Tiếp tục Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Giáo dục quốc phòng - an ninh có vị trí quan trọng


Sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án Luật Giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN).


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình dự án luật nêu rõ, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN cho thấy, văn bản quy phạm pháp luật về GDQP - AN nếu chỉ dừng lại ở những nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, vì GDQP-AN quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức.

Hơn nữa, một số nội dung giáo dục quốc phòng liên quan đến Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật khác, do đó để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần phải ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao để giải quyết các vấn đề nêu trên. Giáo dục quốc phòng - an ninh cho công dân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia; mục tiêu cơ bản xuyên suốt của GDQP - AN của các quốc gia trên thế giới đều nhằm giáo dục trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quốc phòng, an ninh cần thiết, để mỗi công dân có thể thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước.


Dự thảo luật bao gồm 6 chương, 42 điều quy định về giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong GDQP-AN. Mục tiêu GDQP-AN nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ cho rằng, trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thì việc ban hành Luật GDQP-AN là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao trong Quốc hội về sự cần thiết ban hành luật, Tờ trình của Chính phủ cần tập trung làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN; những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GDQP-AN.


Thảo luận nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (Điều 16), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành với quan điểm của Chính phủ cho rằng việc quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người quản lý, người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là phù hợp. Để đảm bảo tính khả thi và tập trung về đối tượng, dự thảo luật đã xác định một số điều kiện của đối tượng này như: Có tổ chức bộ máy quản lý nghiệp vụ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.


Trên cơ sở tán thành với sự cần thiết có quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo (Điều 17), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để có chương trình đào tạo riêng, phù hợp với đối tượng này. Đại biểu Ksor Phước cho rằng đối với chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, dự án luật nên quy định trên tinh thần khuyến khích và tạo điều kiện chứ không nên quy định bắt buộc.

 

Tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri


Chiều 20/8, UBTVQH đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10/9/2004 giữa UBTVQH khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự phiên họp.


Theo UBTVQH, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 06, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập như: Chưa đa dạng về hình thức, nội dung, nặng về thủ tục hành chính, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và yêu cầu của thực tiễn. Thời gian phát biểu của cử tri còn ít; việc giải trình, tiếp thu của đại biểu Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương còn chưa thấu đáo... Quy định về tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị cử tri; trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và của cá nhân, tổ chức hữu quan trong việc phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị cử tri chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể. Hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu mới duy trì trước và sau kỳ họp. Các hình thức khác chưa được chú trọng.


UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 06 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện một bước các quy định về tiếp xúc cử tri; bổ sung các quy định cụ thể về việc tổ chức, phục vụ các hoạt động tiếp xúc cử tri... Đồng thời, UBTVQH cho ý kiến về hình thức ban hành, phạm vi điều chỉnh, tên gọi và bố cục Nghị quyết và một số vấn đề cụ thể như: Trách nhiệm của đại biểu trong tiếp xúc cử tri; hình thức tiếp xúc cử tri; về tập hợp, tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.


Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri của đại biểu Quốc hội là rất quan trọng và cần thiết. Mục tiêu của hoạt động tiếp xúc với cử tri, với nhân dân là để sau đó, đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng luật pháp, chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đúng hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn; đồng thời nêu cao trách nhiệm của từng đại biểu, giải quyết tốt những vấn đề thiết yếu của người dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri cần được thiết kế phong phú, đa dạng; đặt trong hoạt động giám sát, xây dựng luật pháp và các hoạt động khác để có các hình thức, cách thức phù hợp. Tiếp xúc trước kỳ họp, sau kỳ họp và tiếp xúc chuyên đề phải có nội dung, cách làm phù hợp, quy định rõ hơn địa điểm, đối tượng...


Thanh Hòa - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN