toàn quốc bố trí lực lượng tại 2.962 chốt với 4.734 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Khoảng 5.000 chốt với hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia các chốt tại cơ sở để phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, năm 2021 lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, trực tiếp là Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên những tuyến đường, vừa cùng các lực lượng khác tham gia công tác phòng, chống dịch.
Cảnh sát giao thông Thủ đô vừa thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm giao thông là những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, vừa là chốt trưởng tại 23 chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào Hà Nội. Năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2020.
Còn theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ở nơi tâm dịch, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào địa bàn giáp ranh và nội đô, phối hợp với Công an các quận, huyện lập hơn 390 chốt kiểm soát phương tiện và người tham gia giao thông, phòng, chống dịch.
Phòng đã quán triệt lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt phải thực hiện nghiêm túc 5K, phối hợp với Sở Giao thông vận tải rà soát, đặt biển báo hướng dẫn, phân luồng giao thông từ xa để thông tin cho phương tiện ra, vào thành phố; đồng thời, triển khai hệ thống di biến động dân cư qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào ứng dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công dân di chuyển qua các vùng dịch.
Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông Thành phố bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật; tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát phòng, chống các loại tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội.
Là một trong những đơn vị xung kích đi đầu trong công tác phòng, chống dịch, trong đợt dịch thứ tư, Cục Cảnh sát giao thông đã bố trí 2 đợt cán bộ, chiến sỹ tăng cường lực lượng chi viện cho các tỉnh thành phía Nam. Những ngày bình thường, khối lượng và áp lực công việc của lực lượng Cảnh sát giao thông đã là rất lớn, trong những ngày chống dịch, khối lượng và áp lực lớn hơn rất nhiều, phải làm việc hết công suất để có thể hoàn thành nhiệm vụ kép.
Tại Tọa đàm, các khách mời cũng chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa, nhân văn. Là một trong những cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát giao thông tăng cường chi viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại úy Lê Tùng Lâm, Đội 1, Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, điều khó nhất trong kiểm soát tại các chốt kiểm dịch là xử lý hài hòa giữa cái lý và cái tình. Đa số người dân muốn đi qua chốt là những người lao động trở về quê tránh dịch. Nhiều hình ảnh rất xúc động như bà cụ 80 tuổi tự đi xe về miền Tây, hay có phụ nữ sinh con mới được 3 tháng vừa điều khiển xe, vừa bồng con phía trước để về quê. Với sự hỗ trợ kinh phí của các cơ quan và các mạnh thường quân, lực lượng Cảnh sát giao thông đã gửi những phần quà ủng hộ bà con có thể duy trì cuộc sống tại nơi tạm trú.
Một câu chuyện khác được Thiếu tá Đào Việt Long chia sẻ, đó là vào ngày 5/10/2021, trong đoàn người trở về quê hương tránh dịch qua Sơn Tây, có một phụ nữ trở dạ, cán bộ, chiến sỹ Đội 6 Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã nhanh chóng đưa chị vào cơ sở y tế gần nhất. Người phụ nữ này đã sinh con ngay trên xe bus, sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, 2 mẹ con đều mạnh khỏe.
Câu chuyện đáng nhớ đối với Thượng tá Nguyễn Chí Nhân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Kiên Giang là chuyện 20 thuyền viên đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về Kiên Giang ngày 14/8. Cả 20 người chưa được xét nghiệm SARS-CoV-2, không còn thức ăn, nước uống, không còn tiền. Do dịch COVID-19, họ đã neo đậu ở sông Sài Gòn 85 ngày, sau đó di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh mất 20 ngày mới về tới Kiên Giang nên không còn tiền, đồ ăn. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã cung cấp thức ăn, nước uống, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 130kg gạo và thực phẩm cùng tiền mặt để về quê.