Thêm 6 ca mới mắc COVID-19 tại Hải Dương
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 4/3, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc mới (từ số 2483-2488) tại tỉnh Hải Dương.
Ba ca bệnh từ số 2483-2485 tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, trong khu vực phong tỏa từ ngày 2/3/2021. Hai ca bệnh số 2486 và 2488 tại xã Đại Đức, huyện Kim Thành, là F1 của bệnh nhân số 2480; đã được cách ly tập trung từ ngày 2/3/2021. Ca bệnh số 2487 tại xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, là F1 của bệnh nhân số 2481; đã được cách ly tập trung từ ngày 2/3/2021. Hiện cả 6 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 - Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 4/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.487 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.572 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, 87 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, đã có 22 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm các ca số 2146,1886, 2004, 1957, 1887, 1638, 1820, 1713, 1620, 1581, 2063, 2062, 2060, 2273, 2234, 1958, 2096, 1889, 2247, 1803, 1804, 1477. Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi 1.920 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng. Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 65 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 57 người âm tính lần hai và 137 người âm tính lần ba.
Cả nước hiện 51.572 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 533 người được cách ly tại bệnh viện; 13.776 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 37.263 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Xử lý triệt để chất thải tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thu gom, xử lý rác thải của tỉnh đã cơ bản xử lý triệt để những vấn đề liên quan đến rác thải, môi trường ở các khu vực cách ly, phong tỏa.
Trong quá trình phòng, chống dịch tại Hải Dương, việc tổ chức cách ly đã được thực hiện kịp thời. Lúc cao điểm, Hải Dương có 203 điểm cách ly tập trung, thực hiện cách ly đối với trên 16.000 người. Trong đó, riêng Chí Linh có 33 điểm. Tính đến ngày 1/3, toàn tỉnh còn 68 khu cách ly tập trung và đang thực hiện cách ly đối với 3.084 người.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản, bảo đảm môi trường trong các khu cách ly, khu vực phong tỏa là một trong những việc quan trọng góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tích cực vào cuộc cùng với các đơn vị thu gom, xử lý rác thải cơ bản xử lý triệt để vấn đề liên quan đến rác thải và môi trường ở khu vực cách ly, phong tỏa.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại hướng dẫn việc quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19. Sở thành lập tổ công tác thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa để có hướng dẫn kịp thời. Cùng với đó, Sở bàn giao 550 thùng chứa rác thải loại 240 lít tiếp nhận từ đơn vị tài trợ cho các địa phương, chốt phòng, chống dịch và bổ sung cho khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.
Hiện nay, huyện Kim Thành có 24 điểm cách ly tập trung. Trung bình mỗi ngày, một điểm cách ly phát sinh từ 70 - 150kg rác. Theo chị Lê Thị Dung, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, trong quá trình thu gom, quy trình khử khuẩn được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các chốt kiểm soát dịch và điểm cách ly tập trung. Thùng rác được khử khuẩn trước khi đưa vào khu cách ly. Thùng rác trong khu cách ly cũng được khử khuẩn trước khi mang ra ngoài.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường giám sát quá trình và kết thúc mỗi lần thu gom, có biên bản bàn giao khối lượng rác thải. Tại các xã xa khu trung tâm, cán bộ địa chính xã giám sát việc thu gom rác. Tại các khu phong tỏa, cách ly y tế, rác có nguồn lây nhiễm như bông, khẩu trang, giấy lau ... sẽ được buộc kín trong túi nilon và tập kết về trạm y tế xã trước khi xe chuyên dụng tới thu gom. Rác thải sinh hoạt vẫn thu gom theo cách thông thường.
Là một trong hai đơn vị thực hiện thu gom chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh đã thu gom, xử lý trên 311 tấn rác từ khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và bệnh viện dã chiến số 2, số 3. Lúc cao điểm, mỗi ngày, đơn vị xử lý gần 19 tấn chất thải. Công ty đang vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và Kim Thành.
Ông Trần Minh Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại môi trường xanh cho biết: Công ty đã bố trí 21 phương tiện vận chuyển chất thải chuyên dụng và 4 lò đốt chất thải công nghiệp (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) để phục vụ việc vận chuyển, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Cùng với đó, Công ty trang bị 1.000 thùng chứa chất thải loại 240 lít đặt tại các điểm cách ly. Sau khi vận chuyển về nhà máy, rác được xử lý bằng phương pháp đốt. Công suất lò đốt tại cơ sở 2 của nhà máy đạt 2.300kg/giờ. Về đến nhà máy, rác được ưu tiên xử lý ngay, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Trong quá trình thu gom, xử lý, cán bộ công nhân viên tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Công ty có quy trình vận hành an toàn để đảm bảo tất cả các công đoạn, phương tiện và trang thiết bị đều được khử khuẩn nghiêm ngặt. Tại huyện Cẩm Giàng, những ngày qua, ước tính, mỗi ngày, các điểm cách ly tập trung phát sinh từ 1-3 tấn chất thải nguy hại cần xử lý. Theo ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng, việc thu gom, xử lý chất thải ở các khu cách ly tập trung đảm bảo đúng theo quy định của ngành Y tế, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
“Chúng tôi cử chuyên viên theo dõi, giám sát công việc này hàng ngày, đảm bảo rác thải của ngày nào được xử lý thu gom, vận chuyển triệt để trong ngày hôm đó, không để tồn đọng sang ngày hôm sau”, ông Nghĩa khẳng định.
Tại thị xã Kinh Môn, ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, rác thải nguy hại tại các khu cách ly tập trung được xử lý theo quy định. Với rác thải sinh hoạt thông thường, các tổ, đội thu gom rác trong khu dân cư tiếp tục thu gom theo đúng hướng dẫn đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có kịch bản, giải pháp ứng phó với tình hình cụ thể của từng địa phương để xử lý vấn đề làm sạch môi trường. Đối với các khu cách ly tập trung, khi hết nhiệm vụ cách ly sẽ được làm sạch môi trường trước khi những cơ sở này trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, các trang thiết bị phòng dịch được tập hợp lại, vệ sinh sạch sẽ, đóng gói để sử dụng khi cần thiết.
Đến nay, mặc dù tỉnh Hải Dương đã kết thúc cách ly xã hội toàn tỉnh nhưng ở một số nơi đang trong giai đoạn “phong tỏa trong giãn cách”. Do đó, việc đảm bảo vệ sinh môi trường nói chung, trong đó có các khu cách ly tập trung và phong tỏa vẫn cần được duy trì nghiêm ngặt.
Đưa hơn 390 công dân từ Myanmar về Việt Nam
Ngày 4/3, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Myanmar thực hiện hai chuyến bay chở hơn 390 công dân từ Myanmar về Việt Nam. Hành khách trên chuyến bay gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.
Trong bối cảnh gần đây tại Myanmar và tình trạng dịch COVID-19 phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã theo dõi sát tình hình, giữ liên hệ chặt chẽ với các công dân, đưa ra những hướng dẫn cụ thể để công dân tới sân bay an toàn và đúng giờ. Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã cử cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi các máy bay cất cánh.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt các chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia các chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định. Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.
Khởi tố thêm ba bị can trong vụ án tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn
Cơ quan cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố ba bị can trong Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Trong đó, hai bị can: Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị can Nguyễn Thị Thanh An (sinh năm 1967, nguyên kiểm soát viên Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Các quyết định khởi tố bị can này đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 5) phê chuẩn theo thẩm quyền.
Ngày 4/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định tố tụng nêu trên theo quy định của pháp luật. Theo xác minh ban đầu, hai bị can: Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương đã tham mưu đề xuất không đúng quy định dẫn đến việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định cho phép chuyển nhượng dự án Phước Long B (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) giữa Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Tổng Công ty cổ phần Phong Phú trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 700 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Thanh An là kiểm soát viên, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định, dẫn đến việc các bị can chuyển nhượng dự án trên trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vụ án về sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố ngày 5/7/2019.
Trước đó, đã có 13 bị can bị khởi tố trong vụ án này về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”. Cùng với 3 bị can vừa bị khởi tố, đến nay, tổng số đã có 16 bị can bị khởi tố trong vụ án này.