Tin nổi bật ngày 18/3

Trong ngày 18/3, dư luận quan tâm đến một số tin nóng như: Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xử lý; 205 người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; Truy tìm một người nước ngoài trốn cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi; Phát hiện 9 công chức xã ở Gia Lai dùng bằng tốt nghiệp THPT giả; Phá thành công chuyên án làm giả con dấu, tài liệu ở Quảng Bình...

Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xử lý

Ngày 18/3, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong những tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra 06 vụ án/70 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án/45 bị can; xét xử sơ thẩm 04 vụ án/15 bị cáo; xét xử phúc thẩm 01 vụ án/01 bị cáo; đồng thời mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án.

Các cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mới phát sinh.

Thanh tra Chính phủ hoàn thành việc thanh tra việc việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không dừng", "không nghỉ" ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực; khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, nhiệm kỳ này phải mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu kết thúc điều tra 04 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 08 vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án; xét xử phúc thẩm 08 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 05 vụ án: Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và một số đơn vị có liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Giai đoạn 1); Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Cũng tại Cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Ban Chỉ đạo kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 07 vụ án, 01 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc xử lý theo quy định của pháp luật; chuyển 07 vụ án 01 vụ việc cho Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

205 người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 18/3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Theo quy định và để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành 3 lần. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2/2021. Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai phải xong trước 17 giờ ngày 19/3/2021 và Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ xong trước 17 giờ ngày 19/4/2021.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1226/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức Hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

“Ngày 17/3/2021, Mặt trận đã được chuyển hồ sơ của 205 đại biểu ứng cử. Đến thời điểm này, có thể đánh giá các công việc đang được tiến hành theo đúng quy định, lịch trình, thời gian đã đề ra”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Truy tìm một người nước ngoài trốn cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi

Ngày 18/3, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), các cơ quan chức năng đang truy tìm một người nước ngoài trốn cách ly sau khi nhập cảnh trái phép.

Trước đó, Công an huyện Củ Chi đã phát đi thông báo truy tìm một đối tượng người nước ngoài trốn cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Đó là Yang Gui Bin (sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc). Đối tượng này nhập cảnh trái phép, được Công an Quận 1 phát hiện và đưa đi cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Tại đây, trường hợp này đã có hai lần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và đã có kết quả âm tính (vào ngày 6/3 và 11/3). Đến ngày 15/3 thì bỏ trốn.

Công an huyện Củ Chi đã thông báo đến cơ quan công an 21 quận, huyện và Công an thành phố Thủ Đức phối hợp truy tìm, bắt giữ nếu phát hiện đối tượng nêu trên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi cộng đồng chung tay tìm kiếm đối tượng này để đưa đi cách ly theo đúng quy định.

Chiều 18/3, Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19

Tính đến 18 giờ ngày 18/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca ở Hải Dương.

3 ca mắc mới là các BN2568- BN2570. Cụ thể:

Ca bệnh 2568 (BN2568) ghi nhận tại phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương là nam, 8 tuổi. Đây là F1 của BN2528 và BN2561, đã được cách ly ngày 8/3/2021. Kết quả xét nghiệm ngày 17/3/2021 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 - Bệnh viện Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.

Ca bệnh 2569 (BN2569) ghi nhận tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, là nam, 48 tuổi. Đây là F1 của BN2484, đã được cách ly ngày 3/2/2021. Kết quả xét nghiệm ngày 17/3/2021 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 - Bệnh viện Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.

Ca bệnh 2570 (BN2570) được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Ninh Thuận: Nữ, 30 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường 4, quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân trên từ Philippines nhập cảnh sân bay Cam Ranh ngày 7/3/2021, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Ninh Thuận. Kết quả xét nghiệm ngày 17/3/2021 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Tính đến 18 giờ ngày 18/3, Việt Nam có tổng cộng 1601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 37.878 ca, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 490 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.491 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.897 người.

Phát hiện 9 công chức xã ở Gia Lai dùng bằng tốt nghiệp THPT giả

Ngày 18/3, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, Sở không cấp Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông cho 9 cán bộ là công chức các xã tại huyện Ia Pa như bằng cấp các cán bộ này hiện có trong hồ sơ lưu trữ tại cơ quan.

Qua rà soát, Huyện ủy Ia Pa phát hiện, nghi ngờ 9 cán bộ lãnh đạo cấp xã là Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã dùng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.

Trước đó, Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa có văn bản số 49 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đề nghị các phòng chuyên môn của Sở rà soát, kiểm tra, xác minh bằng cấp của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã. Hoạt động nhằm phục vụ cho công tác nhân sự bầu cử đại biểu HĐND các cấp; đồng thời tránh trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hồ sơ, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.

Theo đó, Ban Tổ chức Huyện ủy Ia Pa đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai xác minh 10 hồ sơ của cán bộ xã. Qua kiểm tra, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã phát hiện 9 trường hợp có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả, không hợp pháp.

Các cán bộ bị phát hiện là: Trần Đức Việt - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó; Trần Trọng Chỉnh, Phó Chủ tịch HĐND xã Pờ Tó; Đặng Văn Long, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Pờ Tó; Trần Xuân Khải, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Chư Răng; Hà Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Chư Răng; Nguyễn Viết Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Răng; Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Tân; Phạm Văn Lượng, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Tân và Đỗ Thị Thảo, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Tân.

Chín cán bộ này không được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông; tuy nhiên, trong bằng cấp giả của họ lại có tên của Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở ký, cấp.

Theo đại diện Huyện ủy Ia Pa, việc rà soát bằng cấp lãnh đạo cấp xã là việc làm chủ động phát hiện của Thường trực Huyện ủy nhằm chấn chỉnh hoạt động giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ tại địa phương.

Phá thành công chuyên án làm giả con dấu, tài liệu ở Quảng Bình

Ngày 18/3, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Công an thị xã Ba Đồn đã phá thành công chuyên án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức, bắt giữ hai đối tượng liên quan.

Theo đó, Công an thị xã Ba Đồn phát hiện trên địa bàn xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) có một số người dân tuy không thuộc diện được Nhà nước cấp Huân chương, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang nhưng tại nhà ở có treo các loại giấy tờ trên, gây nghi vấn đây là "đồ giả".

Công an thị xã Ba Đồn sau đó xác định, Nguyễn Trãi (sinh năm 1960, trú tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) câu kết, móc nối với Trương Thanh Huỷnh (sinh năm 1962, trú tại xã Quảng Sơn) để làm giả tài liệu là bằng khen, huân chương, huy chương của Nhà nước, bằng khen của Bộ Quốc phòng cho một số người từng tham gia quân đội nhưng không thuộc diện cấp các loại giấy tờ này.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng đến lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, tạo dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân, Công an thị xã Ba Đồn đã xác lập chuyên án để tiến hành đấu tranh.

Sau khi thu thập chứng cứ liên quan đến các đối tượng, Công an thị xã Ba Đồn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Trãi, Trương Thanh Huỷnh, thu giữ 19 tài liệu giả gồm bằng khen, Huân chương Chiến công; Huân chương, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; Bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

XC/báo Tin tức
Yêu cầu TikTok kiểm duyệt nội dung không phù hợp với trẻ em
Yêu cầu TikTok kiểm duyệt nội dung không phù hợp với trẻ em

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đề nghị TikTok siết chặt hơn khâu kiểm duyệt nội dung không phù hợp với trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN