Chương trình được triển khai từ năm 2020, với sự tham gia phối hợp của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức chính trị - xã hội cùng các cơ quan báo đài của Thành phố. Theo báo cáo của Sở Nội vụ Thành phố, công tác tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng điển hình tiên tiến được các cơ quan thực hiện với nội dung, hình thức đa dạng như thông qua hội thi, phát động phong trào thi đua, hội nghị biểu dương; thực hiện tin, bài, chương trình phát sóng… Qua đó, ngày càng có nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu được giới thiệu và nhân rộng, lan tỏa rộng khắp các ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố; tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực phát triển.
Trong đó, các cơ quan báo, đài Thành phố đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng điển hình tiên tiến. Từ năm 2020 đến nay, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 500 chương trình, chuyên đề, chuyên mục, các loạt phóng sự về phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình; Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố đã có hơn 1.200 bài đăng giới thiệu các câu chuyện, cá nhân, tập thể điển hình. Báo Sài Gòn Giải Phóng có hơn 2.000 tin, bài về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt…
Đặc biệt, năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đơn vị phối hợp đã tập trung tuyên truyền đậm nét công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền Thành phố các cấp với nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo nhằm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch; tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ người dân và những nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép” của Thành phố…
Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ, cùng với mở các chuyên mục tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước, Báo tổ chức nhiều chương trình, giải thưởng hướng đến cộng đồng, nhằm thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt, Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đã trao cho Thành phố một số cơ chế chính sách vượt trội để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cả nước. Từ thực tiễn đó, Báo tiếp tục xác định nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo thêm nguồn cảm hứng để phong trào thi đua yêu nước được thực hiện rộng khắp, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển Thành phố.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Thành phố, trong công tác phối hợp tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước, ở một số đơn vị, các sản phẩm tuyên truyền chưa được đầu tư đổi mới dẫn đến hiệu quả lan tỏa chưa cao, chưa tác động được đến hết các nhóm đối tượng, các tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, bên cạnh đổi mới công tác thi đua khen thưởng, các đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức tuyên truyền phong trào thi dua yêu nước của Thành phố; nhất là thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Cùng với đó, các đơn vị chú trọng tới việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hiệu quả; giao lưu điển hình tiên tiến giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan báo, đài Thành phố tiếp tục xây dựng, tăng thời lượng phát sóng trên các chuyên trang, chuyên mục về phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng điển hình tiên tiến; tuyên truyền mạnh mẽ, phổ biến rộng rãi các sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình sáng tạo tạo hiệu ứng trong toàn xã hội. Từ việc đẩy mạnh công tác biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt góp phần hạn chế, đẩy lùi tiêu cực trong xã hội.