Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “quyết tâm không để nhiệm vụ nào không được thực hiện, không nhiệm vụ nào quá hạn”. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, việc đẩy mạnh cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp bất cứ người dân nào dù ở đâu cũng được hưởng lợi ích; đồng thời, việc đẩy mạnh cải cách cũng sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng lớn.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng lưu ý các địa phương hàng loạt vấn đề cụ thể như: Việc cung cấp các dịch vụ công, số lượng dịch vụ được công bố không quan trọng bằng số hồ sơ phát sinh, làm sao để giải quyết được nhiều hồ sơ nhất cho người dân và doanh nghiệp…
Theo tổng hợp của Tổ công tác, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, 6/6 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử của các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử (Lạng Sơn 95%, Cao Bằng 92%, Bắc Kạn 80%).
Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, cũng còn một số tỉnh có tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử chưa cao hoặc vẫn lưu trữ hồ sơ công việc của tỉnh theo hình thức cũ, chưa triển khai theo Nghị định 30/NQ-CP của Chính phủ.
Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử; còn Thái Nguyên, Hà Giang chưa áp dụng chữ ký số cá nhân cấp tỉnh, có thể phát sinh thêm công việc cho đội ngũ văn thư, lưu trữ.
Tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia của cả 6 địa phương đều rất chậm, chủ yếu mới tích hợp cung cấp dưới 10 dịch vụ công và hầu hết là các dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ trước tháng 3/2020.
Về triển khai cải cách thủ tục hành chính, các tỉnh đã thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Một số địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Lạng Sơn đạt 99,82%, Thái Nguyên đạt 99,36%, Tuyên Quang đạt 99%. Bên cạnh đó vẫn còn địa phương có tỷ lệ giải quyết hồ sơ quá hạn còn cao như Hà Giang (7,76%)…
Tuy vậy, trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, 6 tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử và các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khác đang trong giai đoạn nâng cấp, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số dịch vụ công đã được tích hợp, cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tuy nhiên các quy định pháp luật để thực hiện các dịch vụ công trên chưa phù hợp đáp ứng yêu cầu nộp hồ sơ, nhận kết quả trên môi trường điện tử. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cấp huyện và cấp xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin một số cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế...
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu trong thời gian tới các địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ, góp phần thực hiện quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ là giữ được tăng trưởng dương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý các địa phương đã làm tốt việc kết nối các cơ quan nhà nước với nhau song quan trọng là phải chuyển đổi sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; nhấn mạnh đây là việc phải quan tâm số 1, nếu không làm tốt việc này thì khó có thể nói là chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Mục tiêu tới cuối năm nay, ít nhất phải có 30% dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương được đồng bộ, kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phải cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con…
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Tổ công tác đã đi thăm, khảo sát hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng đáp ứng việc triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, khảo sát bộ phận một cửa nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính… tại Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên.