Mới đây, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một nam phóng viên tuổi trung niên đang ôm máy quay khóc nghẹn ngào với nội dung: "Người phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam quay máy đi chỗ khác, anh nghẹn khóc khi một em bé được đưa ra từ bùn đất".
Bức ảnh trên do phóng viên Hoàng Thế Lực, công tác tại Báo điện tử Chính phủ ghi lại khi các nhà báo đang tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở đất tại Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sáng 30/10. Nhân vật trong bức ảnh là nhà báo Đoàn Hữu Trung, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam khu vực Quảng Nam. Khi lực lượng chức năng đưa được thi thể một em bé ra từ trong lớp bùn đất, nhà báo Đoàn Hữu Trung đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống, bật khóc nức nở.
“Lực lượng chức năng đào sâu xuống gần 1 mét thì tìm được thi thể con bé, chắc chỉ tầm 2 tuổi thôi, toàn thân chỉ có một màu bùn, cô bé nằm sấp. Lúc đó, tôi đứng quá gần và không thể kìm nén được, tất cả mọi người ở đó, kể cả những tướng lĩnh từng xông pha trận mạc cũng đều nghẹn ngào. Đến tận bây giờ, tôi vẫn ám ảnh hình ảnh con bé, nó bé tí, như một con búp bê vậy...”, nhà báo Đoàn Hữu Trung chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
Hơn 30 năm lăn lộn trong nghề, chứng kiến nhiều vụ tai nạn chết người, nhiều thiên tai với biết bao sự mất mát, xúc động thì có nhưng đây là lần đầu tiên nhà báo Đoàn Hữu Trung khóc và không thể tác nghiệp.
“Chưa bao giờ tôi phải dừng tác nghiệp và khóc nghẹn ngào đến vậy. Thiên tai lần này quá kinh khủng, quá nhiều mất mát. Tôi không thể quay được cảnh như vậy và nếu có quay được thì tôi cũng không dùng hình ảnh đó, nhất quyết không dùng, nó quá thương tâm”, nhà báo Đoàn Hữu Trung nghẹn ngào.
Nhà báo Đoàn Hữu Trung chia sẻ thêm, Quảng Nam từng gặp nhiều lũ nhưng đợt lũ lụt này thật sự quá kinh khủng và khốc liệt, vùng đồng bằng ven biển ở Quảng Nam chủ yếu nhà bị bay mái tôn nhưng thiệt hại lớn nhất là trên núi. Đến nay vẫn còn 14 người mất tích chưa tìm được, cả làng 13 nhà nhưng 15 hộ thành bình địa, đám bùn lầy không còn dấu tích gì của làng xưa.
"Tâm trạng của ai lên đó cũng mong sớm tìm được người mất tích càng nhanh càng tốt vì sợ cơn bão sau sẽ tiếp tục đổ bộ. Lực lượng chức năng chạy đua với thời gian, ngày đêm tìm kiếm người mất tích, anh em phóng viên có mặt tại hiện trường cũng đông, khoảng mấy chục người, ai cũng đi lại rất nhẹ nhàng vì cảm giác bất kể nơi nào dưới chân mình cũng có thể có người ở dưới đó", nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Khi được hỏi cảm xúc của anh ra sao khi cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều về bức ảnh anh đang bật khóc tại hiện trường, nhà báo Đoàn Hữu Trung cho hay, chắc chắn ai cũng sẽ giống như anh khi chứng kiến đồng bào mình gặp nạn như vậy. Chia sẻ với nỗi đau của đồng bào, lực lượng chức năng làm việc như chạy đua với thời gian, các nhà báo cũng cố gắng ghi lại thông tin để cung cấp cho độc giả.
“Do bị sạt lở núi, giao thông bị chia cắt hoàn toàn, khoảng 3.000 người tại 2 xã Phước Lộc và Phước Thành của huyện Phước Sơn, bị cô lập từ ngày 28/10 đến nay. Tin vui là sáng 1/11, người dân ở hai xã này đã nhận được lương thực, thực phẩm tiếp tế từ chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn Không quân 372 và hơn 300 người dân ở xã Phước Kim cắt rừng, gùi hàng vào”, nhà báo Đoàn Hữu Trung cho biết.
Video chia sẻ cảm xúc của nhà báo Đoàn Hữu Trung do Truyền hình Thông tấn xã ghi lại: