Tin nổi bật ngày 25/3

Ngày 25/3, thêm 3 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 ca tại Hải Dương; Đồng loạt khám xét 16 điểm kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa điểm tại khu vực phía Nam; Cứu sống bệnh nhi suy gan tối cấp trên nền bệnh hiếm bằng phương pháp lọc máu; Tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3… là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm trong ngày 25/3.

Thêm 2 ca mắc mới COVID-19 tại Hải Dương

Tính đến 18 giờ ngày 25/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca tại Hải Dương. Ca bệnh 2577 (BN2577) ghi nhận tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương là nữ, 31 tuổi, là F1 của BN2469. Ca bệnh 2578 (BN2578) ghi nhận tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương là nữ, 3 tuổi, là F1 của BN2469, là con của BN2577. Cả 2 bệnh nhân đã được cách ly tập trung từ ngày 28/2/2021.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: LP

Ngày 21/3/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm ngày 25/3/2021 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện cả 2 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 - Bệnh viện Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.

Ca bệnh 2579 (BN2579) là nữ, 44 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường 4, quận 11, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Bệnh nhân từ Hoa Kỳ quá cảnh Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22/3/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 24/3/2021 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Tính đến 18 giờ ngày 25/3, Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 36.480 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 485 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.343 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 17.652 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 120 ca. Chiều 25/3, đại diện Bộ Y tế cho biết: Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ca nghi mắc COVID-19 tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã có kết quả khẳng định xét nghiệm âm tính với virus SASR-CoV-2.

Trước đó, tại huyện Thanh Oai đã có trường hợp một bệnh nhân nữ có biểu hiện tức ngực nhập viện và được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Mẫu xét nghiệm của bệnh nhân đã cho kết quả nghi ngờ và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để làm xét nghiệm khẳng định và đã cho kết quả âm tính.

Đồng loạt khám xét 16 điểm kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa điểm

Sáng 25/3, mở rộng chuyên án sản xuất, mua bán xăng giả, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Bình Phước khám xét nhiều cây xăng trên địa bàn hai địa phương này. Theo đó, lực lượng Công an đã khám xét 16 điểm kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu khí Thanh Bình (Công ty Thanh Bình), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xăng dầu Tài Lộc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại sản xuất Quốc Khánh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước.

Công ty Thanh Bình có trụ sở tại 679 Nguyễn Kiệm, Phường 3, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh; trụ sở đăng ký của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xăng dầu Tài Lộc tại địa chỉ  29/4, đường Hà Huy Giáp khu phố 1, phường Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (nhưng đã trả mặt bằng). Công an khám xét trạm dừng chân tại Bình Phước thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại sản xuất Quốc Khánh ở thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng. Qua khám xét, lực lượng Công an thu giữ nhiều tài liệu, hóa đơn, chứng từ liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu. Toàn bộ tài liệu đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra.

Lực lượng Công an đã lấy mẫu xăng tại các điểm kinh doanh xăng dầu để kiểm nghiệm chất lượng. Trao đổi với phóng viên một lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, vụ án đang điều tra mở rộng.  

Trước đó, vào đêm 6/2/2021, Công an Đồng Nai đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đồng loạt khám xét khẩn cấp nơi ở, kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc của các nghi can ở nhiều tỉnh, thành. Lực lượng chức năng bắt quả tang nghi can khi đang vận chuyển, mua bán, “sang mạn” tàu để pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.  

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát cơ động phong tỏa cây xăng. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam 40 đối tượng trong chuyên án để điều tra về các hành vi "buôn lậu", "sản xuất, buôn bán hàng giả", "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", "nhận hối lộ", "đưa hối lộ". Tang vật thu giữ gồm: Gần 2,7 triệu lít xăng giả, hai tàu biển trọng tải 1.500 tấn, 4 sà lan trọng tải từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 4 thùng hóa chất tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng.

Chỉ tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt giữ, đường dây này đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả, xăng kém chất lượng.

Cứu sống bệnh nhi suy gan tối cấp trên nền bệnh hiếm bằng phương pháp lọc máu

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 25/3 cho biết, bé trai bị suy gan tối cấp trên nền bệnh hiếm vừa được các bác sĩ kịp thời cứu sống cháu bằng phương pháp lọc máu (thay thế huyết tương). Bé trai L.T.V (12 tuổi, ở Cao Bằng) được phát hiện men gan tăng từ hơn một năm trước. Tuy nhiên, gia đình không theo dõi và điều trị thường xuyên.

Trước khi vào viện 3 ngày, trẻ đột nhiên có dấu hiệu vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 12/3, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nguy kịch.

Sau khi hội chẩn liên khoa khẩn cấp, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Gan mật và Điều trị tích cực đã thống nhất chẩn đoán bệnh nhi có tình trạng suy gan tối cấp trên nền bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng) nhưng không được chẩn đoán trước đó và điều trị thích hợp. Đây là căn bệnh di truyền rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/30000 đến 1/50000 trẻ sinh sống. Rối loạn chuyển hóa đồng trong cơ thể khiến đồng bị ứ đọng, tích tụ trong gan và các tổ chức cơ quan khác, gây tổn thương đa cơ quan với nhiều kiểu hình đa dạng. Trong đó, thể suy gan tối cấp kèm theo tan máu như bệnh nhân này có tiên lượng nặng nề, nguy cơ tử vong trên 95% nếu không được ghép gan điều trị kịp thời. Tuy nhiên, Wilson là bệnh chuyển hóa di truyền, việc lựa chọn người hiến gan cần được tiến hành rất chặt chẽ nhằm lựa chọn các mô hiến phù hợp từ những người trong gia đình không mang bệnh như bệnh nhân.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, các bác sĩ đã quyết định lựa chọn phương pháp thay thế huyết tương (Therapeutic Plasma Exchange - TPE) trong giai đoạn cấp cứu với mục đích loại bỏ bớt các chất độc trong máu do gan suy nên không chuyển hóa được. Đây là phương pháp cấp cứu cần được tiến hành nhanh chóng nhằm tránh tình trạng tổn thương não và các cơ quan khác trở nên nặng nề hơn do suy gan cấp mất bù, trong khi chờ sự phục hồi của gan. Ngoài ra, nếu gan không thể phục hồi, TPE cũng là giai đoạn điều trị bắc cầu tối ưu để chuẩn bị kế hoạch ghép gan cho bệnh nhân.

 “Rất may mắn, sau 5 ngày lọc thay thế huyết tương, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tình trạng huyết tán giảm dần, chức năng gan cải thiện, toàn trạng trẻ ổn định. Mừng nhất là bệnh nhi thoát khỏi tình trạng hôn mê gan và không phải ghép gan”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Ngày 19/3, bệnh nhi được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.  Các bác sĩ khuyến cáo, Wilson là bệnh lý di truyền nên trẻ vẫn phải dùng thuốc điều trị bệnh, theo dõi ngoại trú và tái khám định kỳ để tầm soát biến chứng. Theo bác sĩ Anh Hoa, không chỉ ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân Wilson suy gan tối cấp được cứu sống không cần tới phẫu thuật ghép gan trên thế giới cũng rất ít.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đây là bệnh nhân Wilson suy gan tối cấp thứ 3 được cứu sống bằng phương pháp thay huyết tương và không cần tới ghép gan điều trị. Hiện nay, Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi và điều trị cho hơn 150 bệnh nhân Wilson tới từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. “Nhiều bệnh nhân đã ổn định sau điều trị và có cuộc sống bình thường.

Một số trường hợp đã tốt nghiệp đại học, đi làm hoặc đang theo học các chương trình sau đại học. Song rất tiếc vẫn còn nhiều bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán muộn khi đã có những biến chứng nặng nề. Việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm cho các bệnh nhân Wilson sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị tất cả các thể bệnh, hạn chế biến chứng và tỷ lệ tử vong”, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết.

Tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3

Ngày 25/3, tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu triển khai tìm kiếm 11 thi thể nạn nhân vụ sạt lở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 ở bãi bồi thứ nhất trên suối Rào Trăng, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 300m về xuôi.

Chú thích ảnh
Triển khai tìm kiếm các nạn nhân Thuỷ điện Rào Trăng 3 tại bãi bồi thứ nhất. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ chỉ đạo trực tiếp công tác tìm kiếm tại hiện trường. Lực lượng tham gia tìm kiếm gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Khu vực bãi bồi thứ nhất có chiều dài 100 m, rộng 50m, nằm bên phía trái suối Rào Trăng tính từ phía thượng nguồn đổ về.

Tại hiện trường, hai máy múc được huy động hoạt động hết công suất để múc nắn dòng, sau đó thực hiện việc đào bới lần lượt trên khu vực bãi bồi. Tại vũng nước sâu bên cạnh bãi bồi, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế sử dụng máy camera dò dưới nước để phát hiện thi thể hoặc những vật thể nghi ngờ. Trong quá trình đào múc trên bãi bồi thứ nhất, lực lượng tìm kiếm phát hiện xác xe máy, xác các loại máy móc bị nước lũ cuốn trôi tấp về bãi.

Hiện nay, quá trình tìm kiếm ở bãi bồi được tính toán phù hợp với thời điểm Nhà máy A Lin B1, B2 ở phía thượng nguồn xả nước phát điện về hạ lưu. Lịch xả nước của hai Nhà máy này vào buổi sáng từ 5 giờ - 8 giờ và buổi chiều từ 17 giờ - 20 giờ, với lưu lượng chảy về đến khu vực tìm kiếm là 10 m3/giây.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong buổi đầu tiên tìm kiếm, kết quả bước đầu khá thuận lợi, các máy múc đã tạo được con đập để nắn dòng chảy. Phương án đưa ra là tìm thật kỹ từng vị trí trên bãi bồi, tìm đến đâu chắc đến đó. Sau khi tìm kiếm trên bãi bồi, các lực lượng sẽ tìm kiếm tại vũng nước sâu. Thời gian dự kiến tìm kiếm tại bãi bồi thứ nhất là khoảng 5 ngày.

V.T/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 24/3
Tin nổi bật ngày 24/3

COVAX Facility thông báo cung ứng chậm vaccine cho Việt Nam; Hà Nội dự kiến xây dựng 43 cụm công nghiệp; từ ngày 1/4 triển khai mẫu BHYT mới, các thẻ BHYT cũ vẫn có giá trị sử dụng đi khám chữa bệnh; thông tin mới nhất về sức khỏe của cầu thủ Hùng Dũng; Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT; chiều 24/3, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19... là những thông tin nổi bật trong ngày 24/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN