Bế mạc Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII
Chiều 13/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 họp phiên bế mạc và ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy khóa mới và Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương trong không khí dân chủ, đoàn kết, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Theo đúng chương trình làm việc, phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 71 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm 63 đại biểu chính thức (trong đó có 3 đại biểu đương nhiên) và 5 đại biểu dự khuyết, đại diện tiêu biểu cho hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Tại phiên bế mạc, Đại hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở thực hiện tư tưởng chỉ đạo và cũng là định hướng phát triển của Đại hội XVII: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Theo kết quả được công bố tại Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ tái cử Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII; đồng chí Chu Ngọc Anh trúng cử Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Kết quả, 497/497 đại biểu dự đại hội; 71/71 đồng chí Thành ủy viên khóa XVII vừa được bầu đều nhất trí giới thiệu đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVI, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô để bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII (đạt 100%).
Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XVII thống nhất danh sách giới thiệu đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ khoá XVI, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ứng cử chức danh Bí thư Thành uỷ khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tuyệt đối 100%.
Bốn đồng chí: Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khóa XVI; Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy khóa XVI, Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khóa XVI, Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP khóa XVI được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Như vậy, ở nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội có 3 tân Phó Bí thư, gồm đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, đồng chí Nguyễn Văn Phong, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cũng bầu ra Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII gồm 12 đồng chí, bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVI tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu 100%.
Tìm kiếm 30 người mất tích liên quan vụ sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3
Chiều 13/10, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đốc thúc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chia sẻ sâu sắc đối với mất mát, đau buồn, lo âu của những gia đình có người đang mất tích liên quan đến vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3 và chỉ đạo các lực lượng bằng mọi nguồn lực và phương tiện tìm cách tiếnp cận, hỗ trợ cứu nạn những người đang mất tích.
Theo thống kê có 30 người gồm công nhân thi công thủy điện cùng đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 vào tiếp cận hiện trường vào chiều tối ngày 12/10 đang bị mất tích. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải huy động tối đa phương tiện máy móc của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương đến hiện trường hỗ trợ mở đường cho lực lượng cứu hộ sớm triển khai tiếp cận những vị trí có nạn nhân gặp nạn.
Trên tuyến đường 71 đi vào thủy điện Rào Trăng 3 hiện có 10 điểm sạt lở núi, lực lượng chức năng đã khắc phục được 7 điểm, còn cách khoảng 3 km là đến vị trí sạt lở tại Trạm kiểm lâm số 7, thuộc Tiểu khu 67 - nơi cán bộ đoàn công tác đi vào hiện trường chiều ngày hôm qua (12/10) đang mất tích; cách 10 km đến vị trí những công nhân nhà máy thủy điện mất tích.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho Thừa Thiên - Huế, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và sẵn sàng cứu chữa cho người bị thương. Bộ Quốc phòng cũng đã chuẩn bị 2 máy bay trực thăng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát ngoài hiện trường. Hiện nay, cơn bão số 7 đang tiến vào đất liền có thể gây mưa lớn nên địa phương cần hết sức cảnh giác và đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay công nhân nhà máy thủy điển Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn đủ dùng 1 ngày; 40 công nhân từ nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã di chuyển bằng đường rừng về nhà máy Rào Trăng 4. Đường đi từ nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 về nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải bằng đường thủy nhưng nước đang chảy xiết. Hai nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đều đang xây dựng.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Nhà máy có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.
Bão số 7 giật cấp 12 đi vào đất liền từ trưa và chiều 14/10
Ngày 13/10, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai liên quan đến các vấn đề ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ tại khu vực miền Trung.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định: Bão số 7 giật cấp 12 sẽ đi vào đất liền vào trưa và chiều 14/10. Bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng tới đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đêm 13/10, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7 sau tăng lên cấp 8, vùng tâm bão sẽ mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bão số 7 và hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn từ ngày 14-16/10, mưa to đến rất to có nơi trên 400 mm, trọng tâm là khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng bằng Bắc Bộ đến hết ngày 16/10. Mưa lớn khiến các sông ở khu vực Bắc Bộ lũ lên mức báo động 2-báo động 3 ở 1 vài nơi. Ngoài khơi Vịnh Bắc bộ gần khu vực bão có thể lên tới 6m, bão vào rất dễ kết hợp với triều cường gây ra những nguy cơ ngập lụt rất lớn ở khu vực phía Bắc.
Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, tại cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên phòng và Văn phòng Ủy ban Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiến cứu nạn cho biết, đã kêu gọi các phương tiện di chuyển vào nơi an toàn, kiên quyết di dời người dân trên các lồng bè vào nơi tránh trú. Đồng thời, vận chuyển 18,5 tấn nương khô vào khu vực miền Trung để cứu đói cho người dân vùng ngập lụt, cử đoàn công tác vào khu vực thủy điện Phong Điền để ứng phó, khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực này.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị tất cả các bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc theo công điện của Thủ tướng chỉ đạo. Đồng thời, đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, nơi neo đậu, theo dõi chặt chẽ tin bão và hướng dẫn để người dân di chuyển tàu thuyền vào nơi an toàn. Rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cảng vụ hướng dẫn để người dân neo đậu, tránh trú an toàn nhất là ở các cửa sông. Quan tâm, chỉ đạo, đảm bảo an toàn trên các lồng bè, chòi canh vì nhiều nơi vẫn còn chủ quan, không chịu di dời vào nơi an toàn. Tiếp tục chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh. Di dời người dân ở những nơi xung yếu, nhà cửa yếu, thấp trũng. Đề nghị các đơn vị đi rà soát các công trình thủy điện, tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khắc phục hỗ trợ thiệt hại, cứu hộ người dân vào nơi an toàn. Các bộ ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương nhanh chóng xuất kho hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 13/10, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh, nâng tổng số mắc lên 1.113 ca.
Ca bệnh 1111 (BN1111) tại tỉnh Bạc Liêu: Nữ, 20 tuổi, có địa chỉ tại xã thành Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Ca bệnh 1112 (BN1112) tại tỉnh Bạc Liêu: nữ, 26 tuổi, có địa chỉ tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ca bệnh 1113 (BN1113) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: nam, 37 tuổi, quốc tịch Malaysia, là chuyên gia dầu khí.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.113 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 13.845 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 143 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.451 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.251 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 13/10, có thêm 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN1069. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 8 ca, lần 2 là 2 ca, lần 3 là 14 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.026 ca.
Tại giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế với các địa phương ngày 13/10, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: "Hiện đã 41 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng; tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực và có thể gây bùng nổ dịch bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Dự báo mùa đông năm nay, cuộc chiến chống COVID-19 sẽ rất khốc liệt. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia đã phát hiện ca bệnh xâm nhập trở lại và lây nhiễm ra cộng đồng”.