Tin nổi bật ngày 29/3

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 29/3 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận gồm: Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11; thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia; Việt Nam có thêm 3 ca mắc COVID-19 đều là ca nhập cảnh; thu ngân sách nhà nước quý I đạt trên 400.000 tỷ đồng; clip "chôn sống" nam thanh niên: Thật hay dàn dựng cũng phải xử nghiêm!

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11

Ngày 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Phát biểu bế mạc phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm cao về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ. Các ý kiến phát biểu thống nhất, báo cáo của Chủ tịch nước, báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh đó, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những thành tựu, dấu ấn nổi bật của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong bối cảnh cả thế giới, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức lớn, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, giám sát của Quốc hội, với sự tín nhiệm, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, Chủ tịch nước đã thực hiện có hiệu quả kinh nghiệm và quyền hạn trong hoạt động đối nội, đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi tham nhũng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới sáng tạo, thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên cho việc triển khai các đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo; tạo nhiều việc làm mới.

Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Chính phủ tập trung tháo gỡ từng bước các điểm nghẽn, ách tắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực; nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời, Chính phủ đã quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa hiệu quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ hơn một số vấn đề tồn tại, hạn chế như một số hồ sơ dự án, dự thảo trình Quốc hội chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu đặt ra, chưa có sự đồng thuận cao. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải nhiều lần điều chỉnh. Một số văn bản pháp luật về đầu tư, kinh doanh thiếu tính ổn định. Một số dự án luật trình Quốc hội công tác tổ chức thi hành pháp luật bất cập; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm. Việc lập, hoàn thiện các quy hoạch quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ; chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ còn chậm; bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp còn hạn chế...

Các ý kiến phát biểu cũng kiến nghị một số nội dung, đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Cụ thể như, lãnh đạo, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để sớm trình Quốc hội; triển khai hiệu quả chiến lược pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn phải hoàn thiện cơ chế và tăng cường kiểm soát quyền lực, hiệu quả; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...

Thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng.

Ba Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh.

Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 53 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, trong đó, Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu; rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ; hằng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ); tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của Bộ luật Lao động.

Thêm 3 ca mắc COVID-19, đều là ca nhập cảnh

Cụ thể, tính từ 6-18 giờ ngày 29/3, Việt Nam có thêm 3 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Ba ca mắc mới ngày hôm nay (BN2592-2594) là các ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Tây Ninh (2 ca) và TP Hồ Chí Minh (1 ca). Như vậy, tính đến 18h ngày 29/3, Việt Nam có 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.

Cũng thông tin từ Bộ Y tế, đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 44.833. Trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 483 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 18.412 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 25.938 người.

Thu ngân sách nhà nước quý I đạt trên 400 nghìn tỷ đồng

Chú thích ảnh
Người dân nộp tiền vào ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh thành phố Cần Thơ. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN.

Ngày 29/3, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước quý I đạt 403,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, thu nội địa đạt 30% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ dầu thô đạt 34,6% dự toán, giảm gần 50%; cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30,8% dự toán, tăng 9,7%.

Có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt tiến độ tích cực (trên 25% dự toán), như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 28,2% dự toán, tăng 5%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,5% dự toán, tăng 8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 35,2% dự toán, tăng 22,4%; các khoản thu về nhà, đất đạt 32,3% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020...

Bộ Tài chính cho biết, ước tính cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%); trong đó, 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán; 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ. Kết quả này cho thấy, đà phục hồi khả quan và khá đồng đều của nền kinh tế, cũng như hiệu quả của các chính sách đã thực hiện trong phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19.

Về chi ngân sách nhà nước, quý I đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Clip ‘chôn sống’ nam thanh niên: Thật hay dàn dựng cũng phải xử nghiêm!

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Hà Nội cho biết: “Việc nam thanh niên 17 tuổi vừa bị nhóm thanh niên trói tay, đem đi "chôn sống" khiến cộng đồng mạng hoang mang về hành vi bắt giữ, đe dọa người. Hành vi của nhóm đối tượng trên sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật”.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, 13 người liên quan đến đoạn video clip "chôn sống" nam thanh niên dưới hố cát đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi bắt giữ người. Cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai, củng cố hồ sơ về hành vi làm nhục người khác và một số tội danh liên quan đến vụ án.

Bước đầu, theo lời khai của nhóm nghi phạm, N.Q.V (17 tuổi, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - người bị "chôn sống" từng thuê xe máy của một người trong nhóm thanh niên này để mang cầm đồ, lấy tiền tiêu pha. Bố mẹ V bất lực nên nhờ một người trong nhóm nghi phạm răn đe V. Ngày 25/3, nhóm thanh niên đã giữ V, bắt nạn nhân cởi áo, trùm đầu để "chôn sống" dưới hố cát như trong video đăng tải tràn lan trên mạng Facebook.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hường (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội), hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể và quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Trong vụ án này, các đối tượng đã lên kế hoạch bắt giữ nạn nhân đưa đến địa điểm định trước, tại đó đã sử dụng vũ lực trói tay, trùm đầu, "chôn sống" dưới hố cát như thời Trung cổ nhằm bắt nạn nhân trả nợ. Xét hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 157 và Điều 168 Bộ Luật hình sự - BLHS.

Đối với tội “Cướp tài sản”, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền các đối tượng bắt nạn nhân trả nợ để làm căn cứ xử lý tương ứng theo định khung quy định tại Điều 168 BLHS. Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các đối tượng cùng thống nhất tham gia bắt giữ và dùng vũ lực bắt nạn nhân trả nợ nên phải chịu chung về hành vi phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản. Tội “Cướp tài sản” là loại tội có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Luật sư phân tích thêm: Những hình ảnh hành hạ người khác bị phát tán lên mạng, nếu nhằm đe doạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, là dấu hiệu của tội "Làm nhục" người khác. Người phạm tội này có thể bị phạt tiền tối đa 30 triệu đồng hoặc phạt tù đến 5 năm. Trường hợp nạn nhân mang thương tích, nhóm người gây ra hậu quả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích". Nếu cơ quan công an có căn cứ xác định nhóm người đã sử dụng vũ lực, đe dọa giết người vì mục đích nào đó, thì những người liên quan sẽ bị xử lý hình sự về tội "Đe dọa giết người".

Video được đăng tải, chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Phần lớn những bình luận trên Faebook đều lên án hành vi của nhóm người tra tấn nam thanh niên này.

"Tùy vào hậu quả xảy ra, nhóm người dàn dựng kịch bản trên có thể bị phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng, theo Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Nếu hành vi nêu trên gây ra hậu quả, ví dụ gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, gây dư luận xấu, xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…gây hoang mang trong nhân dân hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên - có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông", luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 27/3
Tin nổi bật ngày 27/3

Xăng RON95 tiếp tục tăng thêm 165 đồng/lít từ chiều 27/3; đã xác định được danh tính, nơi ở của nạn nhân trong vụ video nam thanh niên bị chôn sống; Bí thư Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo làm rõ hoạt động mê tín dị đoan của Câu lạc bộ Tình người; không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh COVID-19… là những tin nổi bật trong ngày 27/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN