Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình khắc phục hậu quả bão số 9
Sáng 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hỏi và tặng quà một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề do bão số 9 tại các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm ông Cao Văn Phụng, tại thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung có nhà bị tốc mái, sập đổ hoàn toàn do bão số 9; và ông Trần Văn Đô - là hộ gia đình chính sách tại Tổ dân phố 2, thị trấn La Hà cũng có có bị nhà sập hoàn toàn do bão số 9.
Rời tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục chương trình, Thủ tướng đã tới thị sát tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và thăm hỏi bà con.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản ở các tỉnh miền Trung: Nhiều sự cố sạt lở núi, nhà tốc mái, sập đổ xảy ra gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Nhiều công trình, cơ sở vật chất, các công trình hạ tầng dân sinh cũng bị sự cố hư hỏng…
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần tới bà con nhân dân các tỉnh miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi bão số 9.
Máy bay trực thăng đã thả được lương thực, thực phẩm tiếp tế vào xã Phước Lộc
Sáng 1/11, người dân xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã nhận được lương thực, thực phẩm tiếp tế từ chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn Không quân 372.
Sư đoàn Không quân 372 sử dụng máy bay Mi 171 thuộc Trung đoàn 930 chở theo lương thực, thực phẩm thiết yếu và thả xuống cho người dân sau nhiều ngày cạn kiệt lương thực, thực phẩm.
Tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, người dân cũng đã nhận được lương thực do trên 300 người dân ở xã Phước Kim cắt rừng, gùi hàng vào.
Do bị sạt lở núi, giao thông bị chia cắt hoàn toàn, khoảng 3.000 người tại 2 xã Phước Lộc và Phước Thành của huyện Phước Sơn, bị cô lập từ ngày 28/10 đến nay.
Sau nhiều bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài và cạn kiện lương thực do bị lũ cuốn trôi, người dân ở hai xã Phước Thành và Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã nhận được lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Mở rộng phạm vi tìm kiếm các nạn nhân còn lại tại Trà Leng
Ngày 1/11, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam và hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My phối hợp cùng lực lượng cứu hộ tình nguyện dùng 20 phương tiện tổ chức tìm kiếm trên sông Leng và lòng hồ sông Tranh 2, có diện tích hơn 200 ha mặt nước.
Tuy nhiên, do lượng rác dày khoảng 40cm phủ kín mặt hồ nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Đến 15h cùng ngày, việc tìm kiếm dưới nước kết thúc do mưa lớn, tầm nhìn kém.
Hiện tại ở Trà Leng có mưa to, tình trạng sạt đất có dấu hiệu và nước các khe suối dâng cao chảy xiết nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm, cứu hộ.
*Trong khi đó, các hoạt động tìm kiếm những công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được triển khai trở lại.
Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Với những nỗ lực của lực lượng cứu hộ cùng với phương tiện máy móc được huy động tối đa, hiện trường tìm kiếm những công nhân bị mất tích đang dần được thu hẹp. Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh công việc tìm kiếm trước khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.
Do đã khoanh vùng và xác định những vị trí tìm kiếm, trong ngày 1/11 các lực lượng đã tập trung phương tiện máy móc đào bới tại những vị trí có khả năng cao tìm thấy các nạn nhân dưới lớp đất đá. Công tác tìm kiếm cũng được thực hiện rất thận trọng, khi có những dấu hiệu nghi ngờ, đội chó nghiệp vụ sẽ được huy động để cùng tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, đến 17 giờ ngày 1/11, chưa có thêm thêm nạn nhân nào được tìm thấy.
Quảng Ngãi nỗ lực ổn định cuộc sống cho người dân
Bão số 9 là cơn bão rất mạnh, khi đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi đã gây ra thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 13 người bị thương, 169 nhà bị sập, gần 85.000 ngôi nhà bị tốc mái và hiện còn hàng trăm ngôi nhà còn ngập trong nước.
Nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương huy động cả hệ thống chính quyền để ổn định cuộc sống sớm nhất cho người dân. Theo đó, UBND tỉnh đã ra công văn số 5288/UBND-NNTN ngày 30/10/2020 về việc khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa, lũ trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu UBND và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai ngay quyết định hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết đến ngày 2/10/2020 (trừ cuộc họp xử lý khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và lũ lụt sau bão); thống nhất cho học sinh các cấp nghỉ học đến hết ngày 1/11/2020 và đi học lại vào thứ 2, ngày 2/11/2020. Để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 9, UBND tỉnh quyết định, trước mắt thống nhất hỗ trợ cho các hộ dân có nhà chính bị sụp đổ hoàn toàn là 100% mức hỗ trợ theo Quy định.
Phóng viên bật khóc trong lúc tác nghiệp tại Trà Leng
Bức ảnh về một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam dừng máy quay, rồi quỵ xuống, bật khóc khi chứng kiến lực lượng chức năng đưa thi thể một em bé ra từ trong lớp bùn đất sau trận sạt lở tại thôn 1 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã khiến nhiều người xúc động, nghẹn ngào.
Hơn 30 năm lăn lộn trong nghề, chứng kiến nhiều vụ tai nạn chết người, nhiều thiên tai với biết bao sự mất mát, xúc động thì có nhưng đây là lần đầu tiên nhà báo Đoàn Hữu Trung khóc và không thể tác nghiệp.
“Chưa bao giờ tôi phải dừng tác nghiệp và khóc nghẹn ngào đến vậy. Thiên tai lần này quá kinh khủng, quá nhiều mất mát. Tôi không thể quay được cảnh như vậy và nếu có quay được thì tôi cũng không dùng hình ảnh đó, nhất quyết không dùng, nó quá thương tâm”, nhà báo Đoàn Hữu Trung nghẹn ngào.
Đề xuất nghỉ 7 ngày dịp Tết Nguyên đán 2021 Tân Sửu
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có Tờ trình Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh trong năm 2021. Trong đó, tổng số ngày nghỉ chính và nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là 7 ngày.
Cụ thể, Bộ LĐTĐ&XH trình phương án nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết.
Do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết (tức ngày 13-14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ Nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết (tức ngày 15-16/2/2021 Dương lịch).
Với phương án này, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục, từ ngày 10/2/2021 đến ngày 16/2/2021 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Chuyên gia người Hàn Quốc dương tính tại Nhật Bản đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2
Ngày 31/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyên gia người người Hàn Quốc đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 6 sau khi người này nhập cảnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trường hợp này sẽ được xét nghiệm bằng RT-PCR thêm 1 lần nữa vào ngày 31/10 theo quy định của Nhật Bản.
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận thông tin một chuyên gia quốc tịch Hàn Quốc bay từ TP Hồ Chí Minh nhập cảnh Nhật Bản có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên. Thành phố đã điều tra dịch tễ, khoanh vùng, lấy mẫu, thực hiện cách ly tất cả các trường hợp tiếp xúc.
Theo đó, có khoảng trên 300 trường hợp tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc gần với chuyên gia Hàn Quốc. Tất cả trường hợp tiếp xúc này đều có kết quả xét nghiệm âm tính, không có dấu hiệu liên quan đến COVID-19.
Tròn 2 tháng Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Tính đến 18 giờ ngày 1/11, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19, tổng số mắc vẫn là 1.180 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 6 ca, lần 2 là 4 ca, lần 3 là 7 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.063 ca.