Bế mạc Phiên họp thứ 54 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 54.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 54, với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Kỳ họp dự kiến kéo dài 12 ngày, khai mạc ngày 24/3 và bế mạc ngày 8/4.
Chiều 15/3, Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 15/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh.
Như vậy, đến 18 giờ ngày 15/3, Việt Nam có tổng cộng 1594 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 901 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 39.613 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 503 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.056 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 23.054 người.
Sáng 15/3, tại Đại học Y Hà Nội, 6 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng đã được tiêm những mũi vaccine COVIVAC phòng COVID-19 đầu tiên. Đây là vaccine thứ 2 của Việt Nam đến giai đoạn thử nghiệm trên người. Sau mũi tiêm thứ nhất, các tình nguyện viên này sẽ tiêm mũi thứ 2 sau 28 ngày.
Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 là một trong những nội dung trong văn bản số 810/BVTTTDL-VHCS do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy kí, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Văn bản nêu rõ: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương triển khai một số nội dung nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đặc biệt, các địa phương chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Tại các điểm du lịch; bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; yêu cầu nhân dân thực hiện "Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách- Không tập trung- Khai báo y tế" của Bộ Y tế.
Cũng trong ngày 15/3, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo khắc phục những bất cập trong phòng chống dịch COVID-19 khi mở cửa lại các di tích, điểm tham quan.
Tại Hà Nam, sau hiện tượng khách đến thăm chùa Tam Chúc (Hà Nam) quá đông vào ngày 14/3, gây khó khăn cho việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 15/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã làm việc với Ban Quản lý chùa. Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam đã có văn bản chỉ đạo một số cơ quan, đơn vị kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại chùa Tam Chúc, yêu cầu Ban Quản lý chùa siết chặt thực hiện "5K" đối với du khách theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuyên án sơ thẩm vụ Ethanol Phú Thọ
Chiều 15/3, tại bản án sơ thẩm tuyên án phạt 12 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ - viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) phải chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt trong việc lựa chọn nhà thầu, đưa ra chủ trương chỉ định thầu.
Vai trò tiếp theo là của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC), Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) và các bị cáo khác.
Theo bản án sơ thẩm, hành vi sai phạm của của các bị cáo khiến Dự án Ethanol Phú Thọ đã triển khai nhưng phải dừng hoạt động, đến nay chưa có hạng mục nào hoàn thành. Các bị cáo là những người có chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp có vốn nhà nước nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa được khắc phục.
Trong quá trình diễn ra phiên tòa, mặc dù các bị cáo thừa nhận hành vi đã thực hiện nhưng cho rằng những hành vi đó không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định việc các bị cáo chỉ định thầu cho liên danh của PVC khi liên danh này không đủ năng lực là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị tạm dừng. PVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, không trực tiếp làm chủ đầu tư mà giao cho các công ty con của tập đoàn thành lập các công ty khác để làm chủ đầu tư dự án. Tuy biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, song bị cáo Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, đã chủ trì nhiều cuộc họp, "quyết liệt" định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi vi phạm của bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác trong vụ án đã gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm nhấn mạnh, sai phạm của các bị cáo trong việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực là nguyên nhân chính khiến dự án bị dừng. Chủ đầu tư (PVB) đã sử dụng một số tiền lớn (hơn 1.467 tỷ đồng) để đầu tư vào dự án, gồm vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeAbank) và Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC, nay là PVCombank) với tổng số tiền là hơn 754 tỷ đồng. Từ ngày dự án dừng thi công (ngày 27/3/2013) đến ngày 25/7/2014, PVB đã trả lãi vay là gần 126 tỷ đồng. Số tiền lãi PVB còn phải trả cho ngân hàng từ ngày 26/7/2014 đến ngày khởi tố vụ án (ngày 11/6/2018) là hơn 417 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi mà PVB phải trả cho các ngân hàng là hơn 543 tỷ đồng. Tại phiên tòa, đại diện SeAbank và PVCombank đều khẳng định, hai đơn vị này không miễn giảm nợ gốc và lãi cho PVB.
Dự án bị tạm dừng thi công kéo dài kể từ ngày 27/3/2013 (tính đến thời điểm xét xử vụ án là gần 8 năm), chưa có hạng mục nào hoàn thành để đi vào hoạt động. Do dự án bị chậm tiến độ, không đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh nên chủ đầu tư phải chịu chi phí tiền lãi phát sinh cho thời gian dừng thi công, bị chậm tiến độ không có doanh thu mà phải sử dụng vốn của PVB để chi trả, đây là thiệt hại thực tế. Ngoài ra, dự án bị tạm dừng thi công kéo dài cũng gây ra những thất thoát lãng phí lớn về nguồn lực xã hội (nhà xưởng, máy móc, thiết bị hao mòn theo thời gian, chi phí bảo quản, bảo dưỡng thiết bị…).
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã căn cứ vào Kết luận giám định của Bộ Tài chính xác định thiệt hại theo Điều 4, khoản 5, điểm c - Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Qua đó, tổng thiệt hại của vụ án được xác định là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án - hơn 543 tỷ đồng.
Trong việc mua bán 3.400 m2 đất ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng đã câu kết tạm ứng 25 tỷ đồng của PVC trái quy định. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đóng vai trò chính, chủ mưu, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC. Bị cáo Đỗ Văn Hồng là người giúp sức cho bị cáo Thanh thực hiện hành vi này. Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên buộc giao lại quyền sử dụng 3.400 m2 đất ở Tam Đảo cho PVC.
Kết luận phiên toà, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.
Cùng bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” còn có 9 bị cáo khác: Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Trần Thị Bình (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng; Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1960, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) - 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) - 3 năm tù; 3 bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Đầu tư dự án của PVB), Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Thương mại PVB), Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981, nguyên Kế toán trưởng PVB) cùng bị phạt 30 tháng tù; Đỗ Văn Quang (sinh năm 1972, nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch - sau là Ban Kinh tế đấu thầu của PVC) bị phạt 28 tháng tù; Lê Thanh Thái (sinh năm 1960, nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh của PVB) bị phạt 24 tháng tù.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị kết án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015) và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015), tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng là 17 năm tù.