Hà Nội sớm hoàn thiện nhiều dự án để đưa huyện Đông Anh lên quận
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp và hướng dẫn huyện Đông Anh đẩy nhanh triển khai các đề án đầu tư, xây dựng phát triển nhằm đáp ứng mục tiêu trở thành quận trước năm 2025.
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã cơ bản thống nhất với các nội dung kiến nghị, đề xuất của huyện Đông Anh trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cụ thể, Thường trực Thành ủy đề nghị, Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ các quy định hiện hành nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho huyện Đông Anh nói riêng và các quận, huyện nói chung. Đồng thời, xem xét, sửa đối Quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy cũng đã thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính huyện Đông Anh cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu công nghiệp Đông Anh. Trên cơ sở những nội dung đó, giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đông Anh nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, báo cáo lên Ban Thường vụ. Về dự án Khu công nghiệp Đông Anh cần đảm bảo sớm hoàn thành việc thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực kinh nghiệm đầu tư.
Việc tổ chức quy hoạch, đầu tư hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với tổng thể 811,57ha, Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo huyện Đông Anh cần nghiên cứu, rà soát phân loại các dự án đã, đang và dự kiến triển khai. Đặc biệt, cần làm rõ các công trình hạ tầng thiết yếu theo thứ tự ưu tiên để đề xuất nguồn vốn đầu tư phù hợp, cần lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư bằng các hình thức phù hợp để trình UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền và quy định.
Ngoài ra, đối với các danh mục dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án trên địa bàn huyện trước đó, Thường trực Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát nguồn gốc đất, sự phù hợp các điều kiện của từng dự án cụ thể. Qua đó, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt và triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Dự án phát triển mô hình Tổ hợp trung tâm thương mại, Outlet và nhà ở Hòa Bình tại xã Vĩnh Ngọc trên địa bàn huyện sắp tới cũng sẽ được rà soát lại đề xuất của các nhà đầu tư, xác định ranh giới cụ thể để có căn cứ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Bên cạnh thống nhất những nội dung kiến nghị của huyện Đông Anh, Thường trực Thành ủy cũng đã có chỉ đạo cụ thể đối với một số dự án trên địa bàn huyện. Đối với dự án Trung tâm hội chợ triển lãm và Dự án Khu đô thị mới tại xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành có liên quan và UBND huyện Đông Anh sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định để giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, trong quá trình rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án khu đô thị mới cần khẩn trương báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Với Dự án Khu công viên phần mềm, cần tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đúng trình tự, thủ tục, quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật.
Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện bao gồm dự án thành phố thông minh, Khu liên hợp bệnh viện CHI, dự án công viên Kim Quy, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo huyện Đông Anh phối hợp với các đơn vị có liên quan và nhà đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và sớm đưa các dự án vào triển khai theo đúng quy định.
Hàng trăm người dân bị ngộ độc chưa rõ nguyên nhân
Trong thời gian từ ngày 17/3 đến nay, hàng trăm người dân tại 2 xã Bình Tường và Vĩnh An, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn... Trong số người bị ngộ độc, có 9 trẻ em nhập viện điều trị tại khoa Nhi thuộc Trung tâm y tế huyện với các triệu chứng đầy bụng, nôn ói.
Hiện tại, sức khỏe của một số bệnh nhân nhập viện điều trị đã được hồi phục và về với gia đình. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phải ở lại viện với các triệu chứng nôn ói. Các điều dưỡng ở đây cho biết, qua theo dõi các bệnh nhân bị ngộ độc nhưng chưa rõ nguồn nào.
Theo ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Tường (huyện Tây Sơn), ngay khi sự việc xảy ra, xã đã có báo cáo lên UBND huyện Tây Sơn điều động các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra. Ông Dũng thông tin thêm, hiện nay, 100% người dân trên địa bàn xã sử dụng nguồn nước máy của Nhà máy nước Bình Tường - Vĩnh An.
Theo đa số người dân tại xã Bình Tường và Vĩnh An, khoảng 1 tuần nay, rất nhiều người bị mắc các triệu chứng đầy bụng, nôn ói, mệt mỏi. Hiện tại, các hộ dân nơi đây đã ngưng sử dụng nguồn nước này và chuyển sang dùng nước bình hoặc các nguồn nước khác.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết: "Vụ ngộ độc ở huyện Tây Sơn khác những vụ ngộ độc tập thể khác là xảy ra trên diện rộng, có trẻ em, có người lớn, có học sinh, người đi làm việc cũng như người ở nhà.
Hiện, lực lượng chức năng huyện Tây Sơn đã lấy mẫu nước tại Nhà máy nước Bình Tường - Vĩnh An và một hộ dân tại thôn Hòa Trung (xã Bình Tường) để kiểm tra và đang chờ kết quả. UBND huyện cũng đang tổng hợp số liệu người dân bị ngộ độc để có báo cáo cụ thể.
Đề xuất tăng thêm lương hưu, trợ cấp 15% từ đầu năm 2022
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Dự kiến có 8 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2022 khi chính sách được ban hành...
Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2022 tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với 8 nhóm đối tượng.
Cụ thể, điều chỉnh tăng cho nhóm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Nhóm cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại các nghị định: 92, 34, 121 và 09.
Nhóm người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91 về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Nhóm cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130.
Nhóm quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.
Nhóm công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53 quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
Nhóm quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Cuối cùng là nhóm người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, dự thảo đề xuất tăng thêm 200.000 đồng/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống.
Trường hợp người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì tăng lên bằng 2,5 triệu đồng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải, đề xuất mức điều chỉnh 15% là nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát.
Đồng thời, mức này cũng chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019, 2020 và năm 2021; do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
An Giang phát hiện 7 người Trung Quốc có ý định xuất cảnh trái phép
Ngày 20/3, thông tin từ Đồn Biên phòng Phú Hữu, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 xe taxi chở 7 đối tượng người Trung Quốc có ý định xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Theo đó, khoảng 16 giờ chiều 19/3, Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 số 12 thuộc Đồn Biên phòng Phú Hữu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống xuất, nhập cảnh trái phép tại khu vực cua Ông Cải (ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang). Tổ công tác phát hiện 2 chiếc xe taxi chạy từ hướng thành phố Châu Đốc (An Giang) đi về hướng Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Xe taxi thứ nhất biển kiểm soát 51G-38573 chở 3 người Trung Quốc do Trần Thái Phú (sinh năm 1995, ngụ khu vực 4, thị trấn Đức Hoà, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) điều khiển và chiếc xe taxi thứ hai mang biển kiểm soát 51G-38563 chở 4 người Trung Quốc do Nguyễn Thanh Hoài Ân (sinh năm 1987, ngụ khu vực 4, thị trấn Đức Hoà, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) điều khiển.
Các đối tượng bị bắt giữ đều có Quốc tịch Trung Quốc gồm: Chen Khang (sinh năm 1999), Jin Litao (sinh năm 2002), Wang Jian Lin (sinh năm 2001), Long Jiang (sinh năm 1997), Wang Dajun (sinh năm 2002), Chen XiaoDong (sinh năm 2001), Chen Kaiwen (sinh năm 1994).
Sau đó, Đồn Biên phòng Phú Hữu đã tiến hành lấy lời khai ban đầu với 2 tài xế. Bước đầu các tài xế khai nhận đưa các đối tượng người Trung Quốc đến khu vực xã Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang để vượt biên qua phía Campuachia.
Hiện, Đồn Biên phòng Phú Hữu đã bàn giao các đối tượng người Trung Quốc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú, tỉnh An Giang lấy mẫu xét nghiệm và đưa 9 đối tượng đi cách ly theo quy định; đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Chiều 20/3, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 20/3, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay.
Ca bệnh 2572 (BN2572): Nữ, 56 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Bệnh nhân từ Đức nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11/3/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ngày 19/3/2021 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền.
Tính đến 18 giờ ngày 20/3, Việt Nam có tổng cộng 1601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.599 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 492 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.379 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.728 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 118 ca.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến sáng 20/3, đã có 3.870 đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng trên địa bàn Thành phố được xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.629 người đã có kết quả và tất cả đều âm tính.