Bão số 9 sau khi gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 28/10, sau khi đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 -7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Từ 16 giờ ngày 28/10 đến 4 giờ ngày 29/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Trước đó, theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút, ngày 28/10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 1 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ.
Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.
Sau khoảng 2 giờ đổ bộ trưa 28/10, bão số 9 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề tại tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Còn theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trong ngày 28/10, địa bàn tỉnh có gió mạnh liên tục, làm tốc mái 33 ngôi nhà của người dân huyện Phong Điền và A Lưới. Ngoài ra, 4 người ở huyện Phong Điền đã bị thương nặng trong quá trình chằng chống nhà cửa trong chiều 27/10.
Bão số 9 cũng gây thiệt hại lớn tại tỉnh Gia Lai, đã có một người chết và nhiều nhà ở bị tốc mái, công trình giao thông bị hư hỏng, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại về người xảy ra tại thành phố Pleiku khi một người dân đang trú mưa trong một lán tạm bên đường đã bị bức tường đổ sập, đè trúng người dẫn đến tử vong.
Tại Đắk Lắk, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 16 giờ ngày 28/10, bão số 9 đã làm một người chết và hàng nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Tại Kon Tum, năm xã của huyện Tu Mơ Rông bị cô lập do ảnh hưởng bão số 9.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 11h30 ngày 28/10, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã có mưa to và gió mạnh gây mất điện khoảng 7.500 trạm biến áp phân phối tại 400 xã/phường.
Lượng công suất phụ tải bị mất điện khoảng 367 MW, chiếm 15% tổng số phụ tải toàn miền Trung. Hiện nay, EVN đã thực hiện cắt điện chủ động tại các tỉnh để đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người. Cụ thể, tình hình mất điện tại các tỉnh: Đà Nẵng 47%, Quảng Nam 71%, Quảng Ngãi 100%, Bình Định 93%, Phú Yên 55%, Gia Lai 20%.
"Ngay sau bão, EVN sẽ kiểm tra và khôi phục trở lại nhanh nhất cho các phụ tải đảm bảo an toàn cho con người và cho thiết bị", đại diện EVN cho hay.
Cũng trong trưa ngày 28/10, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã điều động 3 tàu kiểm ngư thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 (đóng tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) lên đường tìm kiếm 26 ngư dân tỉnh Bình Định bị mất tích trên biển do chìm hai tàu cá vào ngày 27/10.
Sau khi nhận được thông tin 2 tàu cá của tỉnh Bình Định bị nạn, tối 27/10 hai tàu kiểm ngư: KN 467, KN 473 đã lên đường tìm kiếm ngư dân mất tích. Sáng 28/10, tàu kiểm ngư KN 490 tiếp tục được điều động cũng đã lên đường cứu nạn.
Trước đó, 26 ngư dân tỉnh Bình Định đã mất tích do 2 tàu bị chìm khi di chuyển tránh bão số 9. Cụ thể, tàu cá mang số hiệu BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tránh bão thì bị phá nước và chìm vào lúc 13 giờ ngày 27/10, trên tàu có 12 ngư dân. Tàu cá BĐ 97469 TS của ông Võ Ngọc Đoan (ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 14 lao động, bị chìm vào lúc 16 giờ 30 ngày 27/10.
Đề xuất nghỉ 7 ngày dịp Tết Nguyên đán 2021 Tân Sửu
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có Tờ trình Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh trong năm 2021. Trong đó, tổng số ngày nghỉ chính và nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là 7 ngày.
Cụ thể, Bộ LĐTĐ&XH trình phương án nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết.
Do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết (tức ngày 13-14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ Nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết (tức ngày 15-16/2/2021 Dương lịch).
Với phương án này, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục, từ ngày 10/2/2021 đến ngày 16/2/2021 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).
47 trường hợp tiếp xúc gần với chuyên gia người Hàn Quốc đều có kết quả âm tính
Liên quan đến chuyên gia người Hàn Quốc dương tính với COVID-19 sau khi rời TP Hồ Chí Minh, chiều 28/10, bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, thông tin đã xác định và lấy mẫu xét nghiệm 47 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này và đều có kết quả âm tính.
Tại buổi họp báo nhanh thông tin về chuyên gia người Hàn Quốc được xác định dương tính với SARS-CoV-2, bác sĩ Phan Thanh Tâm cho biết do phương pháp xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam và Nhật Bản khác nhau nên bên phía Trung tâm vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR, là phương pháp Việt Nam đang thực hiện.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm cho biết, sau khi trung tâm nhận được thông tin chuyên gia người Hàn Quốc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 từ mẫu nước bọt, bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên tại sân bay sân bay Narita, Nhật Bản vào ngày 24/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã liên lạc với người bệnh để khai thác thông tin di chuyển, tiếp xúc trong thời gian cư trú tại TP Hồ Chí Minh, từ đó phối hợp trung tâm y tế các quận, huyện có liên quan khoanh vùng những khu vực nguy cơ, truy vết và xác minh những người từng tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
Qua điều tra, ghi nhận được 48 trường hợp tiếp xúc gần, tiếp cận được 47 người để cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm (do có 01 người đi xa thành phố), trong đó 47 người đã có kết quả âm tính và đang được cách ly tập trung. Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát nguy cơ, thành phố cũng cho điều tra và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với những trường hợp tiếp xúc gần, ghi nhận được 296 trường hợp. Tất cả những trường hợp này đều có kết quả âm tính.
Thông tin về bệnh nhân, bác sĩ Phan Thanh Tâm cho biết, bệnh nhân J.H (48 tuổi, nam, Quốc tịch Hàn Quốc) là nhân viên của công ty U.T group tại Nhật, có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Công ty thuộc lĩnh vực đầu tư tài chính, công nghệ. Công việc chính của bệnh nhân là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty tại Việt Nam. Vì vậy, bệnh nhân không có văn phòng làm việc, chủ yếu làm việc tại nơi lưu trú và văn phòng của các công ty đối tác.
Thị trường rau xanh tại TP Hồ Chí Minh tăng giá vì ảnh hưởng mưa bão
Mưa liên tục và kéo dài, cộng với ảnh hưởng của các cơn bão liên tiếp tại các tỉnh miền Trung trong những ngày gần đây đã ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, nhất là rau xanh tại TP Hồ Chí Minh, khiến cho mặt hàng này liên tục tăng giá.
Ngày 28/10, ghi nhận tại các chợ bán lẻ của TP Hồ Chí Minh, giá rau xanh, củ quả tăng gấp 2-3 lần so với những tháng trước. Cụ thể, rau muống đã tăng lên 25 - 35 ngàn đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với trước khi có bão lũ tại miền Trung; rau cải ngọt, cải xanh, mồng tơi… từ 12 ngàn đồng/kg tăng lên 38 - 40 ngàn đồng/kg, cải bó xôi từ 20 ngàn tăng lên 60 ngàn đồng/kg; bầu, mướp, bí xanh, dưa leo từ 12 -15 ngàn đồng/kg tăng lên 30 - 40 ngàn đồng/kg; những loại rau xà lách, cải cúc giá tăng từ 20 ngàn tăng lên 40 - 60 ngàn đồng/kg… so với 2 tuần trước.
Theo các tiểu thương tại chợ tại TP Hồ Chí Minh, gần đây giá rau, củ, quả tăng cao là do hơn 1 tháng qua, thời tiết liên tục có mưa lớn cộng với ảnh hưởng của các cơn bão đổ bộ vào miền Trung, dẫn đến năng suất trồng và thu hoạch rau tại các tỉnh phía Nam giảm. Ngoài ra, mưa lớn khiến nhiều khu vực trồng rau lớn của TP Hồ Chí Minh như: huyện Hóc Môn, Củ Chi... không thể xuống giống nên nguồn cung giảm, dẫn đến cung thấp hơn cầu khiến giá tăng. Theo các thương lái, giá rau ăn lá, ăn quả từ nay đến cuối tháng 10 sẽ tiếp tục cao vì ảnh hưởng mưa lớn và ngập lụt tại miền Trung.
Không chỉ rau xanh tăng giá do ảnh hưởng mưa bão, nguồn cung rau từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh cũng đang thiếu. Tại các vùng trồng rau xanh chuyên canh của TP Hồ Chí Minh gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu rau để bán do ảnh hưởng của mưa lớn, khiến rau xanh bị ngập úng, hư hại.
Đề nghị mức án 6 - 7 năm tù đối với hai nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV
Sáng 28/10, tại phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại BIDV, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đối với nhóm 8 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (đều nguyên là Phó Tổng Giám đốc BIDV) cùng mức án từ 6 - 7 năm tù; Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) từ 4 - 5 năm tù; Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) từ 3 - 4 năm tù; Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 7 - 8 năm tù; Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 5 - 6 năm tù; Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 4 - 5 năm tù; Đặng Thanh Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 3 - 4 năm tù.
Đối với nhóm 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức xử phạt: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) từ 12 - 13 năm tù; Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) từ 18 - 19 năm tù; Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) từ 13 - 14 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam) từ 5 - 6 năm tù.
Ngoài án phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị cấm 8 bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV hành nghề liên quan đến các hoạt động tín dụng trong thời hạn 2 - 3 năm, kể từ khi chấp hành xong án phạt tù. Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tiếp tục kê biên tài sản của ông Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng để đảm bảo thi hành án.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu rõ, hành vi của các bị cáo trong vụ án đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của ngân hàng, tạo dư luận xấu, số tiền thất thoát đặc biệt lớn. Trong số các bị cáo, Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Đoàn Hồng Dũng còn quanh co chối tội, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi, mong được giảm nhẹ hình phạt.
Viện Kiểm sát cáo buộc, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) là người chịu trách nhiệm chính, thực hiện hành vi chỉ đạo xuyên suốt trong việc cho vay trái quy định gây thiệt hại cho BIDV số tiền 1.664 tỷ đồng. Trong đó, việc phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Bình Hà gây thiệt hại cho BIDV hơn 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng thiệt hại gần 865 tỷ đồng.