Tiếp tục rà soát quy định pháp luật trước tác động của đại dịch COVID-19

Chiều 22/3, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2021. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác, chủ trì cuộc họp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết, Tổ công tác đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ bài bản, khoa học, hiệu quả. Việc rà soát bảo đảm tính toàn diện, hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm với phạm vi sâu, rộng nhất từ trước đến nay. Mặc dù khối lượng văn bản thuộc đối tượng rà soát lớn, thời hạn ngắn, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là dịch COVID-19, song Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện rà soát văn bản thuộc trách nhiệm được giao.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác, đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả rà soát đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu. Qua rà soát, Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn. Một số vấn đề đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, xử lý kịp thời trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình ban hành, thông qua văn bản thời gian vừa qua.

Theo Cục trưởng Đồng Ngọc Ba, 5.144 văn bản thuộc 10 chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu, liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh đã được Tổ công tác thực hiện rà soát là . Ngoài ra, Tổ công tác cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật kết quả xử lý liên quan đến kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về 25 nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan của Chính phủ và Tổ công tác thực hiện trong năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác thời gian qua. Nhiều ý kiến chỉ rõ, phạm vi, khối lượng công việc rất lớn, thời hạn thực hiện tương đối ngắn, trong khi Tổ công tác hoạt động theo cơ chế liên ngành, thành viên công tác tại nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới những khó khăn trong việc huy động sự tham gia trực tiếp của các thành viên vào các hoạt động chung của Tổ công tác. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số hoạt động chưa thể thực hiện đầy đủ, hiệu quả như dự kiến, nhất là các hoạt động liên quan đến việc tổ chức khảo sát, tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về kết quả rà soát.

Thời gian tới, Tổ công tác sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý theo Báo cáo số 442/BC-CP của Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tổ công tác cũng tập trung chỉ đạo việc tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (5 chuyên đề/lĩnh vực) theo Kế hoạch. Đó là rà soát quy định pháp luật về đất đai; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rà soát quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo (không bao gồm giáo dục nghề nghiệp); rà soát quy định pháp luật về quản lý giá và thẩm định giá; quy định pháp luật về chi phí trong hoạt động giám định tư pháp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác, chỉ rõ, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến Nhà nước và pháp luật, vì thế, các thành viên Tổ công tác cần nghiên cứu kỹ nội dung này. Cơ quan chủ trì và các thành viên Tổ công tác cần tích cực, chủ động hơn nữa trong nghiên cứu và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý sự về phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Tổ công tác, đồng thời đề nghị các thành viên tiếp tục tham mưu ban hành cơ cấu, danh mục các văn bản cần sửa đổi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Nhân dịp này, 9 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phan Phương (TTXVN)
Diễn đàn về tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế-chính trị thế giới
Diễn đàn về tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế-chính trị thế giới

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Việt Nam và thế giới thường niên với chủ đề năm 2020: “Đại dịch COVID-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới" nhằm trao đổi, làm rõ những tác động cơ bản của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế - chính trị thế giới và các khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN