Tinh gọn bộ máy: Nhiều địa phương thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày 25/4, Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, Quảng Bình đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hậu Giang với tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ

Ngày 25/4, Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất biểu quyết thông qua 4 nghị quyết liên quan đến công tác sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh với tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ; tổ chức lại Sở Công thương và vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực đất đai.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xây dựng đề án chi tiết, cụ thể hóa các nội dung đã được HĐND tỉnh thông qua; hoàn thiện đầy đủ hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng tiến độ, trình tự, thủ tục và hướng dẫn của Trung ương. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục bám sát kế hoạch của Tỉnh ủy Hậu Giang để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhân dân về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và của nhân dân; kịp thời định hướng thông tin, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, tránh tâm lý hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực hiện.

Ông Đồng Văn Thanh yêu cầu các đơn vị quan tâm thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phù hợp với tình hình mới; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người dân tại các đơn vị hành chính được sắp xếp, sáp nhập; quan tâm chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ xã, phường và nhân sự trình cấp có thẩm quyền. Cùng với đó, công tác chuẩn bị cần được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo thời gian tổ chức đại hội trước ngày 31/8/2025, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Trước khi sắp xếp, tỉnh Hậu Giang có 75 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp, tỉnh Hậu Giang còn 28 đơn vị hành chính cấp xã , giảm 47 đơn vị hành chính cấp xã, đạt 62,66%, đảm bảo giảm từ 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Trung ương.

Quảng Bình: Sau sắp xếp còn 41 xã, phường

Cùng ngày, tại Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Tại kỳ họp, 100% đại biểu tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình năm 2025. Theo đó, sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Bình còn lại 41 xã, phường. Qua đó, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, thành phố Đồng Hới được sắp xếp thành 3 phường; thị xã Ba Đồn được sắp xếp thành 4 xã, phường. Tên gọi các xã, phường không đặt theo số thứ tự; một số tên huyện, thị xã, thành phố được đặt tên cho xã mới để lưu giữ yếu tố lịch sử như: phường Đồng Hới, phường Ba Đồn, các xã Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Phong Nha, Quảng Ninh...

Trước đó, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã liên quan tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình năm 2025. Quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri công khai, dân chủ, đúng pháp luật; không có khiếu nại, tố cáo liên quan Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình năm 2025. Kết quả có 143/144 đơn vị hành chính cấp xã có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 50% trở lên, trong đó 132 đơn vị hành chính có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tán thành chủ trương sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Bình và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Trị để thành lập tỉnh Quảng Trị (mới) với tỷ lệ tán thành đạt 100%. Tỉnh Quảng Trị (mới) có diện tích 12.699 km2, quy mô dân số hơn 1.845.000 người. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị (mới) đặt tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) hiện nay.

Trước đó, qua kết quả lấy ý kiến của nhân dân hai tỉnh, 97,9% cử tri tỉnh Quảng Bình đại diện hộ gia đình đồng ý với đề án sắp xếp; 98,76% cử tri tỉnh Quảng Trị đại diện hộ gia đình đồng ý với đề án. Theo đánh giá, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị là hai địa phương mang dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc hiện đại - nơi tiếp giáp và từng là ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc, biểu tượng của tinh thần thống nhất, khát vọng hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.

Với vị trí chiến lược, tiếp giáp Lào, nằm trên trục Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ có vai trò an ninh - quốc phòng trọng yếu, mà còn là trung tâm kết nối vùng Bắc Trung Bộ với quốc tế, là đầu mối giao thương và phát triển liên vùng, liên quốc gia.

HĐND tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị Trung ương tích hợp quy hoạch tỉnh của 2 địa phương thành quy hoạch tổng thể tỉnh mới theo hướng sắp xếp, tái cấu trúc không gian phát triển, phân bổ lại nguồn lực giữa các vùng, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững; đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế, khắc phục tình trạng phát triển cục bộ hoặc chênh lệch vùng miền.

Bên cạnh đó, với việc đặt trung tâm hành chính - chính trị tại tỉnh Quảng Bình, trước mắt địa phương nghiên cứu để có thể duy trì một số bộ phận của các cơ quan, đơn vị làm việc tại trụ sở cũ, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, vừa giảm gánh nặng chi phí di chuyển, thuê nhà ở và tạo điều kiện ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức.

Về lâu dài, HĐND tỉnh đề nghị thống nhất chủ trương giao tỉnh mới nghiên cứu quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị mới có vị trí phù hợp khi đủ các điều kiện và được Trung ương đồng ý; đề nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù dành cho các tỉnh sau khi thực hiện hợp nhất.

Duy Ba - Tá Chuyên (TTXVN)
Thống nhất dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa
Thống nhất dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa

Sáng 25/4, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khóa XIV tổ chức Hội nghị lần thứ 24, nhằm góp góp ý dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa; đồng thời cho ý kiến dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN