Tinh gọn bộ máy: Mở rộng không gian phát triển trong giai đoạn mới

Tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai đã tổ chức hội nghị và lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chủ trương hợp nhất tỉnh.

Chú thích ảnh
Các đại biểu biểu quyết thông qua Tờ trình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Quảng Trị: Tinh gọn tổ chức bộ máy, sử dụng hiệu quả nguồn lực

Ngày 24/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 20 nhằm thảo luận và thông qua Tờ trình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị, hình thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới mang tên Quảng Trị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến và thống nhất cao đối với nội dung Tờ trình. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã cũng như chủ trương hợp nhất hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, được xác định là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, sử dụng hiệu quả nguồn lực và mở rộng không gian phát triển trong giai đoạn mới. Đây là nhiệm vụ có tính cấp thiết, phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Cụ thể, sau khi hợp nhất, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích tự nhiên 12.699,99 km2 (đạt 254% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 1.845.335 người (đạt 131,81% so với tiêu chuẩn). Tỉnh Quảng Trị mới sẽ gồm 69 đơn vị hành chính cấp xã, 8 đơn vị hành chính cấp phường và một đặc khu đảo Cồn Cỏ. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Quảng Trị mới dự kiến đặt tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Đối với cấp xã, toàn tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành sắp xếp, tổ chức lại 119 đơn vị hành chính hiện có để thành lập mới 37 đơn vị, gồm 33 xã, 3 phường và 1 đặc khu. Việc đặt tên gọi mới và xác định Trung tâm hành chính - chính trị sau sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân và cử tri các địa phương.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là yêu cầu khách quan trong tiến trình xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai phải được tiến hành bài bản, khoa học, thận trọng và chắc chắn, tuyệt đối tránh tình trạng nóng vội, chủ quan. Việc sắp xếp bộ máy phải theo đúng tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng không vì thế mà dễ dãi, lỏng lẻo; phải giữ vững nguyên tắc tổ chức, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong nhân dân...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai sắp xếp bộ máy và sử dụng tài chính, tài sản công.

Mục tiêu đặt ra là vừa hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính theo đúng tiến độ, vừa bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; đồng thời đạt chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 8% trong năm 2025 và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...

Hợp nhất Bình Phước và Đồng Nai tạo thời cơ, động lực bứt phá

Việc sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai sẽ mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; làm cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đây là nhận định về sự cần thiết trong sắp xếp đơn vị hành chính, được nêu bật tại dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai vừa được tỉnh Đồng Nai công bố để xin ý kiến cử tri.

Theo dự thảo Đề án, tỉnh Đồng Nai mới nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ vào vùng Nam Bộ. Đồng Nai cùng với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tạo thành chuỗi liên hoàn, có vai trò là trọng tâm, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và vùng Nam Bộ Việt Nam; đồng thời tạo liên kết phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn trên toàn quốc và thế giới.

Lý giải về tên gọi khi sáp nhập, Đề án cho rằng, Đồng Nai là một trong những địa danh lâu đời nhất của Nam Bộ, có lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển, gắn liền với quá trình khai phá và định hình vùng đất phương Nam. Cùng với đó, Đồng Nai từ lâu đã là một địa danh có tính nhận diện cao, gắn liền với hình ảnh của một tỉnh công nghiệp phát triển sôi động bậc nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, việc đặt tên tỉnh mới là Đồng Nai nhằm bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ. Đây có thể được xem là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích 12.737 km2 (đạt 255 % so với tiêu chuẩn); quy mô dân số hơn 4,2 triệu người (đạt 302% so với tiêu chuẩn).

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 95 đơn vị. Nếu sáp nhập xã Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) và xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) thì tỉnh Đồng Nai mới còn 94 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai mới đặt tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sau sắp xếp là phường Trấn Biên (mới), tỉnh Đồng Nai (mới).

Đề án cũng nhận định, việc thành lập tỉnh Đồng Nai mới sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước; là thời cơ, động lực để bứt phá, vươn mình trong phát triển kinh tế - xã hội của kỷ nguyên mới.

Việc thành lập tỉnh Đồng Nai mới cũng tạo điều kiện về tài nguyên thiên nhiên để mở rộng không gian, phạm vi quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư, kiến thiết, xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tầm cỡ trong khu vực; tạo tiền đề thuận lợi để tỉnh thực hiện vai trò là cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của vùng, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng của quốc gia; đồng thời cũng là điều kiện để trở thành trung tâm tiếp vận, cung ứng, trung chuyển, sản xuất hàng hóa của Việt Nam và thế giới thông qua hệ thống cảng biển và cảng sân bay quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập là cơ sở để tỉnh mới thành lập rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo từng giai đoạn, từng vùng; đồng thời, huy động được các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ quan, doanh trại các cấp, các công trình quốc phòng bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh và cơ động lực lượng, phương tiện khi nảy sinh tình huống ...

Nguyên Linh - Sỹ Tuyên (TTXVN)
Công khai, dân chủ lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
Công khai, dân chủ lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã

Ngày 24/4, toàn tỉnh Yên Bái đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về hai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa Yên Bái và Lào Cai, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN