Chiều 17/3, Việt Nam thêm 7 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 17/3, Việt Nam thêm 7 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca tại Hải Dương.
Ca bệnh 2561 (BN2561): Ghi nhận tại phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân là nam, 39 tuổi, là F1 của BN2528, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 17/3/2021 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.
Ca bệnh 2567 (BN2567) ghi nhận tại phường Hoàng Tân, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nữ, 21 tuổi, là F1 của BN2451, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 17/3/2021 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.
Ca bệnh 2562 (BN2562): Nữ, 28 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Ca bệnh 2563 (BN2563): Nam, 31 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Ca bệnh 2564 (BN2564): Nam, 27 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ca bệnh 2565 (BN2565): Nam, 32 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Ca bệnh 2566 (BN2566): Nữ, 21 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Nguyễn Du, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.
BN2562-2566 từ Liên bang Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh ngày 14/3/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 16/3/2021 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Cam Lâm.
Tính đến 18 giờ ngày 17/3, Việt Nam có tổng cộng 1.597 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 906 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 36.923 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 496 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.396 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 19.031 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 144 ca.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 17/3 có thêm 40 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1875-BN1876-BN1877-BN1888-BN1890-BN1891-BN1954-BN2012-BN2013-BN2061-BN2075-BN2077-BN2140-BN2142-BN1677-BN1905-BN2275-BN2432-BN2291-BN2047-BN2318-BN2114-BN1922-BN1927-BN2313-BN2369-BN2174-BN2266-BN1749-BN2332-BN2165-BN2322-BN2051-BN1870-BN1909-BN2166-BN1894-BN1688-BN1730-BN2400.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 118 ca.
Tiểu ban Điều trị đề nghị BV Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng
Ngày 17/3, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã chủ trì buổi hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm Quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Điều hành hội chẩn chuyên môn có: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cùng các thành viên Tiểu ban Điều trị.
Ba bệnh nhân nặng được hội chẩn là bệnh nhân 1823, 2348, 1536. Bệnh nhân 1823 và 2348 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Bệnh nhân 1536 điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ba bệnh nhân đều có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần. Tuy vậy, do có các bệnh lý đi kèm, các bệnh nhân vẫn được các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt.
Báo cáo về trường hợp bệnh nhân 1823 đang điều trị ngày thứ 44, bệnh nhân đã ngừng ECMO thành công và đang cai dần máy thở. Mặc dù vậy, hiện bệnh nhân xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa và nguy cơ nhiễm trùng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã xin ý kiến Hội đồng chuyên môn và đề nghị Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ nội soi tiêu hóa đối với bệnh nhân 1823. Các chuyên gia cho rằng cần tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa để để tiếp tục có những đánh giá và điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tiếp tục duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở.
Trường hợp bệnh nhân 2348 (nữ, 65 tuổi) đã có 5 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân đã được điều trị 35 ngày, trong đó nằm trong phòng hồi sức 33 ngày. Tuy nhiên, chức năng phổi không cải thiện. Các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn liên quan đến COVID-19.
Với hai trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử cán bộ hỗ trợ làm nội soi tiêu hóa đối với bệnh nhân 1823 và chuyên gia về miễn dịch để xem xét căn nguyên của bệnh nhân 2348.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị bệnh nhân 1536, bệnh nhân được đánh giá nặng hơn bệnh nhân 91 và đã có sự phục hồi nhất định. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn có tình trạng yếu cơ do nằm lâu, còn huyết khối. Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực và công tác chăm sóc của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân có các bệnh lý nền đi kèm, do vậy, các chỉ số cần được điều chỉnh từng chút một, nhất là đối với dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Hiện gia đình bệnh nhân mong muốn bệnh nhân được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để tiện cho gia đình chăm sóc.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 20 bị can trong vụ nổ súng ở Cần Thơ
Ngày 17/3, thông tin từ Công an thành phố Cần Thơ cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Đặng Quang Minh (sinh năm 1977, trú tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ); Lê Quang Dinh (sinh năm 1984) và Bùi Viết Duy (sinh năm 1988, cùng trú tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) để điều tra về các tội Giết người; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1979, trú tại phường Tân Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng 16 đối tượng khác bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Gây rối trật tự công cộng.
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Thanh Bình và Đặng Quang Minh vốn quen biết nhau. Tháng 5/2020, Bình giới thiệu người quen vay của Minh 280 triệu đồng, thời hạn 45 ngày. Sau đó, do người vay không trả tiền đúng hẹn nên Minh buộc Bình trả thay số tiền trên nhưng không được.
Chiều 3/3, Bình gọi điện hẹn Minh đến gặp mặt tại quán cà phê trên đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều để nói chuyện, Minh đồng ý. Minh sau đó huy động khoảng 10 thanh niên, trong đó có Lê Quang Dinh để đi đánh nhau với nhóm của Bình. Minh gọi cho Bùi Viết Duy cùng đi và dặn mang theo hai khẩu súng K54.
Khi gặp nhau tại quán cà phê, Minh và Bình đã xảy ra cự cãi, đánh nhau. Duy móc hai khẩu súng trong túi xách ra. Dinh giật lấy một khẩu nhưng không có đạn. Duy nổ hai phát súng về phía nhóm của Bình nhưng không trúng ai.
Trong quá trình xô xát, nhóm của Bình nghe tiếng nổ súng nên cầm hung khí, rượt chém Duy và Dinh. Hai người chạy vào một khách sạn gần đó và đã bị đuổi kịp. Dinh bị chém nằm bất tỉnh tại cầu thang lên sảnh khách sạn còn Duy trốn được.
Nhận được tin báo, các lực lượng thuộc Công an thành phố Cần Thơ nhanh chóng bao vây hiện trường, tạm giữ 14 người liên quan, thu giữ khẩu súng K54, 2 vỏ đạn, 12 con dao các loại. Tối cùng ngày, Minh ra đầu thú.
Bình bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại một khách sạn ở tỉnh Cà Mau cùng 4 người khác vào sáng ngày 4/3. Trong ngày, cơ quan Công an bắt giữ Bùi Viết Duy, thu giữ khẩu súng còn lại.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La bị bắt về hành vi thiếu trách nhiệm
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La xác định bị can Nguyễn Thị Kim An cùng với một số đối tượng đã có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước.
Mở rộng điều tra vụ án sai phạm trong đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Sơn La, ngày 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim An (sinh năm 1969, trú tại tổ 7, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phê chuẩn.
Quá trình điều tra, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La xác định bị can Nguyễn Thị Kim An cùng với các đối tượng là: Bùi Thị Thu (sinh năm 1969, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị và công nghệ Hưng Phát), Sa Văn Khuyên (sinh năm 1960, trú tại tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La), Bùi Thị Hoa (sinh năm 1965, trú tại tổ 11, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Sơn La), Mai Anh Tuấn (sinh năm 1987, trú tại tổ 9, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Sơn La) đã có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.