Tuần thứ hai kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Tuần từ 27/5-2/6 là tuần làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023... Đặc biệt, trong tuần, Quốc hội thảo luận về một số dự thảo Luật như: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Quốc hội cũng thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ngoài ra, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng; cho ý kiến về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022...
Một trong những vấn đề được dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm tại Nghị trường Quốc hội tuần qua là Quốc hội xem xét quy định chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau hơn 10 năm thực thi, đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dự thảo Luật Thủ đô xác định rõ các chính sách đặc thù cho phép UBND Thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố; phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê và sử dụng không gian ngầm của Thành phố.
Cân nhắc phương án rút BHXH một lần
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Hai phương án rút BHXH một lần nhận được nhiều sự quan tâm, vì tác động đến hệ thống an sinh xã hội và hàng triệu người lao động, cần được đánh giá kỹ tác động trước khi Luật đi vào cuộc sống.
Cụ thể, phương án 1 chia làm hai nhóm, gồm: Nhóm 1: Tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết 93 của Quốc hội. Người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Thời gian đóng bảo hiểm còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm. Nhóm 2: Người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi không được áp dụng quy định này.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm.
Nhiều ý kiến của cử tri và các đại biểu Quốc hội cho rằng, khi xem xét các trường hợp rút BHXH một lần, cần quy trình đánh giá việc rút BHXH một lần theo các phương án đã thật sự đáp ứng nhu cầu của người lao động. Nhà nước phải tính toán phương án để hỗ trợ về chính sách tín dụng cho người lao động, để họ không phải rút BHXH một lần. Đồng thời, Chính phủ cần sớm có đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm. Do đó, các ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước hay sau cải cách tiền lương, tránh vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi.
Kinh tế 5 tháng tăng trưởng tích cực
Trong tuần qua, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8%. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thực hiện đạt kết quả tốt hơn về kế hoạch giải ngân so với cùng kỳ năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 11,07 tỷ USD, tăng 2%; hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế là điểm sáng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt...
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi toàn diện. Động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng phục hồi chậm. 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành chỉ tăng 5,2%, trong khi cùng kỳ tăng 9,3%. Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong 5 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp tham gia thị trường, nhưng có tới 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường...
Để duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước gỡ khó thủ tục; chuẩn bị các điều kiện tốt để thu hút các làn sóng chuyển dịch FDI. Đồng thời, Chính phủ cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện.
Bốn ngân hàng thương mại sẽ bán vàng trực tiếp từ ngày 3/6
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai phương án bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV từ ngày 3/6, với mức giá căn cứ theo giá vàng thế giới, nhằm điều hành giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay, tạo điều kiện cho các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Theo đại diện các ngân hàng, đây là chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ việc công bố danh sách các điểm bán vàng miếng trên website của ngân hàng; hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Việc bán vàng trực tiếp tới người dân sẽ được thực hiện bắt đầu ngay từ thứ Hai (ngày 3/6), trước hết tại mạng lưới phân phối TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thực hiện chủ trương bình ổn thị trường vàng của Chính phủ, các ngân hàng thương mại Nhà nước không đặt ra mục tiêu lợi nhuận, mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ Ngân hàng Nhà nước
Về vấn đề này, tại phiên thảo luận ở nghị trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thị trường thế giới có xu hướng tăng và trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng SJC tăng cao. Từ tháng 6/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Để tiếp tục giám sát, quản lý chặt thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, đánh giá thực chất về hoạt động của thị trường vàng để có những giải pháp xử lý theo quy định, đưa thị trường vàng tiến sát thị trường thế giới.
Tập trung giám sát, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Cũng trong tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch kiểm tra của các đoàn lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại các địa phương về công tác chuẩn bị điểm thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng Quy chế thi; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh; phòng ngừa, phát hiện, kịp thời chỉ đạo xử lý sai phạm (nếu có).
Bốn đoàn kiểm tra tại khu vực các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Các đoàn kiểm tra sẽ chủ động lựa chọn, kiểm tra từ 2 đến 3 địa phương trong từng khu vực trong thời gian từ ngày 8 -17/6/2024. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi và chấm thi tại các địa phương trong cả nước. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chuẩn bị báo cáo về công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại địa phương, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Vụ việc trẻ mầm non tử vong do bị để quên trên xe ô tô
Trong tuần qua tại tỉnh Thái Bình xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc tại trường mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) làm một bé trai trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học.
Nhận được thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình báo cáo sự việc, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những công việc cần thiết để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình cháu bé; thực hiện các giải pháp để đảm bảo ổn định việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ em của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 và các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn.
Liên quan đến vụ việc, ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Thái Bình) đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam bị can 3 tháng đối với Phương Quỳnh Anh (sinh năm 1986, trú xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình) là nhân viên đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 để tiếp tục điều tra về tội "Vô ý làm chết người" quy định tại khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngày 31/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nình tiếp tục khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1965, trú phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình) là lái xe đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 để điều tra về tội "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015; khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong là Đoàn Thị Nhâm (sinh năm 1998, trú tại tổ 4, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình) và Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1966, trú tại thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.