Cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp. Năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới, trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc của công tác tư pháp để chỉ đạo cải cách. Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp. Trong Chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.
Cơ quan tư pháp phải là chỗ dựa của dân
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đề nghị trong văn kiện, khẳng định tư pháp là xét xử nên cơ quan tư pháp là Tòa án. “Khẳng định này sẽ chấm dứt được rất nhiều thứ, chấm dứt được nhiều cuộc tranh luận kéo dài”, ông Liên nói.
“Đã khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thì không còn cách nào khác phải bảo đảm độc lập tư pháp. Hiện độc lập đang hiểu hơi khác nhau. Độc lập với các nhánh quyền lực khác, giữa các cấp xét xử độc lập, độc lập giữa các thẩm phán với nhau. Mọi hoạt động của tòa án đều phải là luật hết, không thể Nghị định hay Thông tư điều chỉnh được”, ông Liên phân tích.
Giáo sư Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, cũng cho rằng Nhà nước và xã hội phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của độc lập tư pháp. Các thể chế bảo đảm độc lập tư pháp không chỉ tác động đến ý thức xã hội mà còn là cơ sở pháp lý để thẩm phán thực thi tính độc lập trong xét xử.
Dự thảo báo cáo chính trị và một số văn kiện khác cần nhấn mạnh nội dung độc lập xét xử. Tòa án là một thiết chế không thể thiếu trong Nhà nước pháp quyền nhưng phải độc lập xét xử. Độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật phải là điểm nhấn của cải cách tư pháp.
Đánh giá về những nội dung lĩnh vực tư pháp thể hiện trong văn kiện, Giáo sư Đào Trí Úc, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, đánh giá dự thảo báo cáo chính trị vẫn duy trì nội dung tiếp tục xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, văn minh, là đúng đắn; đồng thời nhấn mạnh một số tố chất rất quan trọng của các cơ quan tư pháp là uy tín của các cơ quan đó. Đây cũng là sự tiếp tục phát triển mà chiến lược cải cách tư pháp đã đặt ra: Các cơ quan tư pháp phải là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.
Ông Đào Trí Úc đưa ra kiến nghị, Đại hội XIII của Đảng cần tiếp tục khẳng định quan điểm đã được lý luận và thực tiễn kiểm nghiệm, coi Tòa án là trọng tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán ngày càng chuyên nghiệp, trong sạch, có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cao, bởi linh hồn của tư pháp là các thẩm phán. Thẩm phán phải có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, dũng cảm duy trì bảo vệ công lý.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, khoa học, toàn diện, sâu sắc, có tính kế thừa các mục tiêu cơ bản đối với định hướng xây dựng nền tư pháp trong thời gian tới; đồng thời định hướng cải cách tư pháp theo văn kiện của Đảng cũng được bổ sung, phát triển nhiều mục tiêu cơ bản như: Chuyên nghiệp, công bằng, liêm chính. Đây là bước chuyển mới về chất, thể hiện bản chất của nền tư pháp, qua đó kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc và tiếp cận giá trị tư pháp hiện đại trên thế giới.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, đối với một số từ ngữ, văn phong trong dự thảo các văn kiện liên quan đến tư pháp cần có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp hơn.