‘Thần y’ Võ Hoàng Yên xin trả lại tiền, vợ chồng ông Dũng ‘lò vôi’ vẫn kiên quyết 'vạch trần sự thật'
Mặc dù đã nhận được thư xin trả lại tiền từ ông Võ Hoàng Yên, nhưng bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng - Dũng “lò vôi”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam) vẫn cho biết sẽ vạch trần sự thật về “thần y” này.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức ngày 7/3, bà Nguyễn Phương Hằng cho biết, bà đã nhận được thư của “thần y” Võ Hoàng Yên gửi xin trả lại tiền và tài sản đã nhận từ vợ chồng bà.
Theo đó, trong thư, ông Võ Hoàng Yên đã gửi lời cám ơn vợ chồng ông Dũng “lò vôi” đã hỗ trợ, giúp đỡ ông rất nhiều. "... trong những số tiền tiền mà anh chị đưa tặng tôi trong việc xã hội từ thiện, anh chị thấy không vừa ý khoảng nào hoặc phải trả lại hết cho anh chị thì lương y VÕ HOÀNG YÊN tôi đây xin hoàn trả lại toàn bộ bằng tiền mặt hoặc bằng Quyền sử dụng đất...", thư của ông Võ Hoàng Yên viết.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng cho biết: “Nếu vì số tiền đó thì tôi có thể thoả hiệp mọi cách để lấy lại, nhưng vấn đề ở đây không phải là tiền, mà tôi sẽ kiên quyết đưa vụ việc ra ánh sáng để người dân biết và thức tỉnh về bộ mặt thật của một tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp”.
Theo bà Hằng, tất cả những gì bà nói là sự thật và bà muốn mọi sự thật phải trả về đúng nghĩa. "Cuộc sống của những người nghèo khổ bệnh tật đã khốn khó, lại còn bị lừa dối, vì vậy tôi mới lên tiếng bệnh vực kẻ yếu và đòi lại công bằng cho họ. Mong sao mọi người sớm nhận ra chân tướng dối trá, lưu manh tri thức, mang tâm linh để trục lợi và làm tán gia bại sản bao người của “thần y” Võ Hoàng Yên", bà Hằng nói.
Trước đó, ngày 3/3, bà Nguyễn Phương Hằng đã gửi đơn đến Công an TP Hồ Chí Minh tố cáo lương y Võ Hoàng Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng. Trong tối cùng ngày, các nạn nhân khác cũng đã gặp mặt báo chí để cung cấp các thông tin và bằng chứng để “tố” ông Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
Tại cuộc gặp này, bà Nguyễn Phương Hằng cho biết, việc ông Võ Hoàng Yên chữa hết câm, điếc trong các video clip trên mạng xã hội đều là sản phẩm dàn dựng của ông Yên cùng hội nhóm của ông này.
Còn theo ông Huỳnh Uy Dũng, ông phát hiện ông Yên tuyên bố khám, chữa bệnh miễn phí, nhưng thực chất là bán phiếu, thu tiền khám chữa bệnh của người nghèo. Giá mỗi lần đăng kí khám và gặp ông Yên chữa bệnh là 1 triệu đồng và các mức chi phí khám chữa bệnh khác là 10 triệu đồng/lượt, 5-6 triệu đồng/lượt và 3-4 triệu đồng/lượt… Tất cả số tiền đăng kí khám chữa bệnh sẽ được chuyển vào các tài khoản của các học trò của ông Yên. Những học trò này có nhiệm vụ thu tiền và sắp xếp lịch cho ông Yên gặp các bệnh nhân ở các địa điểm khác nhau.
"Phiếu đã bán, tiền đã thu, vô chữa bệnh được hay không được thì cũng mất tiền mua phiếu mất rồi. Nếu ông Yên đúng chữa được như thế, tôi sẵn sàng cho 1.000 tỉ đồng để giúp ông chữa bệnh miễn phí cứu bá tánh", ông Dũng “lò vôi” nói.
Mặt khác, theo ông Dũng “lò vôi”, sau khi làm xong hội quán Hưng An Tự ở Bình Thuận, ông mới phát hiện ông Yên ăn chặn tiền vật tư xây dựng và tiền cứu trợ của đồng bào miền Trung. Chính vì vậy, vợ chồng ông mới làm đơn kiện ông Yên để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, trục lợi tiền từ thiện và lợi dụng việc khám chữa bệnh miễn phí để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tỉnh Hải Dương được ưu tiên số 1 để tiêm vaccine phòng COVID-19
Vì lượng vaccine phòng COVID-19 nhập về hạn chế nên trong đợt này chỉ có 13 tỉnh, thành phố có dịch được cấp vaccine, trong đó ưu tiên số 1 là tỉnh Hải Dương. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ngày 6/3.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt này, số lượng vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam rất hạn chế. Vì vậy, trong kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 đợt đầu, Bộ Y tế sẽ tập trung cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch, những người làm việc tại tất cả các cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19 để giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm cho những đối tượng này.
Theo kế hoạch, sáng 8/3, Hải Dương sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Riêng bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, có 7 đối tượng của bệnh viện được lựa chọn tiêm vaccine gồm: nhân viên y tế của khoa Nhiễm D; khoa Cấp cứu; khoa Khám bệnh; phòng Công tác xã hội; phòng Xét nghiệm sinh học phân tử; khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban Giám đốc bệnh viện. Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.
Sở dĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 đơn vị đầu tiên được lựa chọn tiêm vaccine phòng COVID-19 bởi nơi đây thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm cho người dân; do đó việc tổ chức tiêm vaccine tại đây rất phù hợp khi có đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, có các phác đồ chống sốc, cùng các trang thiết bị để hồi sức. Bên cạnh đó, từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là đơn vị nòng cốt trong việc tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng...
Trong đợt triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là tiến hành sàng lọc trước khi tiêm, nhất là đối với người lớn. Vì vậy, thời gian triển khai tiêm có thể kéo dài hơn. Việc sàng lọc sẽ được tiến hành tối giản và áp dụng trên phần mềm công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá: “Chắc chắn sẽ có những tai biến sau khi tiêm, nhưng chúng ta không vì lý do này mà làm chậm lại, lung lay niềm tin vào vaccine. Trên thế giới đã xuất hiện phong trào anti vaccine, nhưng thực thế lợi ích của vaccine COVID-19 rất rõ ràng, để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đến nay có thể khẳng định, 100% người được tiêm chủng vaccine nếu có mắc COVID-19 cũng sẽ biểu hiện nhẹ hơn và không tử vong. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ lợi ích của vaccine và những phản ứng không mong muốn, để có niềm tin vào vaccine”.
Đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 16 bị can, trong đó có ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan điều tra xác định chủ mưu trong vụ án là bị can Lê Tấn Hùng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã lợi dụng chức vụ, bị can Hùng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thủy (Kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng Nhân sự hành chính) bàn bạc, thống nhất với Trần Văn Trường (Giám đốc) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh (Kế toán trưởng Công ty cổ phần du lịch Thanh niên xung phong; Đoàn Quang Hồi (Giám đốc) và Nguyễn Thị Nguyên (Kế toán trưởng Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình quốc tế) lập 10 hồ sơ khống cho cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 nước để chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng.
Trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng "Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9" chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, bị can Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục và ký văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng, ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với tổng số tiền hơn 168 tỷ đồng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định, bị can Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biết việc chuyển nhượng "Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4 phường Phước Long B, Quận 9" phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng vẫn ký ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 chấp thuận chuyển nhượng dự án do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, thiếu các mục "tổng mức đầu tư ”, “nguồn vốn đầu tư", "tiến độ thực hiện dự án", gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến Quý I/2019 không đúng trình tự, thủ tục. Việc này tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đáng chú ý, Cơ quan điều tra kết luận, bị can Trần Vĩnh Tuyến phạm tội có một phần do nể nang bị can Lê Tấn Hùng là em trai của nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Made in Vietnam thứ 2-COVIVAC
Đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine "Made in Vietnam" thứ 2- COVIVAC cho biết bắt đầu từ sáng 5/3 sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện thử nghiệm trên 150 tình nguyện viên khỏe mạnh, từ 18-59 tuổi, cư trú tại Hà Nội.
Sau khi khám sàng lọc đủ điều kiện, mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 28 ngày. 150 người sẽ được chia thành 5 nhóm, trong đó 1 nhóm giả dược. Sau tiêm, ở lại theo dõi 24 giờ.
Mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2. Mỗi tình nguyện viên sau tiêm vaccine sẽ được khám sức khỏe 8 lần trong 12 tháng, lấy mẫu máu 7 lần để đánh giá tình trạng sức khoẻ và đo lượng kháng thể sau tiêm. Mỗi lần đến thăm khám, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 300.000 đồng hỗ trợ đi lại.
Riêng lần tiêm mũi 1 và 2, mỗi người sẽ nhận được lần lượt 1 triệu đồng và 500.000 đồng. Dự kiến sau khi giai đoạn 1 thực hiện được 43 ngày, nếu các kết quả đáp ứng tốt sẽ chuyển sang giai đoạn 2 với số lượng nghiên cứu 300 tình nguyện viên, thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC của IVAC trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận.
Vaccine COVIVAC là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi.
Sau 7 tháng nghiên cứu (từ tháng 5 đến tháng 12/2020), Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn, từ 50.000 - 100.000 liều mỗi lô. Giá dự kiến của loại vaccine này chỉ khoảng 60.000 đồng/liều.
Đề nghị truy tố tiếp viên hàng không làm lây lan dịch COVID-19
Ngày 2/3, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận Kết luận điều tra và các tài liệu liên quan của vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến bệnh nhân 1342.
Theo đó, Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố bị can Dương Tấn Hậu (sinh năm 1992, là nam tiếp viên hàng không) tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, theo điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo kết luận điều tra, ngày 14/11/2020, Dương Tấn Hậu cùng đoàn bay của VNA từ Nhật Bản về Việt Nam và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của VNA. Qua 2 lần xét nghiệm đều âm tính, Hậu được khu cách ly tập trung VNA cho về cách ly tại địa phương đến hết ngày 28/11/2020.
Tuy nhiên, quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung của VNA, Dương Tấn Hậu đã tiếp xúc trực tiếp ngoài phòng cách ly với hai người khác. Cụ thể, 8 giờ tối 17/11/2020, Hậu ra khỏi phòng và gặp hai tiếp viên hàng không là N.T.H, N.T.N tại hành lang khu cách ly. Hai người này đã bay trên chuyến bay nhập cảnh về VN từ ngày 11/11/2020 và có kết quả dương tính lần lượt vào các ngày 25, 26/11/2020.
Khi cách ly tại địa phương, Hậu tiếp tục vi phạm các quy định cách ly như: rời khỏi nhà trọ và cùng bạn là L.M.S (là giáo viên dạy tiếng Anh) đi ăn, đi uống cà phê; ngày 22/11/2020, Hậu còn tham gia thi tiếng Anh tại Trường đại học Hutech. Đến ngày 28/11/2020, Hậu có kết quả dương tính với COVID-19. Ngày 30/11/2020, L.M.S có kết quả dương tính với COVID-19, trở thành bệnh nhân số 1347.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định hành vi của Hậu đã gây thiệt hại về cả vật chất và phi vật chất. Theo xác định của Sở Y tế, việc Hậu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là 2,8 tỷ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2 của Dương Tấn Hậu. Về chi phí đã sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp do tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính liên quan trong vụ án, chính quyền các cấp xác định chi phí là hơn 1,6 tỷ đồng. Từ đó, Cơ quan điều tra xác định toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ này là hơn 4,475 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định vụ án còn có thiệt hại phi vật chất là việc cách ly đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà.
Ngoài ra, trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý cái sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện cách ly tại Khu cách ly tập trung của Hãng Hàng không VNA. Đồng thời, các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng tăng thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát người cách ly; nghiên cứu bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với người cố tình tiếp xúc với người bị cách ly.
Khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội đưa hối lộ
Ngày 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ" xảy ra tại Hà Nội; đồng thời khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) về tội "Đưa hối lộ" tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) còn quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Hữu Hòa (sinh năm 1984, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) về tội "Môi giới hối lộ" quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ", ngày 25/2/2021, đơn vị đã ban hành Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự "Môi giới hối lộ" xảy ra tại thành phố Hà Nội được quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã thi hành các quyết định tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Phan Văn Anh Vũ nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và hiện đang chấp hành nhiều bản án khác nhau, trong đó có các vụ án liên quan đến Ngân hàng Đông Á (DAB); vụ án làm lộ bí mật nhà nước; vụ án về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...