Tin nổi bật ngày 23/3

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 23/3 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội gồm: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước; đầu tháng 4/2021, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ; Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là ca nhập cảnh; hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động; 14 năm tù cho đối tượng lừa 'chạy trắng án' ma túy.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước

Sáng 23/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của thanh niên, khẳng định thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia: "Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước".

Ghi nhận những đóng góp của tổ chức Đoàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập, lãnh đạo, lại được rèn luyện qua nhiều thời kỳ đấu tranh cách mạng, đặc biệt là vào các thời điểm bước ngoặt khi vận nước lâm nguy, cả dân tộc phải đối diện với họa xâm lăng, hoặc vào thời khắc phải kịp chuyển mình đổi mới để tiếp tục phát triển đi lên, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã luôn kiên định bản lĩnh chính trị, giữ vững vai trò là đội quân xung kích cách mạng, luôn dấn thân vào những nơi gian khổ, dám đón lấy những nhiệm vụ khó khăn và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, cùng với cả dân tộc làm nên những chiến thắng lịch sử, giành trọn vẹn độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, lịch sử của dân tộc và của Đảng ta đã ghi dấu nhiều phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, như: "Cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh", "Tòng quân giết giặc lập công" trong kháng chiến chống thực dân Pháp; "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong" trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thông qua các hoạt động thực tiễn, tổ chức Đoàn và mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên đã không ngừng được xây dựng, củng cố, mở rộng. Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng được chú trọng. Đoàn tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đã có hàng triệu thanh niên tiên tiến được đứng vào hàng ngũ của Đoàn và hàng vạn đoàn viên thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Đội ngũ cán bộ Đoàn ngày càng trở thành nguồn cán bộ trẻ dồi dào của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp. Nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu trong học tập, lao động sản xuất, làm kinh tế, trong hoạt động văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang và niềm tự hào về thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

“Điều đó đòi hỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả phong trào hành động cách mạng, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

"Thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phải là những người đầu tiên, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới. Cần tiếp tục nêu cao tinh thần tình nguyện, chia sẻ cùng cộng đồng, chăm lo cho thiếu nhi; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đến với những người nghèo, người yếu thế...", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu.

Lưu ý tổ chức Đoàn cần chú ý xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về thể lực, trí tuệ, tâm hồn, có tình yêu lớn và trách nhiệm cao đối với gia đình, quê hương, đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Đoàn Thanh niên các cấp tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy vai trò quan trọng trong phát triển, bảo vệ bền vững đất nước.

Nhấn mạnh chăm lo cho thanh niên và công tác thanh niên là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện tốt công tác thanh niên; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để tổ chức Đoàn và thanh niên lao động, rèn luyện, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ nhiệt huyết, bản lĩnh, mẫu mực, có năng lực dẫn dắt, truyền cảm hứng.

Đầu tháng 4/2021, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ

Sáng 23/3, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo giới thiệu về chương trình Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian khoảng 5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021. Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).

Sau đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Theo chương trình dự kiến kỳ họp, ngày 31/3 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội; ngày 2/4 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước; ngày 5/4 Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời báo chí về chất lượng đại biểu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội cho biết: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có nhiều đại biểu Quốc hội bị đưa ra xem xét tư cách đại biểu, kể cả có những đại biểu giữ cương vị cao trong bộ máy nhà nước vi phạm đã bị đưa ra xem xét. “Rõ ràng việc đổi mới của Quốc hội có sự song hành của Chính phủ và sự cương quyết của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng. Trong số 494 đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV đều đủ tư cách, nhưng khi các đại biểu đã trúng cử, việc thẩm tra tư cách đại biểu đã phát hiện những đại biểu không còn đủ tư cách nên đã đưa ra khỏi Quốc hội”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đều phải trình theo trình tự thủ tục, ứng cử viên phải được Quốc hội xem xét. Về mặt nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình nhân sự Chủ tịch nước để Quốc hội bầu.

"Còn nhân sự Thủ tướng thì do Chủ tịch nước giới thiệu. Tất cả theo quy trình của Luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức Chính phủ”, ông Tuấn Anh cho hay.

Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là ca nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 23/3, Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho người sàng lọc virus SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Ca bệnh 2576 (BN2576): Nam, 25 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bệnh nhân từ Pháp nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 9/3/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 23/3/2021 bệnh  nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tính đến 18 giờ ngày 23/3, Việt Nam có tổng cộng 1601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.754 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 490 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.620 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.644 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 23/3 có thêm 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN2341-BN2553-BN2549-BN2485-BN2534-BN2439-BN2309-BN2254-BN1709-BN1695-BN2515-BN2424. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 137 ca.

Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động

Sau một thời gian dài điều chỉnh giảm lãi suất, mới đây hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) điều chỉnh tăng, thậm chí tăng mạnh thêm đến 0,9%/năm.

Tại Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm; với khách hàng thường trên 50 tuổi tăng từ 2,95%/năm lên 3,2%/năm. Tương tự, lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9 - 3,1%/năm lên 3,2 - 3,4%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng mạnh tới 0,6%, lên 4,4 - 4,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 4,1 - 4,3%/năm, lên 4,5 - 4,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5%/năm, lên 5,1 - 5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2 - 5,5%/năm đối với khách ưu tiên.

Biểu suất huy động mới cho khách hàng cá nhân của VPBank cũng được điều chỉnh tăng từ ngày 2/3. Cụ thể, ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng là 3,5%/năm, tăng 0,2% so với tháng trước. Còn với khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,7%/năm, tức tăng 0,05 - 0,1% so với trước. Với kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 - 3,7%/năm, tăng 0,05 - 0,2% so với trước đó.

Tại ngân hàng Quân đội (MB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn. Theo đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của nhiều ngân hàng đều có sự điều chỉnh, trong đó phần lớn các ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn dài từ 18 – 36 tháng với lãi suất trên 7%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng: NCB, CBBank, NamABank, VietABank… đều áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm.

Riêng với nhóm ngân hàng lớn như Techcombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, mức trả lãi thấp hơn và xoay quanh mức từ 2,8 - 4%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

14 năm tù cho đối tượng lừa 'chạy trắng án' ma túy

Ngày 23/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 14 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1960, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vụ án bắt nguồn từ việc ngày 12/4/2018, Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1986, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) bị Công an quận Hà Đông (Hà Nội) bắt giữ về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Sau khi biết Tuấn bị bắt, bố đẻ Tuấn đã nhờ người giới thiệu và biết đến Nguyễn Thị Hồng có khả năng “chạy” cho Tuấn được tại ngoại và không bị xử lý hình sự.

Tuy không có việc làm ổn định, Hồng vẫn tự giới thiệu với gia đình Tuấn rằng mình là cán bộ công tác ở cơ quan của Trung ương, có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo cấp cao. Hồng hứa hẹn trong thời gian 1 tuần sẽ xin cho Phạm Anh Tuấn được trả tự do, không bị xử lý hình sự với tổng chi phí 1,5 tỷ đồng. Tin tưởng lời Hồng nói là thật, gia đình Tuấn đồng ý đưa tiền cho Hồng để “chạy trắng án” cho Tuấn.

Ngày 18/4/2018, bố của Tuấn đưa cho Hồng 800 triệu đồng để thực hiện việc “chạy án”. Năm ngày sau, Hồng nói với gia đình Tuấn là cần thêm tiền để lo việc cho Tuấn và gia đình Tuấn đã chuyển cho Hồng thêm 600 triệu đồng.

Ngày 28/5/2018 và ngày 5/6/2018, Nguyễn Thị Hồng tiếp tục yêu cầu gia đình Tuấn chuyển thêm tiền, gia đình Tuấn đã chuyển cho Hồng lần lượt số tiền là 17 triệu đồng và 20 triệu đồng.

Tổng số tiền gia đình Tuấn đã đưa cho Hồng là 1,437 tỷ đồng. Đến ngày 15/7/2018, thấy Tuấn vẫn chưa được thả tự do như Hồng hứa hẹn, gia đình Tuấn đã yêu cầu Hồng lập một bản cam đoan, hứa hẹn giúp cho Tuấn được tại ngoại và không bị xử lý hình sự. Thấy Hồng không thực hiện như đã cam kết, gia đình Tuấn đã nhiều lần yêu cầu Hồng trả tiền. Tuy nhiên, Hồng không trả và bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Gia đình Tuấn đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Sau đó, Nguyễn Thị Hồng bị cơ quan điều tra bắt giữ theo lệnh truy nã.

Ngày 14/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Phạm Anh Tuấn về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Trong quá trình điều tra vụ án, không có cá nhân, tổ chức nào tác động theo hướng có lợi cho bị can Phạm Anh Tuấn.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 22/3
Tin nổi bật ngày 22/3

Ngày 22/3, những thông tin được dư luận quan tâm là: Ông Tất Thành Cang bị đề nghị khai trừ Đảng; Kỷ luật 3 cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quản lý; Tìm ra tung tích người đỗ xe giữa ngã tư để ngủ và chống lại CSGT; 10 lãnh đạo, cán bộ GPBank hầu tòa; Ga ngầm Ba Son sẽ hoàn thành trước ngày 30/4; Quán bar, karaoke tại Hà Nội được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23/3; Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch 4 quận trung tâm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN