Việt Nam lo ngại nguy cơ đợt dịch COVID-19 thứ 4
Sáng 26/3, tại Hội nghị tập huấn về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam đang rất quan ngại có thể xuất hiện đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Nguy cơ đã hiện hữu trong bối cảnh hiện nay các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp.
Theo đó, hai ca bệnh COVID-19 vừa công bố sáng 26/3 là các ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc và về Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Đây là các trường hợp đã được xác định, nhưng có những trường hợp nhập cảnh trái phép không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, trở thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có người nhập cảnh phải cách ly ngay lập tức những trường hợp này.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, của Bộ Y tế về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị… Không để khi có dịch xảy ra bị bỡ ngỡ, luống cuống. Việc xử lý càng nhanh, càng hạn chế mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch COVID-19. Gần đây nhất là đợt dịch tại Hải Dương với số ca nhiễm khá cao, đến nay vẫn còn rải rác ghi nhận một số ca mắc do chúng ta đã thực hiện cách ly, truy vết.
Việt Nam sẽ sớm có vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả
Thời gian nghiên cứu, sản xuất vaccine Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể, nhưng vẫn phải đảm bảo tính khoa học, an toàn, nhằm mục tiêu sớm có vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả cho người dân Việt Nam.
Đây là thông tin do Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đưa ra vào sáng 26/3, tại buổi tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chủ trương là tất cả các cơ quan, lực lượng sẽ thúc đẩy tối đa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước theo đúng quy trình, quy chuẩn, "khẩn trương, rút ngắn thời gian, nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học".
Liên quan đến thông tin tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, cho biết, giai đoạn 1 là thử nghiệm an toàn, tạo ra kháng thể và khả năng trung hòa virus tốt, đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (BN117). Giai đoạn 2 là thử nghiệm vaccine với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn 1 (tiêm chủng cho 560 tình nguyện viên), tiếp tục thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm, nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đó. Dự kiến, đến cuối tháng 4/2021 sẽ kết thúc mũi tiêm thử nghiệm thứ 2 của giai đoạn 2.
Chiều 26/3, Việt Nam thêm 5 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca nhập cảnh trái phép
Tính đến 18 giờ ngày 26/3, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca nhập cảnh trái phép tại Hải Phòng, Bình Dương.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 26/3, Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Lạng Sơn khởi tố vụ án tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép
Ngày 26/3, thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đề điều tra hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Quyết định được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp theo quy định. Theo đó, thực hiện Chuyên án LS321p do Bộ Chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn xác lập, vào lúc 22 giờ 10 phút, ngày 24/3, tại đường mòn trên biên giới thuộc khu vực mốc 1231 (thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), Phòng Phòng, chống Ma túy và Tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh) phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt quả tang Vi Văn Thêm (sinh năm 1997, trú tại thôn Nà Pàm, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đang đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Vi Văn Thêm sau đó khai nhận, đối tượng đã nhận lời của một người đàn ông tên là A Pô (khoảng 30 tuổi, trú ở Ái Điểm, Trung Quốc) đến khu vực cột mốc 1231 vào khoảng 17 giờ, ngày 24/3 để đón 7 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, với số tiền công là 1 triệu đồng.
Các đối tượng nhập cảnh trái phép gồm 6 nam 1 nữ, là người các tỉnh Giang Tây, Tứ Xuyên, An Huy (Trung Quốc), với mục đích đến Việt Nam để tìm việc làm.
Vụ việc đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn xác minh, điều tra làm rõ.
Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thành Tài
Chiều 26/3, sau nhiều ngày xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định trả hồ sơ vụ án liên quan đến sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.
Theo Hội đồng xét xử, sau khi xuất hiện nhiều chứng cứ, tình tiết mới tại tòa, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra bổ sung 8 vấn đề, trong đó phần lớn là nội dung xoay quanh việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử cũng yêu cầu làm rõ tài liệu thỏa thuận cho thuê tài sản 185 Hai Bà Trưng giữa ba bên gồm bên nhận tài sản thế chấp (bên A) là Agribank, bên thế chấp (bên B) là Công ty Diệp Bạch Dương và bên thuê tài sản (bên C) là Công ty Phan Thành.
Trong vụ án này, 9 bị cáo hầu tòa về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là: Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh); Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh); Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh); Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố); Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường). Riêng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là tài sản Nhà nước được giao Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Sở Văn hóa và Thể Thao) quản lý và làm trụ sở. Do cơ sở 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do Dương Thị Bạch Diệp làm Giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở. Bị cáo Diệp đề xuất hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, đang thế chấp ngân hàng) để lấy mặt bằng 185 Hai Bà Trưng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa tài sản này vào ngân hàng để rút giấy chứng nhận nhà đất số 57 Cao Thắng ra để bàn giao, sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như cam kết. Thay vào đó, bị cáo Diệp tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không có khả năng trả nợ, khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.
Trong vụ án này, các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thiếu trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất, chấp thuận việc hoán đổi tài sản trái quy định của pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này bị thế chấp dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Tại phiên xử ngày 22/3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương mức hình phạt là tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thanh Nhàn, Vy Nhật Tảo từ 5 đến 6 năm tù; Nguyễn Thành Rum, Đào Anh Kiệt từ 4 đến 5 năm tù; Lê Văn Thanh, Huỳnh Kim Phát từ 3 đến 4 năm tù; Trần Nam Trang, Lê Tôn Thanh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về tài sản 185 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi, trả lại cho Trung tâm ca nhạc nhẹ Thành phố quản lý. Những tranh chấp liên quan nếu có đề nghị dành quyền khởi kiện dân sự cho các bên.
Trong suốt quá trình xét xử từ ngày 15/3 đến ngày 26/3, phiên tòa diễn ra rất "nóng" với các tranh luận của luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp với luật sư của Agribank; phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư. Hội đồng xét xử cũng phải triệu tập thêm nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan để trả lời về các tình tiết mới phát sinh tại tòa.
Ngoài ra, phiên tòa đã phải hai lần tạm dừng sau các phiên xử sáng 17/3 và sáng 25/3. Trong đó, một lần tòa tạm dừng từ ngày 17/3 đến 22/3 mới tiếp tục vì cần thời gian cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp ổn định tinh thần và sức khỏe để tham gia phiên tòa. Lần thứ 2, tòa tạm dừng sau phiên xử sáng 25/3 để đánh giá lại các chứng cứ.
Xử phạt bác sĩ hiếp dâm nữ điều dưỡng viên 6 năm 8 tháng tù giam
Ngày 26/3, Tòa án nhân dân thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Lê Quang Huy Phương (38 tuổi, trú tại Khu tập thể Đống Đa, thành phố Huế) với các tội danh "Hiếp dâm", "Cố ý gây thương tích" và "Giữ người trái pháp luật" với tổng hình phạt 6 năm 8 tháng tù giam.
Cụ thể, xét thấy hành vi đánh đập, gây thương tích của Phương đối với bị hại D.T.T.T. là hành vi côn đồ, cố ý nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phương 5 năm tù. Căn cứ vào các chứng cứ vụ án, Hội đồng xét xử cho rằng Phương đã có hành vi hiếp dâm chị T. bất thành nên tuyên phạt Phương 1 năm 6 tháng về tội hiếp dâm. Hội đồng xét xử cho cũng rằng Phương đã cố ý giữ chị T. lại, không cho chị T. ra về nên đã phạm tội "giữ người trái pháp luật". Hành vi này của Phương bị tuyên phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Phương phải chấp hành 6 năm 8 tháng tù giam kể từ ngày 25/9/2019.
Tại phiên tòa diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/3, chủ tọa phiên tòa cho rằng đây là vụ án phức tạp nên Hội đồng xét xử đã quyết định nghị án 2 ngày trước khi tuyên án. Bị hại của vụ án này là chị D.T.T.T. (trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là điều dưỡng viên và từng cùng công tác với Phương tại một bệnh viện ở Huế).
Trước đó, vào chiều tối 25/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Huế) đã bắt giữ và khởi tố Lê Quang Huy Phương để điều tra làm rõ các hành vi "Hiếp dâm" và "Cố ý gây thương tích". Sau một thời gian điều tra mở rộng, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố Phương đối với hành vi phạm tội thứ 3 là "Bắt giữ người trái pháp luật".
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 17/9/2019, Phương liên hệ một người đồng nghiệp để yêu cầu chị D.T.T.T. mang một liều thuốc làm đẹp đến nhà B, Khu tập thể Đống Đa. Khi chị T mang thuốc đến, Phương chốt cửa lại, dùng vũ lực nhằm hiếp dâm và gây nhiều thương tích cho chị T. Sau đó, chị T. chạy thoát và được người thân đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Ngày 1/12/2020, sau nhiều ngày xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Huế quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân thành Huế để điều tra bổ sung vụ án. Đến ngày 22/3, vụ án được đưa ra xét xử tiếp.