Đây là lần đầu tiên hoạt động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn giúp người dân Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng thêm hiểu và đồng cảm với những nạn nhân Holocaust - các nạn nhân Do Thái thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tại chương trình, các khách mời và đông đảo sinh viên đã cùng theo dõi bộ phim “Vượt biển” - tác phẩm điện ảnh của Đan Mạch được thực hiện trên cơ sở một câu chuyện có thật về cuộc trốn chạy phát xít Đức của một gia đình Do Thái tại Đan Mạch.
Ông Nadav Eshar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, chia sẻ: “Chương trình là để tưởng nhớ hàng triệu người Do Thái đã hứng chịu tội ác tàn bạo chỉ vì sự khác biệt. Thông điệp Israel mong muốn chuyển tải tới tất cả mọi người là khi những tội ác xuất hiện, mỗi chúng ta phải cùng đứng lên chống lại nó”.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết: Liên hợp quốc và chương trình tiếp cận Holocaust có phạm vi hoạt động ở hàng chục quốc gia và cam kết sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi chương trình này, để cùng chống lại việc truyền bá bạo lực. Giáo dục về lịch sử rất quan trọng, giúp các thế hệ sau hiểu và cùng xây dựng xã hội bình đẳng, công bằng.
Ngày 27/1 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Tưởng niệm quốc tế các nạn nhân Holocaust, nhằm giúp người dân có thêm sự hiểu biết và đồng cảm với hàng triệu nạn nhân Do Thái đã bị giết hại, thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.