Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen thanh niên cứu cháu bé rơi từ tầng cao
Ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh (sinh năm 1990, trú tại xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) vì đã có hành động dũng cảm, kịp thời cứu được tính mạng bé gái 3 tuổi.
Trong thư khen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết:
“Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 28 tháng 2 năm 2021, em Nguyễn Ngọc Mạnh đã nhanh trí, dũng cảm và kịp thời cứu được cháu bé bị ngã từ tầng 12, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quân Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Tôi đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương biểu dương, khen thưởng em Nguyễn Ngọc Mạnh để ngày càng có nhiều những tấm gương về nghĩa cử cao đẹp, lòng tốt và tinh thần nhân ái tỏa lan tỏa rộng khắp trong xã hội chúng ta”.
Cũng trong ngày 1/3, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh vì đã có hành động dũng cảm cứu sống em bé rơi từ tầng 13 chung cư. Đồng thời, Thành đoàn Hà Nội cũng biểu dương và phát động phong trào “Người tốt - Việc tốt” trong thanh niên với mong muốn hành động đẹp của anh được lan tỏa trong xã hội.
Chiều 1/3/2021, đoàn công tác của Thành ủy - HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hà Nội đã đến thăm, biểu dương và trao tặng Thư khen của Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các hình thức khen thưởng khác.
Trước đó, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 28/2, cháu N.P.H (sinh năm 2018) ở tầng 13 tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng bò từ trong nhà, leo qua lan can ban công rồi rơi xuống. Rất may mắn, anh Nguyễn Ngọc Mạnh phát hiện đã kịp thời leo lên mái nhà ở tầng 1 đỡ cháu, tránh được hậu quả đáng tiếc. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết: Hiện bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, quấy khóc. Bệnh nhi không có dấu hiệu khó thở, tình trạng huyết động ổn định; kết quả siêu âm, chụp X-Quang vùng ổ bụng, lồng ngực cùng các xét nghiệm cận lâm sàng chưa thấy dấu hiệu bất thường. Kết quả chụp X-Quang cho thấy, bệnh nhi bị trật khớp háng bên phải, các bác sỹ khoa Chỉnh hình Nhi đã nắn chỉnh và đặt máng bột cố định tạm thời cho bé.
Học sinh TP Hồ Chí Minh trở lại trường học sau thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19
Sau thời gian nghỉ học tập trung để phòng dịch COVID-19, ngày 1/3, học sinh các trường mầm non, phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại trường, tiếp tục chương trình theo kế hoạch năm học.
Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch, các biện pháp phòng dịch tại các trường được thực hiện nghiêm túc, từ khâu vệ sinh khử khuẩn trường học, bố trí nước rửa tay, đo nhiệt độ đến hướng dẫn học sinh khai báo y tế được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ 22/2 đến nay, Sở tăng cường rà soát, nắm tình hình cơ sở để hướng dẫn các đơn vị thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COIVD-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các trường đã chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Có kinh nghiệm từ năm học trước và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên các trường đều xây dựng kế hoạch phòng dịch tốt, giáo viên có sự chủ động trước các tình huống có thể xảy ra, tuy nhiên ngành giáo dục thành phố cũng quán triệt không chủ quan trước dịch. Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đảm bảo triển khai tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học.
Trong sáng 1/3, do học sinh đi học trở lại, một số tuyến đường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.
Hà Nội cho mở lại quán ăn, quán cà phê bán trong nhà
Chiều 1/3, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội họp trực tuyến phiên thứ 95 với các quận, huyện.
Trước những diễn biến tích cực của việc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Chử Xuân Dũng chỉ đạo: Kể từ 0 giờ ngày 2/3, cho phép các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà được mở cửa trở lại, với điều kiện bảo đảm giãn cách 1m giữa người với người, hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, tuy nhiên vẫn khuyến khích bán mang về.
Riêng vũ trường, quán bar, karaoke, game, internet, quán ăn bán ngoài vỉa hè, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống phải sử dụng phần mềm khai báo QR CODE; thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP về phòng chống dịch.
Chiều 1/3, Việt Nam có thêm 13 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 5 ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 1/3, Việt Nam ghi nhận thêm 13 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 5 ca nhập cảnh đã được cách ly ngay. Trong đó, tỉnh Hải Dương ghi nhận 8 ca bệnh (các ca lấy mẫu ngày 28/2/2021), gồm 6 ca tại thành phố Chí Linh (BN2449- BN2454) là các F1 đã được cách ly tập trung từ ngày 28/1/2021; 1 ca tại huyện Kinh Môn (BN2455) là F1 của BN2248 đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2/2021; 1 ca tại huyện Kim Thành (BN2460), là F1 của BN2436 BN2437, đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2/2021.
Hiện cả 8 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 tại Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.
5 ca bệnh mới ghi nhận được cách ly ngay sau nhập cảnh đường bộ vào tỉnh Kiên Giang, gồm BN2456-2459, BN2461 từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ngày 25-26/2/2021, tất cả đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang, kết quả xét nghiệm ngày 28/2/2021, các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 1/3, Việt Nam có tổng cộng 1.550 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 857 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 60.693 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 560 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.298 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 47.835 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), ngày 1/3 có thêm 16 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 216 ca.
Trục xuất 11 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Bình Dương
Ngày 1/3, sau khi cách ly lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đều âm tính, Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã bàn giao 11 người nước ngoài nhập cảnh trái phép cho Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn để trục xuất họ trở về nước sở tại.
Trước đó, ngày 8/2, Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã phát hiện 13 người nước ngoài đi xe khách nhập cảnh trái phép vào phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An.
Qua kiểm tra hành chính, 13 người nước ngoài đều không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp. Những người này sau đó được đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực An Bình để cách ly, kiểm tra sức khỏe để phòng COVID-19.
Điều đáng quan tâm, trong thời gian còn cách ly theo quy định, đã xảy ra vụ việc 2 người nước ngoài nhập cảnh trái phép cố tình trốn khỏi khu vực cách ly tại Phòng khám Đa khoa khu vực An Bình. Hiện cả hai đối tượng bỏ trốn đến nay cơ quan chức năng chưa tìm thấy họ.
Còn 11 người sau khi hoàn thành cách ly đúng 14 ngày, đồng thời qua xét nghiệm SARS-CoV-2 đều có kết quả âm tính. Theo đó, cơ quan chức năng Bình Dương trục xuất tất cả những người nhập cảnh trái phép đưa về nước bạn.
Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Huế
Ngày 1/3, lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Trí Quý (sinh năm 1979, ở phường Vỹ Dạ, thành phố Huế), nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Huế, để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” làm thất thoát hàng tỷ đồng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất không đúng đối tượng xảy ra tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế từ năm 2015. Quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Liên quan đến vụ án này, năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bắt tạm giam 6 bị can khác.
Trước đó, năm 2015, Ủy ban nhân dân phường Thủy Xuân, thành phố Huế nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (sinh năm 1934, trú tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) tại hai thửa đất số 51 và 52, tờ bản đồ số 12 (địa chỉ Tổ 19, khu vực 5, phường Thủy Xuân, thành phố Huế) với diện tích lần lượt là 2.259,1 m2 và 1.613,3 m2; loại đất ở tại đô thị, không thu tiền sử dụng đất.
Trên thực tế, bà Cẩn không có nhà ở, không trực tiếp sử dụng đất trên thửa số 51 và 52 tính từ năm 1968 đến nay, không nộp thuế, không kê khai đăng ký qua các lần đo đạc, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương và không làm ăn sinh sống tại địa phương.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 1, Điều 21 Nghị định 43/CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, việc cấp Giấy chứng nhận cho bà Cẩn là không đủ điều kiện và không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhóm các đối tượng nêu trên sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Cẩn đã không xác minh, thẩm định độ chính xác, tính pháp lý; chưa làm đầy đủ, hết trách nhiệm của mình đã duyệt hồ sơ và trình lên Ủy ban nhân dân thành phố Huế ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Cẩn tại hai thửa đất nói trên.
Sự thiếu trách nhiệm trong công tác của nhóm đối tượng trên đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước bước đầu xác định gần 4 tỷ đồng.