Diễn đàn dự kiến diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội, với sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và sự chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển (cũng như điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh) trước những tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch COVID-19, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp...
Do đó, Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Qua những ý kiến phản ánh, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt sâu sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh, là một hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa, kết nối nhiều mục tiêu quan trọng, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở những chia sẻ, trao đổi tại hội trường, mà Bộ Tư pháp (thông qua Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) sẽ tiếp tục theo đuổi, hỗ trợ nhằm tìm ra lời giải cụ thể, rõ ràng cho những khó khăn, vướng mắc pháp lý.
Nội dung chính của Diễn đàn sẽ tập trung vào 2 Phiên thảo luận.
Phiên thảo luận thứ nhất có chủ đề: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý”, tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phục hồi của doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp (gồm nhận diện các vướng mắc pháp lý, nguyên nhân của các vướng mắc đó và phương hướng xử lý).
Phiên thảo luận thứ 2 có chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh”. Nội dung sẽ tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm việc nhận diện các rào cản pháp lý để có giải pháp khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú cho biết, trước khi tổ chức Diễn đàn, từ tháng 9, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập hợp các khó khăn, vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải thời gian qua.
Ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, thời gian giải quyết vướng mắc còn tùy thuộc vào nội dung. “Nếu một nội dung đã được quy định nhưng đang hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ thì đơn giản. Nhưng những vấn đề có tầm quan trọng cần sửa luật thì chúng tôi không thể hứa trong một hai ngày, thậm chí một vài tháng sửa ngay được mà cần thời gian”, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho hay.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, thời gian qua, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã và đang được giải quyết, đặc biệt thông qua Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì.