Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế
Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 918,6 nghìn tỷ đồng; ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 3,32 triệu tỷ đồng, tăng 7,31%; ngành dịch vụ đạt gần 8,6 triệu tỷ đồng, tăng 7,9%.
Các đại biểu thẳng thắn cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng còn thấp, trong khi dư địa mở rộng tín dụng còn rất lớn; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính , nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, một phần do hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, lãi suất mặc dù đã giảm, song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; một mặt do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm, một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả…
Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các chủ thể liên quan từ Chính phủ, các bộ, ngành, ngành Ngân hàng, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc, chung tay.
Thủ tướng khẳng định, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; đẩy mạnh chính sách tài khoá liên quan vốn, phí, lệ phí, đầu tư công, các hoạt động khác để hỗ trợ chính sách tiền tệ; kịp thời xử lý những vướng mắc từ thực tiễn, cơ chế, chính sách ban hành để tháo gỡ khó khăn nhưng chưa đi vào cuộc sống; đẩy mạnh các công cụ liên quan thị trường, giảm bớt, tiến tới loại bỏ công cụ hành chính; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, giảm giá để thúc đẩy thị trường…
Tập trung ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trước đó, vào sáng 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; bình quân 11 tháng tăng 3,22%; tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á; IMF dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024, đạt 5,8%...
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt lưu ý cần tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.
Cùng với đó, xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là các sàn giao dịch bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ..., bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; khẩn trương triển khai phương án xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp yếu kém và xử lý các vấn đề tồn tại.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm; đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng
Xử lý nghiêm vụ việc học sinh ném dép, nhốt giáo viên trong phòng học
Vào ngày 4/12, những đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội cho thấy cô giáo Phan Thị H. (38 tuổi) dạy Âm nhạc ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học. Trong một clip khác, cô giáo bị một nhóm học sinh ném giấy, dép vào người, xúc phạm và đóng cửa lớp để cô không ra ngoài được. Khi bị ném chiếc dép vào đầu, cô giáo đã ngất xỉu. Vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 29/11.
Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND huyện Sơn Dương đã yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh, giải quyết vụ việc. Ngày 30/11, Phòng GD&ĐT, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh, đề xuất biện pháp xử lý. Trường cũng đã tổ chức họp toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 7C, 6A để tuyên truyền đến các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức học sinh, không để xảy ra sự việc như trên.
Trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh rằng: “Vụ việc này rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi về UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị: UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc.
Ngay sau đó, sáng 7/12, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) ra quyết định tạm đình chỉ hiệu trưởng trường THCS Văn Phú - nơi để xảy ra sự việc học sinh ném dép vào cô giáo.
Ông Trần Duy Sáng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Văn Phú bị đình chỉ 15 ngày để phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên của nhà trường.
Giá vàng SJC tăng mạnh tuần qua lên mức 74,3 triệu đồng/lượng
Tính đến sáng 7/12/2023, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết lập mức đỉnh mới ở mức 74,3 triệu đồng/lượng (ở chiều bán ra). Giá vàng đến ngày 8/12 giảm nhe nhưng vẫn trụ vững trên mức 74,1 triệu đồng/lượng đối với mặt hàng vàng miếng SJC và cao hơn giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng; riêng giá vàng nhẫn tròn trơn tăng 600.000 đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, giá vàng Việt Nam tăng mạnh theo đà của quốc tế. Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục do chỉ số chứng khoán giảm sút; lạm phát tương đối cao trong khi lãi suất cao, giá trị đồng USD và bất động sản giảm. Không chỉ vậy, xung đột tại Trung Đông kéo dài; dự báo lãi suất giảm càng hỗ trợ thị trường khiến vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn.
Tại Việt Nam, kinh tế vẫn khó khăn. Nếu như trước đó kỳ vọng 2 tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ bật lên thì chỉ số kinh tế tháng 11/2023 của nhiều lĩnh vực cũng chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, đầu tư khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang ít đơn hàng, hoạt động co cụm lại. Do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Tâm lý ‘mua vàng còn giữ được giá’ khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn
Các nhà phân tích dự báo, giá vàng đang trên đà đạt mức cao mới vào năm 2024 và có thể duy trì trên 2.000 USD/ounce, do bất ổn địa chính trị, nguy cơ đồng USD yếu đi và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.