Tình hình COVID-19 ngày 17/5: Thêm 1 ca tử vong; nữ y tá bị sốc phản vệ vaccine đã xuất viện

Ngày 17/5, thông tin đáng chú ý về tình hình COVID-19 trong nước là: Cả nước có 184 ca nhiễm mới, trong đó 174 ca cộng đồng; Thêm một ca bệnh tử vong; nữ y tá bị sốc phản vệ khi tiêm vaccine nay đã khoẻ mạnh xuất viện...

Thêm 174 ca lây nhiễm cộng đồng trong ngày 17/5

Ngày 17/5, Việt Nam có tổng cộng 184 ca lây nhiễm mới COVID-19, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng là 174 ca. Đáng chú ý trong số lây nhiễm, Bắc Giang vẫn có số mắc cao: 97 ca.

Như vậy, đến 18 giờ ngày 17/5, Việt Nam có tổng cộng 2.890 ca ghi nhận trong nước và 1.469 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.320 ca. Số lượng mẫu xét nghiệm từ 29/4 đến nay là 482.900 mẫu. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 108.288 người.

Việt Nam ghi nhận ca tử vong thứ 37 của bệnh nhân mắc COVID-19

Trong ngày 17/5, Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong thứ 37, là bệnh nhân nam 34 tuổi (BN3055).

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BV

Thông tin từ Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân nam 34 tuổi (BN3055) nhiễm SARS-CoV-2 đã tử vong do các bệnh lý nền.

Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 10/5 với chẩn đoán viêm màng não mủ trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. 6 tháng trước bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Bệnh nhân được cấp cứu điều trị tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, kháng sinh kết hợp, chống đông, chống viêm, điều trị hỗ trợ nhưng tình trạng bệnh không đỡ, xuất hiện phù não, tình trạng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết diễn biến nặng lên.

Bệnh nhân tử vong ngày 16/5/2021 với chẩn đoán tử vong: Viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết do trực khuẩn mủ xanh trên bệnh nhân giãn não thất, di chứng chấn thương sọ não (đã phẫu thuật dẫn lưu não thất - ổ bụng), COVID-19.

Đây là là trường hợp tử vong thứ 2 trong đợt dịch thứ 4.

Trước đó, ngày 15/5, Việt Nam cũng ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong đầu tiên trong đợt dịch thứ 4, là bệnh nhân 89 tuổi mắc COVID-19 trên bệnh lý nền phức tạp.

Tình trạng bệnh nhân 2983 tiên lượng nặng như bệnh nhân 91

Ngày 17/5, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân 2983 (nữ, 65 tuổi) được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang hiện có diễn tiến xấu, phổi trắng xóa trên cơ địa bệnh nền đái tháo đường. Bác sĩ Châu nhận định, tình trạng bệnh nhân 2983 tương tự như bệnh nhân 91 trước đây.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, rạng sáng 13/5/2021, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận bệnh nhân 2983 trong tình trạng suy hô hấp nhiều ngày không cải thiện, tổn thương phổi nặng với hình ảnh X-quang phổi trắng xóa cả 2 phế trường, cơ địa có bệnh lý nền tiểu đường, tăng huyết áp.

Ngay từ ban đầu, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh nhận định tình trạng rất nặng, không thua kém so với bệnh nhân 91 trước đây. Kết quả chụp CT-Scan ngực cho thấy bệnh nhân bị tràn khí màng phổi phải, nhu mô phổi chỉ còn khả năng hoạt động 10 - 20%, nhiều kén khí dọa bể. Xét nghiệm Real time RT-PCR SARS-CoV-2 còn dương tính kéo dài sau hơn 3 tuần mắc bệnh.

Các bác sĩ đã thực hiện đặt ECMO (hỗ trợ hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) ngày 13/5. Tuy nhiên, đến sáng 17/5, tình trạng bệnh nhân 2983 vẫn còn tiên lượng rất nặng và nguy kịch, cần tiếp tục được hỗ trợ hồi sức hô hấp tuần hoàn trong thời gian dài.

Các bác sĩ vẫn đang tích cực điều trị để bảo tồn tính mạng cho người bệnh.

Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội 4 huyện để phòng, chống dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở khu công nghiệp tại Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, từ 0 giờ ngày 17/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ 4 huyện gồm: Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, dự báo ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên) có số ca mắc sẽ tiếp tục tăng nhanh. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, tỉnh Bắc Giang xác định toàn bộ công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam là F1 (khoảng 4.000 người). Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn tăng nhanh do tốc độ lây lan của virus rất nhanh, nhất là trong không gian kín, độ ẩm thấp và mát của điều hòa như tại nhà xưởng của các công ty, xe ô tô chở công nhân…

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục cách ly riêng đối với những trường hợp có nguy cơ cao để đảm bảo không lây nhiễm chéo trong khu cách ly; thực hiện cách ly y tế và giãn cách xã hội tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế; cử chuyên gia kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh; tiếp tục tăng cường lực lượng hỗ trợ tỉnh lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng trong trường hợp cần thiết. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ triển khai lắp đặt thiết lập cơ sở thu dung điều trị tập trung bệnh nhân mắc COVID-19 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh.

Nữ điều dưỡng bị sock phản vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 xuất viện

Chiều 17/5, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) Hà Sơn Bình cho biết, sau một tuần điều trị, sức khỏe nữ điều dưỡng viên bị sock phản vệ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 đã ổn định và được xuất viện.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng trao hoa chúc mừng bệnh nhân. Ảnh: TTXVN

Theo bác sĩ Bình, trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, không có các bệnh lý nền. Khoảng 3 phút sau khi tiêm vaccine, bệnh nhân bị sốc phản vệ, khó thở, suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Ê kíp trực hồi sức nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhân - tiêm Adrenaline, đặt nội khí quản, thở máy, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Trong vòng 24-48 giờ bệnh nhân bị sock nặng, suy hô hấp cấp, được lọc máu liên tục. Sau 72 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định dần, được cai thở máy. Sau một tuần, sức khỏe của nữ điều dưỡng viên đã ổn định.

Nhà hát Tuổi trẻ dựng nhạc kịch về cuộc chiến chống COVID-19

Thông tin từ Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, Nhà hát đang dựng vở nhạc kịch có tựa đề “Cuộc chiến virus” mang thông điệp về sức mạnh của sự đoàn kết và ý chí vượt qua nạn dịch COVID-19.

Hiện, các nghệ sỹ đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ đang nỗ lực tập luyện và vở nhạc kịch sẽ ra mắt công chúng khi dịch COVID-19 được khống chế, sân khấu được phép mở cửa hoạt động trở lại.

Các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ đang miệt mài tập vở nhạc kịch "Cuộc chiến virus". Ảnh: NL

Vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” do tác giả Hoàng Thu Trang viết kịch bản, nghệ sỹ Lại Huy Hoàng đạo diễn, Giám đốc sản xuất âm nhạc Nam Lee. Vở diễn có sự tham gia của 30 nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ, trong đó có nhiều gương mặt nổi bật như Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Hồng Hạnh, Thanh Bình, Thanh Dương…

Theo ê-kip sáng tạo, vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” là câu chuyện xoay quanh cuộc sống hạnh phúc của dân cư trong một ngôi làng. Chỉ vì chủ quan, người dân đã bị những con virus tấn công, xâm chiếm ngôi làng. Những bạn nhỏ anh hùng còn sống sót trên hòn đảo, đặc biệt là bác Gấu lương y, đại diện cho những người bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch đã đoàn kết lại, sáng chế ra loại thuốc tiêu diệt con virus, đem cuộc sống tươi đẹp trở lại cho ngôi làng.

Biên kịch, diễn viên Hoàng Thu Trang cho biết, vở nhạc kịch được viết cho đối tượng khán giả là thiếu niên, nhi đồng, độ tuổi từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, với mong muốn gửi đến các em nhỏ thông điệp rằng, dù bất cứ dịch bệnh, đại nạn nào, nếu tất cả đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau chung sức thì sẽ chiến thắng.

Chú thích ảnh
PV/Báo Tin tức
Quy trình khử khuẩn đặc biệt sau vận chuyển bệnh nhân COVID-19
Quy trình khử khuẩn đặc biệt sau vận chuyển bệnh nhân COVID-19

Đang trong thời điểm bùng phát mạnh của dịch COVID-19, mỗi ngày Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội có rất nhiều chuyến xe chở bệnh nhân liên quan đến các ca bệnh. Công tác khử khuẩn xe và thiết bị là rất quan trọng để tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN