60 năm quan hệ Việt Nam - Lào:

Tình đoàn kết đặc biệt là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước Việt - Lào

Nhân kỷ niệm 60 năm Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977-18/7/2022), ông Khamvixan Keosouvan, Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Lào đã có bài viết về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, sáng 18/7/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

TTXVN giới thiệu nội dung bài viết:

Hai dân tộc Lào và Việt Nam đã sớm có quan hệ láng giềng tốt đẹp từ xa xưa, nhân dân hai nước cùng làm ăn, sinh sống dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ và bên những dòng sông trải dài từ Bắc chí Nam, đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như anh chị em một nhà, cùng chia ngọt sẻ bùi, vui buồn có nhau. Và mối quan hệ tốt đẹp này đã được thử thách trong quá trình đấu tranh trường kỳ gian khổ chống lại quân xâm lược, khi hai dân tộc Lào và Việt Nam nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần quốc tế vô tư trong sáng, hết sức hết lòng, yêu thương tin tưởng lẫn nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau, sống chết có nhau. Đó là nguồn gốc của tình đoàn kết đặc biệt, là nhu cầu khách quan và là nhân tố quyết định thành công và thắng lợi của cách mạng hai nước chúng ta, là hình mẫu hiếm có, duy nhất trên thế giới. Đó là mối quan hệ vĩ đại, sâu sắc, trân quý và là tài sản quý báu của hai dân tộc Lào - Việt Nam.

Khi nói đến mối quan hệ đặc biệt này, các lãnh tụ tiền bối đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc giành thắng lợi đều chỉ rõ: mối quan hệ trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước đã trở thành một mối quan hệ kiểu mẫu hiếm có duy nhất trên thế giới, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều hình mẫu cho thấy tinh thần quốc tế vô sản, nhưng không có nơi nào mà tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như vậy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết trong bài thơ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long". Chủ tịch Suphanuvong từng nói: “Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, mênh mông hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất”.

Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam là nhu cầu khách quan và là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước. Sự ra đời và trưởng thành của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và bồi dưỡng để lớn mạnh như ngày nay. Hai Đảng có chung lý tưởng và có chủ trương, chính sách tương tự nhau, đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung và cùng giành thắng lợi.

Trải qua các giai đoạn trong cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ của hai dân tộc Lào - Việt Nam, tình đoàn kết đặc biệt đó đã vượt qua nhiều thử thách vô cùng cam go và đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn để hai nước từng bước giành thắng lợi, làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc, vững chắc và bền chặt. Quan hệ Lào - Việt là tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt hiếm có duy nhất trên thế giới. Đó là sự nghiệp chung do đông đảo quần chúng nhân dân hai nước trực tiếp tham gia thiết lập, vun đắp và phát triển. Mối quan hệ đó ngày càng lớn mạnh, kế thừa liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, đã trở thành sứ mệnh tự nguyện, tự giác trên tinh thần vô tư, trong sáng và tinh thần hy sinh cao cả của hai dân tộc Lào-Việt Nam, hợp thành nguồn sức mạnh to lớn chiến thắng đế quốc xâm lược và cùng nhau tiếp tục thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 5/9/1962) và ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (ngày 18/7/1977) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi được ký kết ngày 23/7/1962, Hiệp ước Geneva về Lào đã công nhận độc lập, trung lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, công nhận chính phủ liên hiệp ba bên thành lập ngày 12/6/1962. Hiệp ước Geneva về Lào năm 1962 không chỉ là thắng lợi về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, là bước tiến vượt bậc về sự trưởng thành và phát triển của lực lượng cách mạng Lào, mà còn là chiến thắng của sự đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân Lào - Việt Nam anh em cùng chống kẻ thù chung.

Hiệp định Geneva cũng đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng hai nước. Với những cơ hội và điều kiện thuận lợi đó, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962. Việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào (Chính phủ liên hiệp) là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng về chính trị, ngoại giao và quân sự giữa hai nước, khẳng định hai nước có chung vận mệnh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Các cựu chiến binh, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng chiến đấu và công tác tại Lào dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, sáng 18/7/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN. 

Sự kiện này mở ra cơ hội để thế giới công nhận Lào là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân Lào được tự do như nhân dân các nước khác trên thế giới, từng bước mở rộng quan hệ hợp tác với thế giới bên ngoài để tranh thủ ủng hộ từ các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là sự phối hợp giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nước CHDCND Lào được thành lập ngày 2/12/1975, trong tình thế còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt như kinh tế - tài chính, quốc kế dân sinh, nhưng cấp bách hơn cả là việc kẻ thù và các thế lực thù địch tiếp tục theo đuổi chính sách bao vây cấm vận Lào. Để tiếp tục phát huy truyền thống tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hợp tác và liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc ngày càng sâu sắc, vững bền, ngày 18/7/1977, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Việc ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước là yêu cầu khách quan, là đường lối đúng đắn và chính đáng, phù hợp với quy luật quan hệ quốc tế giữa các quốc gia trên thế giới, là sự pháp lý hóa nội dung tinh thần quan hệ truyền thống lâu dài, là định hướng, nguyên tắc quan hệ quốc tế của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Đây là dấu mốc mới trong quan hệ hai nước trong điều kiện sự nghiệp cách mạng mới, tiếp tục hoàn thiện và phát huy truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi, cải tạo, chăm lo cuộc sống cho nhân dân sớm trở về trạng thái bình thường, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, vật tư - kỹ thuật chuẩn bị cho bước đi tiếp theo. Thông qua đó, làm cho nhân dân thế giới công nhận và nhận thức được mối quan hệ hợp tác giữa hai nước dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, là mối quan hệ chính đáng, cùng có lợi; đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng phá hoại mối quan hệ giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam.

Hiệp ước cũng là văn bản pháp lý quan trọng để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng đơm hoa kết trái, bền vững như ngày nay.

Với tư cách là công dân Lào và là người kế tục sứ mệnh cách mạng của hai Đảng, Nhà nước, hai dân tộc, chúng tôi cảm thấy tự hào và biết ơn sự hy sinh của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ. Để phát huy truyền thống đó, chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm vun đắp mối quan hệ trong sáng, chân thành, chí tình chí nghĩa, kề vai sát cánh cùng nhau bảo vệ và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cần quan tâm thực hiện một số vấn đề: cương quyết bảo vệ truyền thống đoàn kết đặc biệt và thành quả hợp tác giữa hai dân tộc thời gian qua, trong đó phải lấy quan hệ về chính trị làm gốc, định hướng chính sách tổng thể của quan hệ hai nước mà Chủ tịch Kayson Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và trở thành kim chỉ nam cho hai nước; tiếp tục bảo vệ và phát huy mối quan hệ vô tư, trong sáng duy nhất trên thế giới; không ngừng phát huy lòng tin chiến lược về chính trị, đồng thời gánh vác sứ mệnh lịch sử của sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng phát triển đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa, gìn giữ mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tin cậy vững chắc, chúng ta cần tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác về quốc phòng - an ninh thông qua việc tăng cường truyền thống kề vai sát cánh đấu tranh giành độc lập, tự do trước kia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh hiện nay. Việc thắt chặt quan hệ hợp tác về quốc phòng - an ninh là tất yếu khách quan của hai nước mà không gì có thể chia cắt được, đặc biệt trong bối cảnh tình hình biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phòng chống và đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù hòng phá hoại, chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.

Cần coi công tác giáo dục, công tác phát triển nguồn nhân lực như một chiến lược ưu tiên, nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ công tác tuyển chọn học sinh, sinh viên, công tác học tập nghiên cứu và công tác giảng dạy của giáo viên. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tạo ra những bước đột phá mới tương xứng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt của hai nước. Cùng nghiên cứu tạo ra tư duy hợp tác mới, có các giải pháp mang tính “đột phá” mạnh mẽ; tháo gỡ các vướng mắc, tăng cường tính chủ động trong việc tranh thủ thu hút nguồn vốn, thương mại, thị trường, tri thức từ các chuyên gia đã gặt hái thành công về kinh tế. Đồng thời, phát huy thế mạnh để phát triển đất nước nhanh, bền vững và tự chủ, chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế số, phát triển công nghệ điện tử, đổi mới các dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng hiện đại sang kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao nền tảng kinh tế thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, bồi dưỡng về truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ hợp tác tác toàn diện quý báu, là nhu cầu khách quan và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng hai nước một cách sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện bằng nhiều kiểu thức, nhiều màu sắc, nhiều hình thái phù hợp với thực trạng và với từng đối tượng, gắn liền với thực tế đời sống xã hội cho các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tập trung vào thế hệ trẻ - người chủ tương lai của đất nước để có nhận thức, hiểu biết, thấm nhuần và tin tưởng cùng nhau giữ gìn, vun đắp truyền thống quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết đặc biệt, giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đơm hoa kết trái, mãi mãi tốt đẹp và trường tồn.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào tự hào và hãnh diện đã làm hết sức mình cho mối quan hệ liên minh chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của hai nước chúng ta. Sự tồn tại của Đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo sườn Tây của dãy Trường Sơn trên lãnh thổ Lào dài hàng vạn km, trải dài qua 5 tỉnh, đi qua hàng chục huyện, hàng trăm thôn bản, từ miền Trung vào đến miền Nam của Lào với nhiều hy sinh, mất mát to lớn của nhân dân Lào do hàng triệu tấn bom đạn, chất độc dioxin của kẻ thù trút xuống, biến nơi đây trở thành chiến trường ác liệt mà các chiến sĩ của cả hai nước Lào - Việt Nam cùng liên minh chiến đấu với tinh thần quốc tế trong sáng, tình đồng chí anh em gắn bó keo sơn; vì chiến thắng mà cuộc sống, máu xương, mồ hôi và nước mắt của họ đã hòa quyện vào nhau, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Đường mòn Hồ Chí Minh đã giúp cho Cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Cách mạng Lào”.

Có thể nói, 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam là giai đoạn kiểm chứng độ vững bền của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Dù cho tình hình quốc tế và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp với cả cơ hội và thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn quan tâm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc, vun đắp cho mối quan hệ đó ngày càng tốt đẹp hơn cả bề rộng và chiều sâu, nội dung hợp tác ngày càng đi vào thực chất; cơ chế và phương pháp ngày càng linh hoạt; quan hệ hợp tác giữa các địa phương, các ban ngành ngày càng hiệu quả và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước chúng ta. Điều này cho thấy nét đặc biệt trong quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam đã trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng ở hai nước.

Tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào là hình mẫu hiếm có và duy nhất trên thế giới mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Phạm Kiên (biên dịch)
60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực
60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh nước bạn Lào là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại giữa hai bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN