Tin nổi bật ngày 30/3

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 30/3 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội gồm: Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19; tuyên phạt nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch COVID-19 hai năm tù treo; cháy nhà ở TP Thủ Đức làm 6 người chết.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, chiều 30/3, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Tờ trình Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Cụ thể, 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,79% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó 454 đại biểu tán thành (bằng 94,58% tổng số đại biểu Quốc hội).

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 55 điều; quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Trước đó, việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (Chương III) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận. Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Cụ thể, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cơ bản được thực hiện theo pháp luật về dược. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Điều 15 quy định nguyên tắc dẫn chiếu pháp luật về dược; các Điều 17, 18, 20 và 21 chỉ quy định những hoạt động, nội dung mà Luật Dược chưa điều chỉnh.

Liên quan đến việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp duy nhất hiện nay giúp xác định một người có sử dụng ma túy hay không để có biện pháp quản lý phù hợp. Việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện theo quy trình chuyên môn và được chỉ định phù hợp với đối tượng được xét nghiệm, loại chất ma túy được xét nghiệm. Trường hợp đối tượng có nhân thân tốt, tuân thủ quá trình theo dõi quản lý sẽ khác với đối tượng có tiền sử phức tạp, nguy cơ cao. Ngoài ra, việc xét nghiệm chất ma túy mới, ma túy tổng hợp sẽ mất thời gian, số lần xét nghiệm có thể nhiều hơn so với các loại ma túy thông thường. Do đó, nếu quy định cứng số lần xét nghiệm trong luật sẽ không bảo đảm tính khả thi, có trường hợp có thể bị lạm dụng nhưng có trường hợp sẽ không đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.

Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19 ngày 30/3

Tính đến 18 giờ ngày 30/3, Việt Nam có 1 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Trong ngày, có 51 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng đưa các trường hợp có tiếp xúc và liên quan đến các bệnh nhân nghi lây nhiễm COVID-19 đến khu vực cách ly. Ảnh: TTXVN.

Như vậy, đến 18 giờ ngày 30/3, Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 46.454 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 506 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 19.379 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 26.569 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong ngày 30/3, có 51 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Đó là các bệnh nhân: BN2529-BN2296-BN2422-BN1829-BN2481-BN2551-BN2540-BN2434-BN2455-BN2292-BN2248-BN2430-BN2379-BN1686-BN2409-BN2160-BN2184-BN2222-BN2471-BN2405-BN1755-BN2377-BN2090-BN2193-BN1932-BN2370-BN2447-BN2237-BN1906-BN2152-BN2082-BN2163-BN2361-BN2056-BN2181-BN2499-BN2393-BN2179-BN1949-BN2381-BN2488-BN1536-BN2482-BN2489-BN2256-BN2102-BN2487-BN2253-BN1612-BN1859-BN1997.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 70 ca.

Theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tổng số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 8/3 đến nay là 46.416 người. Đây là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố...

Tuyên phạt nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch COVID-19 hai năm tù treo

Ngày 30/3, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Dương Tấn Hậu (sinh năm 1992, là nam tiếp viên hàng không) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Hậu là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của cộng đồng và xã hội, cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục và răn đe, phòng ngừa chung. Hội đồng xét xử cũng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo... nên quyết định cho bị cáo Hậu được hưởng án treo như trên.

Nói lời sau cùng, bị cáo Hậu gửi lời xin lỗi tới các bệnh nhân 1347, 1349 và cộng đồng. Bị cáo đã tham gia nhiều chuyến bay giải cứu công dân và không ngờ bản thân lại trở thành nạn nhân của COVID-19.

Cáo trạng xác định, toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ này là hơn 4,475 tỷ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2 của Dương Tấn Hậu, chi phí đã sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp. Ngoài ra, việc cách ly đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà.

Cháy nhà ở TP Thủ Đức làm 6 người chết

Đến hơn 7 giờ sáng ngày 30/3, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh vẫn đang phong toả hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hoả hoạn nghiêm trọng làm 6 người chết.

Thông tin ban đầu, khoảng 1 giờ sáng cùng ngày, khói lửa bất ngờ bùng phát tại căn nhà nằm trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Nhiều người tiếp cận hiện trường dập lửa và nhanh chóng báo cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, lực lượng PCCC TP Thủ Đức điều xe nước cùng nhiều chiến sĩ tiếp cận hiện trường triển khai dập tắt ngọn lửa ngay sau đó. Khi cảnh sát vào kiểm tra hiện trường thì phát hiện có 6 người chết bên trong, gồm 4 người lớn và 2 trẻ em. Tại hiện trường, căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 60m2 gồm 5 xe gắn máy và một số vật dụng sinh hoạt đã bị cháy hoàn toàn.

Ngay trong đêm, lực lượng công an TP Thủ Đức và TP Hồ Chí Minh có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Danh sách các nạn nhân trong vụ cháy gồm: Bùi Thị Loan (SN 1969), Lục Kiến Anh (SN 1994), Lục Tuyết Trinh (SN 1996), Bùi Thuý An (SN 1997), Lục Kiến Nghi (SN 2014) và một bé sơ sinh 2 tháng tuổi.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 29/3
Tin nổi bật ngày 29/3

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 29/3 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận gồm: Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11; thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia; Việt Nam có thêm 3 ca mắc COVID-19 đều là ca nhập cảnh; thu ngân sách nhà nước quý I đạt trên 400.000 tỷ đồng; clip "chôn sống" nam thanh niên: Thật hay dàn dựng cũng phải xử nghiêm!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN