Tin nổi bật trong tuần 5-11/10

Bế mạc Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho TTXGP; bão số 6 chưa tan, Biển Đông lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới, hàng chục ngàn nhà dân ngập trong biển nước; Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định kiểm tra các nội dung sách giáo khoa lớp 1... là những tin nổi bật nhất trong tuần qua, từ 5-11/10.

Bế mạc Hội nghị lần thứ 13

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chính thức khai mạc từ ngày 5/10, đến ngày 9/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Bộ Chính trị về các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 12 đến Hội nghị lần thứ 13; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2019; xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị. Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc, nêu rõ một số vấn đề cần thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến danh sách nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự.

Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (cả Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết); bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII tái cử khóa XIII và giới thiệu nhân sự  mới lần đầu tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ Nghị quyết của Hội nghị, Báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các ý kiến đóng góp của Trung ương, tiếp tục xem xét, rà soát thật kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua tại các hội nghị Trung ương tiếp theo trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho TTXGP

Ngày 11/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chú thích ảnh
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Thông tấn xã Giải phóng lên lá cờ truyền thống của TTXVN. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc TTXVN; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố phía Nam; các đồng chí lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ, đại diện thân nhân gia đình các liệt sỹ... tham dự buổi lễ trang trọng này. 

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thực hiện nghi lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phong tặng Thông tấn xã Giải phóng.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới đại biểu, các đồng chí cựu phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng và thân nhân, gia đình những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của những người làm báo - chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tấn tuy “hai mà một, tuy một mà hai” với Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã chính thức ra đời. Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt từ năm 1960 đến 1975, mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ - Ngụy tấn công, nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì “mạch máu” thông tin liên tục, thông suốt, với khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt" như một mệnh lệnh.

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, trong hơn 15 năm hoạt động, từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh tới ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc: từ việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đến lễ công bố danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt những người làm báo - chiến sỹ ngành thông tấn. Để có những dòng tin chiến sự nóng bỏng, những bức ảnh có sức cổ vũ tinh thần chiến đấu, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã trực tiếp chiến đấu và cũng chịu hy sinh như những người lính. Hơn 240 phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam. 

Phát huy truyền thống của thế hệ nhà báo thời chiến, trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước, những người làm báo TTXVN ngày nay tiếp tục kiên định với những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam, dấn thân, tận tâm với nghề và tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.

Bão số 6 chưa tan, Biển Đông lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới

Chiều 11/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin cuối cùng về cơn bão số 6 và cảnh báo xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới trên Biển Đông. Theo đó, hồi 13 giờ ngày 11/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự báo đến 1 giờ ngày 12/10, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, suy yếu và tan dần.    

Chú thích ảnh
Hàng ngàn nhà dân tại các tỉnh miền Trung bị ngập lụt do mưa bão. Ảnh:TTXVN

Do ảnh hưởng của bão số 6, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 9; vùng ven biển các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi có mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất to, lượng mưa từ 150 - 350mm. Tình hình mưa lớn ở Trung Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.

Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ 115,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.  

Từ 13 giờ ngày 12/10 đến 13 giờ ngày 13/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và có khả năng mạnh thêm.

Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6 - 9/10 đã làm ngập lụt trên diện rộng tại Quảng Trị và ngập sâu tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị di dời những người dân bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Thống kê sơ bộ từ ngày 6 - 9/10, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm 5 người chết và 8 người mất tích. Trong đó, Quảng Trị bị thiệt hại lớn nhất, đã có 2 người chết và 6 trường hợp mất tích. Các địa phương khác cũng có thiệt hại về người do mưa lũ là Quảng Ngãi (1 người chết), Gia Lai (1 người chết), Đắk Lắk (1 người chết), Thừa Thiên - Huế (1 người mất tích), Gia Lai (1 người mất tích).

Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định kiểm tra các nội dung sách giáo khoa lớp 1

Trước tình hình các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1, Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10. 

Chú thích ảnh
Sự nhầm lẫn trong "Bài học đầu tiên của Thỏ con" của sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Ảnh: NVCC

Công văn nêu rõ, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.  

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.  

Trước đó, báo Tin tức đã có những bài viết về việc phụ huynh, giáo viên phản ánh chương trình sách giáo khoa lớp 1 quá nặng. Gần đây, nội dung bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có những từ ngữ ngô nghê đến lệch lạc cũng bị cộng đồng mạng xã hội và phụ huynh chỉ trích gay gắt. Mặc dù Tổng chủ biên chương trình tiếng Việt lớp 1 GS Nguyễn Minh Thuyết đã lên tiếng nhưng nhiều phụ huynh cho rằng đây là cách trả lời chưa phù hợp. Đồng thời, mong Bộ GD&ĐT sớm vào cuộc làm rõ vấn đề này. 

Việt Nam có thêm nhiều ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 11/10, Việt Nam hiện có số mắc là 1.109 ca. Trong đó, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 15.887 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 281 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.022 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 2.584 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 4 ca, lần 2 là 1 ca, lần 3 là 16 ca.

Đến nay Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.024 ca.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tin nổi bật ngày 10/10
Tin nổi bật ngày 10/10

Lũ lên nhanh, nhiều tỉnh miền Trung bị ngập trong biển nước; một phụ nữ cướp ngân hàng 2 tỷ đồng; Việt Nam thêm 2 người mắc COVID-19; bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động giai đoạn 1; đoàn tàu metro tuyến Bến Thành-Suối Tiên được bốc dỡ xuống depot Long Bình để lắp vào ray... là những tin được quan tâm nhất trong ngày 10/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN