Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về mưa lũ miền Trung
Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng đang bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục thực hiện cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên trên các tàu Vietship bị nạn tại cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị; rà soát, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Bên cạnh đó, các địa phương thuộc khu vực miền Trung cần bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết; chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập; tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 21/CĐ-TW ngày 9/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn chính quyền cơ sở, người dân các biện pháp ứng phó hiệu quả trong thời gian tới; duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Cũng trong ngày 10/10, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra và kéo dài trong những ngày tới. Đặc biệt, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị); Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế); Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) có nguy cơ rất cao.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, đêm 10/10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 60-120mm/12h, có nơi trên 200mm/12h. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 20-50mm/12h, có nơi trên 80mm/12h.
Từ 13 giờ ngày 10/10 đến 13 giờ ngày 11/10, lũ trên sông Hương (tỉnh Thừa Thiên-Huế), sông Vu Gia-Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục lên; sông Ngàn Sâu (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình), sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên-Huế) xuống chậm nhưng còn ở mức cao.
Riêng tại Quảng Bình, sau 3 ngày mưa lũ đã có 1 người tử vong, 1 người mất tích, hơn 14.700 nhà dân bị ngập sâu với mức nước từ 0,5 - 3m, trong đó nặng nhất là huyện Lệ Thủy trên 9.000 nhà, huyện Quảng Ninh trên 4.000 nhà; nhiều thôn bản bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Đoàn công tác Công an tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó thiên tai của các đơn vị.
Tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, nước đã ngập toàn bộ xã, hơn 1.800 hộ bị cô lập hoàn toàn. Nước lũ dâng ngập sâu từ 0,5 đến hơn 3m, có nơi sâu đến 5m, một số thôn bị chia cắt, khó tiếp cận do nằm xa trung tâm xã, trong khi trời vẫn tiếp tục mưa kèm gió mạnh.
Hiện nay, lượng mưa đã giảm, lũ trên sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang đang xuống chậm nhưng vẫn trên báo động III, trên sông Gianh lũ dao động ở mức báo động I-II. Nhiều tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ bị ngập, ách tắc cục bộ như tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 1, 15, 12A, 9B, 9C; Tỉnh lộ 559, 559B, 562, 564, 569, 567.
Thống kê thiệt hại ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 877 ha nuôi trồng thủy sản, 90 lồng cá, 314 ha cây trồng hàng năm, 1146 ha hoa màu, 12 ha lúa của người dân bị hư hại nặng; 2 tàu cá bị chìm và hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ...
Truy bắt đối tượng cướp hơn 2 tỷ đồng tại ngân hàng
Theo thông tin ban đầu, trưa ngày 10/10, một phụ nữ khoảng 30 tuổi đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm đi vào một chi nhánh ngân hàng trên đường Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú). Thời điểm này, chi nhánh ngân hàng đang chuẩn bị đóng cửa và không còn khách hàng giao dịch.
Sau đó, phụ nữ này dùng bình gas, xăng… uy hiếp nhân viên ngân hàng đưa tiền. Đối tượng đã lấy hơn 2 tỷ đồng bỏ vào ba lô và chạy ra ngoài, lên xe tẩu thoát.
Nhận được tin báo, Công an quận Tân Phú cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh đã có mặt phong toả hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng để điều tra, truy xét đối tượng. Hiện phía ngân hàng đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc.
Việt Nam thêm 2 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 10/10, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19, đã được cách ly, nâng tổng số mắc lên 1.107 ca.
Ca bệnh 1106 (BN1106): Nam, 33 tuổi, có địa chỉ ở xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Ngày 26/9/2020, bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9495, được chuyển đến cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 9/10/2020 tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh là dương tính với virus SAR-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Ca bệnh 1107 (BN1107): Nữ, 33 tuổi, là chuyên gia quốc tịch Đức, vào Việt Nam làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Ngày 8/10/2020, bệnh nhân từ Frankfurt (Đức) nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QH 9058, được cách ly tập trung tại Khu cách ly khách sạn Norfolk, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả xét nghiệm ngày 9/10/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh là dương tính với virus SAR-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Tính đến 18 giờ ngày 10/10, Việt Nam có tổng cộng 1.107 ca mắc COVID-19; trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 15.777 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 281 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.910 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 2.586 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 5 ca, lần 2 là 5 ca, lần 10 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.024 ca.
TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động bến xe miền Đông mới
Sáng 10/10, sau gần 4 năm thi công, bến xe miền Đông (BXMĐ) mới (phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh) đã được đưa vào hoạt động khai thác giai đoạn 1. Đây là công trình do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH Một thành viên (Samco) làm chủ đầu tư với kinh phí giai đoạn 1 gần 700 tỷ đồng.
Dự án BXMĐ mới là một quần thể phức hợp có diện tích trên 16 ha, nằm trên địa phận phường Long Bình (quận 9, TP Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm. BXMĐ mới bao gồm nhà ga trung tâm (4 tầng trên mặt đất và 2 tầng hầm) có diện tích sàn xây dựng khoảng 49.680 m2; khu vực bãi đón trả khách và đỗ xe liên tỉnh, bãi đỗ xe chờ tài có diện tích 27.660m2 (dự kiến khoảng 250 chỗ đỗ xe chờ tài)...
Từ ngày 10/10, BXMĐ mới tổ chức cho 22 tuyến xe khách (thuộc 71 tuyến nằm trong danh mục được Bộ Giao thông vận tải công bố) đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly tuyến 1.100 km trở lên hoạt động tại bến xe. Các tuyến này được di dời từ BXMĐ hiện hữu (quận Bình Thạnh) sang BXMĐ mới.
Đoàn tàu metro Bến Thành-Suối Tiên được bốc dỡ xuống depot Long Bình để lắp vào ray
Cũng trong ngày 10/10, đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên đã được vận chuyển thành công về depot Long Bình (quận 9, TP Hồ Chí Minh), sau đó được bốc dỡ để tiến hành lắp đặt vào đường ray. Sau khi vận chuyển đoàn tàu metro Bến Thành-Suối Tiên xuyên đêm từ cảng Khánh Hội về depot Long Bình (quận 9), ba toa tàu được 2 cần cẩu 450 tấn và 250 tấn bốc dỡ khỏi xe siêu trường, siêu trọng, đặt trực tiếp vào đường ray tạm khoảng 200m.
Trong buổi sáng cùng ngày, toa tàu đầu tiên đã được 2 cần cẩu bốc dỡ hạ xuống đường ray, sau đó đội ngũ chuyên gia và kỹ sư tiến hành kiểm tra độ chuẩn xác giữa bánh xe và đường ray. Hai toa xe còn lại sau đó cũng được lắp đặt vào đường ray thành công. Sau khi được lắp ráp, tàu metro sẽ được chạy thử nghiệm trong khu vực depot. Nếu kết quả thuận lợi sẽ tiếp tục chạy thử nghiệm khu vực chính tuyến (đoạn trên cao) và đoạn hầm.
Mỗi toa tàu dài 20,75m, rộng 2,95m. Tốc độ tàu chạy tàu là 80 km/h đoạn hầm và 110 km/h ở đoạn trên cao, khổ đường ray 1,435m. Song song đó, phía tổng thầu Hitachi (Nhật Bản) cũng tiến hành sản xuất 48 toa tàu còn lại của gói thầu 51 toa tàu (kích thước dài 21,2 m, rộng 3 m, cao 4,19 m và nặng 36,6 tấn).
Depot Long Bình (quận 9) là điểm cuối của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, có diện tích khoảng 20,9 ha. Đây là khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng tàu với các tòa nhà vận hành và bảo dưỡng, xưởng bảo dưỡng tàu, bãi đỗ tàu, trạm vệ sinh tàu…