Tin nổi bật ngày 22/3

Ngày 22/3, những thông tin được dư luận quan tâm là: Ông Tất Thành Cang bị đề nghị khai trừ Đảng; Kỷ luật 3 cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quản lý; Tìm ra tung tích người đỗ xe giữa ngã tư để ngủ và chống lại CSGT; 10 lãnh đạo, cán bộ GPBank hầu tòa; Ga ngầm Ba Son sẽ hoàn thành trước ngày 30/4; Quán bar, karaoke tại Hà Nội được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23/3; Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch 4 quận trung tâm...

Đề nghị khai trừ khỏi Đảng đối với đồng chí Tất Thành Cang

Ngày 22/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ hai 2.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong thông báo này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Phan Đăng Tuất, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO); đề nghị Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Tất Thành Cang, do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Văn Phước, do trong thời gian giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng tài chính của đơn vị.

Về công tác cán bộ tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kỷ luật 3 cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quản lý

Ngày 22/3, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo về kết quả xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quản lý, do có nhiều vi phạm trong quá trình công tác.

Theo đó, ông Lò Đức Minh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Trưởng Công an huyện Mường Lát giai đoạn 2017 - 2020, đã vi phạm trong việc quản lý, sử dụng, thu chi tài chính của Cơ quan Công an huyện Mường Lát; thực hiện không đúng chế độ kế toán tài chính, quy chế dân chủ, quy chế làm việc và quy chế chi tiêu nội bộ. Xét nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân khuyết điểm, vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lò Đức Minh.

Đối với ông Thịnh Văn Oanh, nguyên Huyện ủy viên nhiệm kỳ 2005 - 2010, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã không trung thực trong việc kê khai hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ; sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông trung học không hợp pháp. Với những vi phạm trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Thịnh Văn Oanh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Văn Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, ông Lê Văn Nam đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tuyên phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xử phạt 15 tháng tù giam.

Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, những người kể trên ngoài bị kỷ luật về Đảng, còn sẽ bị kỷ luật về hành chính, đoàn thể và phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật.

Người đỗ xe giữa ngã tư để ngủ và chống lại CSGT là quân nhân Học viện Hậu cần

Ngày 22/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đang phối hợp với lực lượng kiểm soát quân sự vào cuộc làm rõ vụ một quân nhân có dấu hiệu “say xỉn” trên xe ô tô, đã có hành vi ghì cổ, tát CSGT.

Chú thích ảnh
Lái xe L.M.H (mặc áo vest đen) tại thời điểm bị lực lượng chức năng tạm giữ. Ảnh: CSGT cung cấp.

Trước đó, vào 15 giờ 30 phút chiều 21/3, Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an Thành phố Hà Nội) được người đi đường báo tin tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển có một ô tô nhãn hiệu Camry, mang biển kiểm soát: 30E-864x, dừng đỗ giữa ngã tư của đường. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe có biểu hiện say xỉn, đang ngủ trong xe. Chiếc xe đỗ giữa ngã tư khá lâu đã gây cản trở giao thông trên tuyến đường này.

Cán bộ Đội CSGT số 7 đã yêu cầu lái xe di chuyển, đưa xe vào lề đường và xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên, người điều khiển ô tô tự xưng là quân nhân, đã lao vào ghì cổ, tát một chiến sĩ CSGT. Ngay sau đó, lái xe này đã bị khống chế.

Theo đại diện Công an phường Thanh Xuân Trung, kết quả, kiểm tra nồng độ cồn vào 21 giờ ngày 21/2 đã chỉ rõ lái xe vi phạm 0,150 miligam/1 lít khí thở. Danh tính của lái xe được xác định là L.M.H (sinh năm 1973, hiện là quân nhân của Học viện Hậu cần).

10 lãnh đạo, cán bộ GPBank hầu tòa do vi phạm quy định cho vay

Sáng 22/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong vụ án này có 13 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 10 bị cáo: Tạ Bá Long (sinh năm 1955, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng cấp cao GPBank), Đoàn Văn An (sinh năm 1958, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank), Phạm Quyết Thắng (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc GPBank), Đỗ Trung Thành (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank), Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1977, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank), Nguyễn Thùy Dương (sinh năm 1980, nguyên chuyên viên Phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank), Lương Hồng Thái (sinh năm 1981, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Toàn Thắng (sinh năm 1974, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Ngọc Thắng (sinh năm 1985, nguyên Chuyên viên quan hệ khách hàng GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Mười bị cáo này bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại Điều 206, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, áp dụng chính sách hình sự có lợi cho người phạm tội trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì hành vi của các bị cáo được Viện Kiểm sát xử lý về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ba bị cáo: Phùng Ngọc Khánh (sinh năm 1963, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sài Gòn One; Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty M&C), Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1977, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn - viết tắt là Công ty Điện lực Sài Gòn), Kim Văn Bộ (sinh năm 1973, Phó Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần.

Ga ngầm Ba Son sẽ hoàn thành trước ngày 30/4

Ngày 22/3, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, nhà ga Ba Son hiện đã đạt được gần 94% khối lượng và đang tái lập lại cảnh quan tạm thời bên trên nhà ga như thảm cỏ, mặt đường, vỉa hè, hệ thống cơ điện... Dự kiến toàn bộ nhà ga này sẽ hoàn thành trước ngày 30/4.

Theo thiết kế, nhà ga Ba Son có chiều dài 240m, chiều rộng trung bình khoảng 35m; hai tầng hầm có độ sâu khoảng 20m âm dưới lòng đất và gồm 2 tầng B1, B2.

Tầng 1 của ga Ba Son gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động…), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách. Nhà ga có 5 lối lên và xuống để hành khách tiếp cận với đoàn tàu.

Hà Nội yêu cầu tất cả công chức, viên chức cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số

UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu tất cả công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn đăng ký tài khoản giao dịch hồ sơ điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số trên thiết bị di động của mỗi cá nhân, hoàn thành trước ngày 31/3/2021.

Chú thích ảnh
Cài đặt và trải nghiệm ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã, Bưu điện Thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các đại lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), Bưu điện huyện và Bưu điện trung tâm phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, người tham gia BHXH, BHYT đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID -ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của BHXN Việt Nam.

BHXH Thành phố phổ biến, cung cấp tài liệu hướng dẫn người tham gia BHXH, BHYT đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đại lý thu và các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố.

BHXH Thành phố phân công các tổ hỗ trợ trực tiếp tại các cơ quan, bộ, ngành, các đơn vị của Trung ương và Thành phố, các khu công nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động có số lao động lớn, các cơ sở KCB BHYT… để hỗ trợ kê khai và thực hiện xác nhận nhân thân của người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID.

Theo kế hoạch, BHXH Thành phố sẽ hướng dẫn cài đặt cho gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại 29 sở, ban, ngành của Thành phố và gần 18.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại 68 bộ, ban, ngành và các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.

VssID - Bảo hiểm xã hội số là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của BHXN Việt Nam, giúp người tham gia BHXH, BHYT dễ dàng tra cứu các thông tin như: Thẻ BHYT; theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tra cứu mã số bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7.

Quán bar, karaoke tại Hà Nội được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23/3

Ngày 22/3, Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã họp trực tuyến đến các quận, huyện.

Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý cho các quan bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại trong tình hình mới. Yêu cầu người dân đến các địa điểm này phải khai báo y tế qua QR- Code; cài đặt các ứng dụng Bluezone; các quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở này nếu vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa.

Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch 4 quận trung tâm

Sáng 22/3, Thành phố Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000, thuộc khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Về tổng thể, quy hoạch gồm 6 đồ án phân khu đô thị nội đô lịch sử H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4; có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Theo đồ án, không gian nội đô lịch sử được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Với khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe. Tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 2.709,75 ha. Quy mô dân số theo số liệu điều tra năm 2019 khoảng 887.000 người.

Đáng chú ý, theo quy hoạch, dân số tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 dân. Với một số khu vực đặc thù, đồ án quy định kiến trúc cảnh quan, thiết kế riêng, trong đó có khu vực phố cổ, Hồ Gươm và vùng phụ cận. Với khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (16-22 m). Các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao từ 5 đến 7 tầng (20-25 m).

Về vấn đề bảo tồn, trong đồ án nêu rõ, khu phố cổ bảo tồn hình thái kiến trúc các tuyến phố hiện có; bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố... tạo lập hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng. Khu vực hồ Gươm được bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cách mạng...

Đặc biệt, trong đồ án mới có nhắc đến vấn đề hình thành không gian ngầm, trong đó các khu vực đầu mối ga ngầm đường sắt đô thị được nghiên cứu theo mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD). Hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối với các công trình công cộng ngầm, ga ngầm với đầu mối TOD...

Thành phố sẽ phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, phía đường vành đai 4, và các khu đô thị vệ tinh hình thành cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội hoàn chỉnh sẽ hút dần dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành.

Về bãi đỗ xe, thành phố nghiên cứu xây dựng ngầm kết hợp trong các khu cây xanh công viên, vườn hoa, quảng trường có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai, công trình công cộng lớn.

Về bãi đỗ xe, thành phố nghiên cứu xây dựng ngầm kết hợp trong các khu cây xanh công viên, vườn hoa, quảng trường có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai, công trình công cộng lớn.

Chiều 22/3, Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 22/3, Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Lê Phú

Như vậy, đến 18 giờ ngày 22/3, Việt Nam có tổng cộng 1.601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 37.754 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 490 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.620 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.644 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 22/3 có thêm 36 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 108 ca.

PV/Báo Tin tức
Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch 4 quận trung tâm
Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch 4 quận trung tâm

Theo đồ án quy hoạch mới, dân số Hà Nội tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 dân; tại một số khu phố đặc thù, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (16-22 m)…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN