Tin nổi bật tuần 22-28/2

Trong tuần từ ngày 22-28/2, những thông tin thời sự nổi bật được dư luận đặc biệt quan tâm là: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và dân cư; Việt Nam có 1.542 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; lịch tiêm lô vaccine AstraZeneca nhập khẩu có thể chậm hơn dự kiến; TP Hồ Chí Minh và Hà Nội quyết định cho học sinh trở lại trường học từ ngày 1-2/3; người dân đổ xô đi làm giấy tờ đất né quy định mới từ 1/3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và dân cư

Ngày 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt khai trương hệ thống.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được thực hiện theo Luật Căn cước công dân, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an: "Lực lượng Công an được Đảng v­à Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ từ trước đến nay, chiến dịch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân tạo tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số". Dữ liệu dân cư đã thu thập nên người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ nào (cắt giảm chi phí in tài liệu cho dân); cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu (tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân).

Khi hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thống tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Các dữ liệu đã dùng để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được tra cứu, khai thác, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ: giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách Nhà nước...

Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về An ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hoàn thành, đưa vào hoạt động 2 dự án thể hiện quyết tâm lớn lao, sự nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đặc biệt Bộ Công an, các bộ ngành khác; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công an triển khai song song, tích hợp 2 dự án, giúp tiết kiệm cho nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp xây dựng hoàn thiện và kết nối, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống để triển khai thực hiện dự án; sự nỗ lực của nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào xây dựng dự án.

Việt Nam có 1.542 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước

Chú thích ảnh
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Ảnh: TTXVN.

Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 28/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.448 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.542 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Hiện đã có 10/13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng là Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh.

Tại Hải Phòng, từ 1/3, thành phố tiếp tục tạm đình chỉ các hoạt động: lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các giải đấu thể thao; tổ chức ăn uống tập thể (đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan…) tập trung quá 20 người; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu; xe đưa đón công nhân từ Hải Dương về Hải Phòng;các bến phà, đò ngang tiếp giáp tỉnh Hải Dương... Dự kiến, dạy và học trực tiếp tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trở lại vào ngày 8/3.

Hà Nội ngày thứ 13 không ca mắc COVID-19 mới (tính từ 16/2 đến nay). Thành phố chỉ còn 2 điểm đang tiếp tục phong tỏa, đó là xóm Đông, thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (với 5 hộ gia đình) và khách sạn Somerset West Point ở phường Quảng An, quận Tây Hồ. Hai khu vực này phong tỏa từ ngày 14/2, dự kiến hết ngày 28/2 sẽ kết thúc phong tỏa.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 63.054 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 555 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.218 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 50.281 người.

Lịch tiêm lô vaccine AstraZeneca nhập khẩu có thể chậm hơn dự kiến

Bộ Y tế đang tiến hành đánh giá toàn bộ chất lượng lô vaccine AstraZeneca đã nhập khẩu với nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn, vì vậy lịch tiêm có thể chậm hơn dự kiến.

Ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đang cùng với Bộ Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đánh giá toàn bộ chất lượng lô vaccine nhập khẩu của AstraZeneca mới về Việt Nam, vì vậy, lịch tiêm 117.000 liều vaccine này có thể chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Nguyên tắc chung là phải bảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả sử dụng vaccine với người dân; vaccine phải được kiểm nghiệm an toàn trước khi tiêm cho người dân mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Vaccine AstraZeneca là một trong 2 vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về độ an toàn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp cấp phép trên phạm vi toàn cầu. Vaccine này đã cho thấy hiệu lực, mức độ bảo vệ khá tốt. Cụ thể, hiệu quả bảo vệ sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%; 100% các trường hợp được tiêm vaccine này được bảo vệ không tiến triển nặng hơn, tức là có thể có trường hợp mắc COVID-19 nhưng không nặng lên, không tử vong.

Hà Nội quyết định cho học sinh trở lại trường học vào ngày 2/3

Sáng 27/2, UBND TP Hà Nội đã có công văn về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19. UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của liên sở (Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Y tế), học sinh sẽ trở lại trường học từ 2/3/2021. UBND TP Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, sinh viên và học viên sẽ trở lại trường từ 8/3/2021.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, căn cứ vào công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng việc cho học sinh quay trở lại trường vào ngày 1/3 là phù hợp. Ngày 23/2, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị cho học sinh quay lại trường. Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định cho học sinh các cấp dừng đến trường đến hết ngày 28/2 và học trực tuyến tại nhà.

Người dân đổ xô đi làm giấy tờ đất đai, ‘né’ quy định mới từ 1/3

Số lượng người dân đến các văn phòng đăng ký đất đai của Hà Nội trong tuần tăng đột biến vì lo sợ với quy định mới từ ngày 1/3/2021, nếu tiền sử dụng đất chưa thanh toán sẽ phải thanh toán theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ, tức là số tiền phải nộp sẽ cao hơn trước.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 27/2
Tin nổi bật ngày 27/2

Tôn vinh những y, bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch COVID-19 nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam; Hà Nội cho học sinh đi học trở lại ngày 2/3; văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội làm việc cả hai ngày cuối tuần để giải quyết hồ sơ tồn đọng trước ngày 1/3... là những thông tin nổi bật trong ngày 27/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN