Tiếp tục khơi thông dòng chảy chủ nghĩa yêu nước và nhân văn
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đồng thời ghi nhận, hoan nghênh Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn chủ đề rất cần thiết để tổ chức hội thảo. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý cùng nhau bàn thảo, phân tích, tập trung đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện thực trạng văn học, nghệ thuật thời gian qua; chỉ ra những thành tựu, ưu điểm, cùng những bất cập, hạn chế, yếu kém; nhận diện xu hướng phát triển trong thời gian tới; trên cơ sở đó đề xuất những nội dung mới về chủ trương, giải pháp quan trọng, đột phá và khả thi để phát triển văn học, nghệ thuật từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc. Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận và biểu dương, là thành quả chung của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cả nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đến nay đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Hoạt động phê bình mặc dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa khẳng định được vai trò đồng hành, đồng cảm, thật sự góp phần kịp thời điều chỉnh, định hướng đối với sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình còn thưa vắng ở hầu khắp các loại hình nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lý luận, phê bình còn nhiều bất cập. Hoạt động giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật nhân loại, đồng thời quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới chưa có chiến lược bài bản, còn có biểu hiện tự phát, manh mún, thiếu hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết Nghị quyết, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Văn học, nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; Tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn; Huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật; Cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích tiềm năng sáng tạo, giáo dục định hướng, bồi đắp lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ; Phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bởi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ chủ trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ văn học, nghệ thuật, tạo cơ sở vững chắc xây dựng thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển đồng bộ, hiện đại trong bối cảnh mới.
Phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, đặc biệt là tâm huyết, khát vọng, tài năng, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước, nền văn học, nghệ thuật của Việt Nam sẽ có những bứt phá mới trong thời gian sắp tới, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Các tham luận và bài viết gửi đến hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính gồm: Đánh giá kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những ưu điểm, thành tựu, hạn chế, khuyết điểm sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) trong các lĩnh vực: sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng... ở các ngành, hội, đơn vị trung ương và địa phương. Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Trên cơ sở những phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), đề xuất, kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kết luận hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, dù tiếp cận chủ đề theo nhiều góc độ, bình diện và điểm nhìn khác nhau, đánh giá và thể hiện có những điểm khác nhau nhưng tựu trung đều bám sát chủ đề và các yêu cầu Hội thảo nêu ra. Đó là: đánh giá những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền Nghị quyết 23-NQ/TW; đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW; rút ra những bài học và đưa ra đề xuất, kiến nghị làm cơ sở cho các luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, trong đó có nội dung tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
Hội thảo là một sinh hoạt khoa học rất bổ ích, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW và định hướng cho công tác văn hóa, nghệ thuật những năm sắp tới.