Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự các Đại hội Đảng bộ
Sáng 12/10, Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu tại Đại hội, nhiệt liệt chúc mừng, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội về những kết quả, thành tích to lớn và quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước.
Phân tích những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại của Đảng bộ Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; thời cơ và thách thức đang đặt ra do bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình trong nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của khí thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Bởi vậy, Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Về định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô. Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn xa hơn, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước.
Cùg ngày, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt biểu dương Đảng bộ Công an Trung ương trong việc gương mẫu đi đầu trong tinh gọn tổ chức bộ máy và gương mẫu đi đầu trong việc làm trong sạch đội ngũ; việc tinh gọn bộ máy, tổ chức theo mô hình mới được đánh giá như một bước đột phá về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của lực lượng Công an.
Bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo chính trị trình Đại hội đã xác định rất đúng về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, lực lượng Công an nhân dân cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với Công an nhân dân; mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sỹ Công an phải thấm nhuần sâu sắc nhận thức còn Đảng là còn mình.
Tìm thấy thi thể người phụ nữ bị nước lũ cuốn trôi khi đang trở dạ
Chiều 12/10, lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tìm thấy thi thể sản phụ H.T.P bị lũ cuốn trôi trên đường đi sinh.
Trước đó, sáng cùng ngày, chị H.T.P (trú tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có dấu hiệu trở dạ nên gia đình thuê thuyền đưa đến cơ sở y tế. Khi đi đến khu vực nước chảy xiết, thuyền bị lật, chị P rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi. Phát hiện vụ việc, một số người dân gần đó chạy đến ứng cứu nhưng do lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực.
Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng địa phương đã vào cuộc tìm kiếm, tuy nhiên nước lên cao, chảy xiết nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường 4 xuồng cứu hộ, 6 thợ lặn cùng các phương tiện tìm kiếm nạn nhân. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm trong điều kiện thời tiết khó khăn, đến khoảng 13 giờ ngày 12/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của chị P cách vị trí gặp nạn 100m.
Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7
Ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới.
Theo Công điện, những ngày qua, mưa lũ lớn trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại khu vực Trung Bộ. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi tới cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương và lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết và mất tích.
Dự báo, trong những ngày tới thiên tai còn diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, áp thấp nhiệt đới để kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân: sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu dân cư bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu, nhất là qua các ngầm tràn, các bến đò.
Các địa phương nói trên cần tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết, mất tích; cứu chữa người bị thương, cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; chuẩn bị phương án khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng để phục vụ sinh hoạt, khôi phục sản xuất ngay sau khi lũ rút.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo triển khai công tác y tế, bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ, hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất xử lý nguồn nước, môi trường sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo dõi, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đúng quy định các nhu cầu cứu trợ khẩn cấp của địa phương liên quan đến hàng dự trữ quốc gia, nhất là lương thực, nhà bạt, phao cứu sinh phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trị kịp thời báo cáo, đề xuất hỗ trợ lương thực phục vụ cứu trợ cho người dân vùng lũ.
Về ứng phó với bão số 7 và áp thấp nhiệt đới, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hoạt động sản xuất, trong đó lưu ý bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển; chủ động di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm; bảo vệ đê điều, hồ đập; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản…
Thêm 1 ca mắc mới COVID-19, cách ly ngay khi nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 12/10, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay, nâng tổng số mắc lên 1.110 ca.
Ca bệnh 1110 (BN1110) tại TP. Hồ Chí Minh: Nam, 35 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia, vào Việt Nam làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 06/10/2020, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tập trung tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 7/10/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả âm tính với virus SAR-CoV-2. Ngày 10/10/2020, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, đau đầu.
Ngày 11/10/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả xét nghiệm dương tính SAR-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó, đã có 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên chuyến bay này tại tỉnh Đồng Tháp (5 ca) và tại Đồng Nai (1 ca).
Tính đến 18 giờ ngày 12/10, Việt Nam có tổng cộng 1.110 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.160 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 282 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.331 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 2.547 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 12/10, có thêm 1 bệnh nhân là BN899 được công bố khỏi bệnh
Hiện số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 8 ca, lần 2 là 2 ca, lần 3 là 15 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.025 ca.