Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020
Sáng 4/12, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.
Bày tỏ vui mừng khi tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một bông sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, Thủ tướng cho rằng, các tỉnh khó khăn - nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí, quyết tâm không để địa phương mình bị bỏ lại phía sau, để nhân dân các dân tộc ngày càng có cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.
“Với những quyết tâm và nguồn lực tập trung đầu tư mạnh mẽ như vậy, chúng ta vui mừng nhận thấy: Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thuỷ lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 100% đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay”, Thủ tướng cho biết.
Việt Nam có tổng cộng 693 người mắc COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 6/12, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là ca nhập cảnh. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 6/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 17.020 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 160 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.183 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.677 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 11 ca. Đến nay Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.220 ca.
Sau khi ghi nhận các ca mắc COVID-19 do lây nhiễm từ người cách ly tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã 4 ngày không ghi nhận thêm ca cộng đồng mới.
Chi 17.900 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19
Theo Bộ Tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi khoảng 17.900 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngân sách Trung ương đã sử dụng hơn 4.540 tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó, Chính phủ đã chi ngân sách hỗ trợ 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ và 11 tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa đá, giông lốc, lũ quét, sạt lở đất với tổng số tiền 1.630 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục dự trữ Nhà nước xuất cấp gần 32.950 tấn gạo dự trữ Quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên thu ngân sách giảm so với cùng kỳ những năm gần đây. Tổng thu cân đối ngân sách 11 tháng năm nay ước đạt hơn 1.260.000 tỷ đồng, mới đạt 83,4% dự toán.
Gần 170.000 học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh nghỉ học vì có liên quan đến các ca bệnh COVID-19
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết như trên tại cuộc họp Ban chỉ về công tác phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh chiều 3/12.
Theo ông Lê Hồng Sơn, qua thống kê rà soát, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 200 trường học từ cấp mầm non đến THPT đã cho học sinh nghỉ học vì liên quan đến các ca bệnh COVID-19 mới. Đã có 8.211 học sinh, 663 giáo viên, nhân viên từ cấp mần non đến THPT nghỉ học, nghỉ dạy vì trong trường có học sinh, giáo viên tiếp xúc với các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Trong đó có 8 trường cho tất cả học sinh nghỉ học hoàn toàn, 195 trường chỉ nghỉ một số lớp học.
Qua thống kê của các khối từ trung cấp chuyên nghiệp đến các trường cao đẳng, đại học thì đến nay có 160.904 sinh viên phải nghỉ học, 5.796 giảng viên, nhân viên của các trường nghỉ dạy vì liên quan đến các ca bệnh. Đối với các trường hợp F3 và F4, ngành giáo dục tiếp tục khoanh vùng theo hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời thực hiện khai báo cho y tế địa phương.
Đối với các trường học có liên quan đến các ca bệnh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các quận, huyện phối hợp đưa ra một kế hoạch cụ thể, thời gian rõ ràng để phụ huynh chủ động hơn trong việc học tập của con em.
Tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài
Chiều 1/12, kết luận họp Thường trực Chính phủ về COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết). Thủ tướng yêu cầu cả nước thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn. “Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong 2 đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm.
Với trường hợp lây nhiễm vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan. Các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, các khu tập trung chú ý vấn đề đeo khẩu trang.
Xét xử kín vụ án bị cáo Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước
Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa ra quyết định, ngày 11/12 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Bốn bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 - Bộ luật Hình sự năm 2015.