Tổng thống Liên bang Nga thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Tuần qua, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tới Thủ đô Hà Nội, thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Lễ đón chính thức Tổng thống Vladimir Putin được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón Nguyên thủ quốc gia.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Vladimir Putin đã hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Nhân dịp này, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đánh giá cao những thành tựu quan trọng của quan hệ hai nước, khẳng định các nguyên tắc, đề ra những định hướng để đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Vladimir Putin cùng Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ lãnh đạo Hội hữu nghị Việt - Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng du học tại Nga. Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học-công nghệ, trong đó có Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung cho công tác lập pháp
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tuần qua, Quốc hội tập trung cho công tác lập pháp.
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Luật Phòng không nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi); đồng thời, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.
Một trong các nôi dung quan trọng là Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư dự án này, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Một vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là Quốc hội thảo luận về điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quốc hội cũng tiếp tục thảo luận các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024)
Trong tuần qua, nhiều hoạt động kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) đã diễn ra sôi nổi trên cả nước.
Sáng 17/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, thăm và chúc mừng TTXVN, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và dự khai trương chuyên trang bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đánh giá cao các hoạt động trong công tác báo chí truyền thông, định hướng tư tưởng, đồng hành với các địa phương, cộng đồng, hợp tác quốc tế của các cơ quan báo chí, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng đội ngũ những người làm báo cách mạng học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức về trách nhiệm người cầm bút, luôn tận tâm với nhiệm vụ được giao; phản ánh kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với người dân và bạn bè quốc tế; làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Chiều 19/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp mặt Lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí; gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ những người làm báo cả nước.
Tối 21/6, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII đã vinh danh 122 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, trong đó có 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích.
Giải Báo chí Quốc gia hàng năm là giải thưởng cao quý nhất với người làm báo theo Quyết định số 369/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
Ngày 19/6/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, thực hiện quản lý Nhà nước về các hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu của các Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn An Đông...
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh và trật tự, an toàn xã hội; gây dư luận xấu.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí Đinh Tiến Dũng, trên cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021, đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Bộ Chính trị đồng ý để đồng chí Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV Thành phố Hà Nội và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đồng chí Đinh Tiến Dũng thôi giữ các chức vụ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021.
Nghiên cứu đề xuất đánh thuế giao dịch vàng
Trong tuần qua, Bộ Tài chính thông tin sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động đối với đề xuất đánh thuế giao dịch vàng.
Theo đó, trên cơ sở tăng cường quản lý thuế, thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện chủ trương này, nhằm giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, thao túng giá vàng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng miếng ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, nhằm hạ chênh lệch giá với thế giới. Giá vàng miếng bán ra cho người dân đã giảm dần qua từng phiên và duy trì ổn định mức 76,98 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Hai vụ cháy gây hậu quả thương tâm tại Hà Nội và Bắc Giang
Tuần qua, tại Hà Nội và Bắc Giang xảy ra các vụ cháy thương tâm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ cháy tại Hà Nội xảy ra tại phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai ngày 16/6, làm 4 người tử vong. Vụ cháy tại Bắc Giang ngày 16/6, tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Đa Mai, Thành phố Bắc Giang, làm 3 người tử vong.
Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp UBND quận, huyện cơ sở bên cạnh việc tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, tập trung khắc phục hậu quả sau vụ cháy, điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Sau hai vụ cháy này, UBND Thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Giang đã giao UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Sau hai vụ cháy này, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy, nổ.